Tiếp tục Phiên họp thứ 6, sáng ngày 10/12, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.
Hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 với tổng chiều dài 654 km, chia thành 11 dự án thành phần (gồm 8 dự án đầu tư theo phương thức PPP và 3 dự án đầu tư công).
Trong quá trình thực hiện, do khó khăn trong việc kêu gọi nhà đầu tư, huy động vốn tín dụng, với mục tiêu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, giải quyết về công việc và nguồn thu nhập đối với người lao động,... góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đổi 5/8 dự án thành phần từ phương thức PPP sang đầu tư công.
Nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa của dự án trong việc hoàn thiện kết nối hành lang vận tải trên trục Bắc – Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Việc đầu tư hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là cần thiết, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Với vai trò là hành lang xương sống của quốc gia, việc đầu tư, đưa vào khai thác toàn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nâng cao tính cạnh tranh của quốc gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ hiện đại hóa đất nước theo Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua".
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nếu không kịp thời đầu tư các đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, nhu cầu vận tải sẽ vượt quá so với tổng năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông hiện tại. Bên cạnh đó, chủ trương đầu tư Dự án cũng sẽ giải quyết những hạn chế mà các tuyến quốc lộ song hành, đặc biệt Quốc lộ 1 không thể khắc phục.
Nghiên cứu đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe 24,75m
Thay mặt cơ quan Thẩm tra sơ bộ dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, dự án thuộc các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định là đúng quy định.
Với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan: Dự án được lập cơ bản phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 đã được phê duyệt. Tuy nhiên, Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được quyết định, do đó đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, cập nhật trong quá trình lập, thẩm định quy hoạch có liên quan để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định của hệ thống quy hoạch.
Về quy mô đầu tư, Chính phủ đề xuất phương án giải phóng mặt bằng (GPMB) Dự án theo quy mô 4 - 6 làn xe hoàn chỉnh (đối với quy mô 4 làn xe mặt đường là 24,75m, sẽ bao gồm 4 làn xe và 02 làn dừng xe khẩn cấp và đối với quy mô 6 làn xe mặt đường là 32,25m, sẽ bao gồm 6 làn xe và 02 làn dừng xe khẩn cấp).
Tuy nhiên, giai đoạn phân kỳ đầu tư theo quy mô 4 làn xe với mặt đường 17m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp), tốc độ thiết kế 80 – 120km/h cho tất cả các đoạn của Dự án. Việc đầu tư theo quy mô này chưa phù hợp theo tiêu chuẩn Việt Nam về đường ôtô cao tốc, với yêu cầu tốc độ thiết kế 80 - 120 km/h của 4 làn xe thì yêu cầu mặt đường phải là 24,75m (bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp). Hơn nữa, việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m đến nay vẫn chưa được đánh giá, tổng kết. Thực tế, hiện nay đa số các tuyến đường cao tốc hiện hữu đều có 2 làn dừng xe khẩn cấp và đạt tốc độ khai thác từ 100km/h trở lên.
Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù việc đầu tư theo quy mô mặt đường 17m sẽ đáp ứng tổng mức đầu tư Dự án nhưng với quy mô này sẽ làm giảm hiệu quả khai thác tuyến đường khi tốc độ khai thác chỉ đạt khoảng 80km/h. Với hiện trạng về phương tiện, kinh nghiệm quản lý, ý thức tham gia giao thông hiện nay, việc đầu tư theo quy mô này sẽ gây nguy cơ cao mất an toàn giao thông, giảm hiệu quả khai thác, tốn kém hơn khi mở rộng ở giai đoạn sau. Do vậy, đề nghị trong giai đoạn này cần cân nhắc đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe 24,75m.
Về phương án thiết kế sơ bộ và lựa chọn công nghệ chính: Một số ý kiến đề nghị cần sớm hoàn chỉnh hướng tuyến của Dự án; rà soát kỹ lưỡng để thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và giải pháp hiệu quả xử lý các khu vực có nền đất yếu, lưu ý các khu vực quốc phòng an ninh, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến các di tích lịch sử, khu bảo tồn, vườn quốc gia; bổ sung các giải pháp tránh gây ngập úng, ảnh hưởng đến tiêu thoát lũ; bố trí các đường gom, hầm chui dân sinh hợp lý. Một số ý kiến đề nghị cần áp dụng triệt để các công nghệ tiên tiến, phương án thiết kế cầu, hầm... để tối ưu hóa hướng tuyến của Dự án; bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho các dự án thành phần thuộc Dự án. Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung giải trình làm rõ những vấn đề trên.
Về sơ bộ phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư (GPMB): Thực tiễn triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sau khi xác định được phạm vi GPMB của Dự án đã tách công tác GPMB thành các dự án vận hành độc lập và giao chính quyền địa phương thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ GPMB phụ thuộc vào sự chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền địa phương. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị trong quá trình triển khai các bước tiếp theo Chính phủ khẩn trương tổng kết kinh nghiệm giai đoạn trước và có các giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt và có chế tài gắn trách nhiệm đối với các cấp địa phương để bảo đảm được tiến độ giải phóng mặt bằng.
Về hình thức đầu tư: Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, thị trường vốn còn hạn chế, các doanh nghiệp chưa thông qua thị trường vốn để huy động vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng mà chủ yếu là huy động vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại, cùng với những bất cập nêu trên vẫn chưa được khắc phục thì khả năng các ngân hàng thương mại cho các nhà đầu tư vay vốn để thực hiện Dự án theo phương thức PPP là rất thấp. Do đó, việc Chính phủ đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công để bảo đảm tiến độ cho Dự án là có cơ sở.
Không giao cho địa phương làm chủ đầu tư mà chỉ giao kinh phí và việc thực hiện GPMB
Phát biểu tại Phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đối về chủ trương đầu tư Dự án. Cho rằng đây là dự án trọng điểm và nằm trong gói kích thích nền kinh tế nên Bộ GTVT cần tiếp thu tối đa các ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt trên cơ sở các quy định hiện hành để tổ chức thực hiện cho hiệu quả.
Trong việc thực hiện dự án, nếu thẩm quyền nào của Chính phủ thì Chính phủ sẽ quyết định. Khi quyết định chủ trương đầu tư mà xem xét cả chủ đầu tư dự án, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tán thành với các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ đề xuất, Hội đồng thẩm định dự án và ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương là giao cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án. Chủ trương đầu tư Dự án là dự án đặc biệt quan trọng và muốn triển khai nhanh, chỉ đạo tập trung thống nhất thì việc giao cho Bộ GTVT làm chủ đầu tư dự án là hợp lý.
Để triển khai dự án đúng tiến độ, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các Bộ ngành, địa phương cần tập trung vào công tác giải phóng mặt bằng và kế hoạch đấu thầu, phương thức đầu tư dự án. Ngoài việc hoàn thiện hồ sơ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GTVT cần lường hết các ý kiến của các đại biểu, có báo cáo tiếp thu giải trình, thống nhất giữa hồ sơ trình và thẩm tra đối với dự án. Khi có thảo luận ở Tổ, sau khi thảo luận ở Hội trường, Bộ GTVT cũng phải có báo cáo giải trình ngay và phối hợp với cơ quan thẩm tra chuẩn bị dự thảo Nghị quyết, ý kiến báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội xem xét, thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Cũng tại Phiên thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn cho ý kiến về tiến độ hoàn thiện dự án, nguồn vốn đầu tư; phương án thu phí để thu hồi vốn hoàn trả ngân sách Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng ở bước nghiên cứu khả thi của dự án.
Phát biểu kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Tại Phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung cho ý kiến, đề xuất vào các nội dung:
Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 tại kỳ họp bất thường Quốc hội khóa XV.
Thứ hai, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm nay và lưu ý một số vấn đề sau:
Nghiên cứu, cân nhắc thêm phương án đầu tư Dự án theo quy mô 4 làn xe = 24,75m so với qui mô 4 làn xe =17m để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình khai thác và mở rộng giai đoạn sau, nhất là đối với đoạn có nền đất yếu như Cần Thơ – Cà Mau.
Tiếp tục rà soát, tính toán kỹ sơ bộ tổng mức đầu tư của từng dự án thành phần và phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả đúng quy định pháp luật, tránh ảnh hưởng đến môi trường, hệ sinh thái; đồng thời bổ sung làm rõ phương án lựa chọn công nghệ chính cho Dự án.
Giao Bộ GTVT quản lý, đầu tư dự án, không giao cho địa phương làm chủ đầu tư các dự án thành phần mà chỉ giao kinh phí và việc thực hiện giải phóng mặt bằng cho các địa phương. Đây là cơ chế hiện nay đang thực hiện, cơ bản không có vướng mắc. Nếu giao cho địa phương làm chủ đầu tư dự án thành phần sẽ không phù hợp với quy định của quy định của nhiều Luật, khó bảo đảm chất lượng, tiến độ và tính thống nhất trong quá trình thực hiện Dự án, đặc biệt đây là dự án quan trọng quốc gia đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng cao và đòi hỏi thi công đồng bộ, thống nhất nên cần quản lý tập trung, thống nhất.
Thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định việc đầu tư toàn bộ dự án bằng vốn đầu tư công nhưng đề nghị Chính phủ rà soát, điều hòa nguồn vốn đầu tư công trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để ưu tiên vốn của Chương trình phục hồi cho các dự án trọng điểm, có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng, có khả năng hấp thụ vốn và đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành trong hai năm 2022- 2023; đồng thời sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn để bố trí từ nguồn vốn trong kế hoạch trung hạn thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2024 - 2025.
Thống nhất trình Quốc hội quyết định việc Quốc hội ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng của Dự án trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi. Tuy nhiên, đề nghị bổ sung, làm rõ thẩm quyền đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532 ha để Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu hướng tuyến và các điều kiện khác để đảm bảo chi phí đầu tư xây dựng đường cao tốc hợp lý, tiết kiệm trên cơ sở chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa tối ưu nhất. Đồng thời diện tích đất phải thu hồi cho Dự án rất lớn, số hộ bị ảnh hưởng nhiều nên việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phải công khai minh bạch, đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân bị thu hồi đất.
Ngoài ra, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để có phương án thu hồi vốn khả thi khi đưa dự án vào khai thác sử dụng để tạo nguồn trả nợ, nguồn duy tu, sửa chữa lớn và nguồn đầu tư các công trình khác; có các giải pháp để xử lý những những khó khăn, vướng mắc, không để thiếu nguyên vật liệu, bãi đổ thải, các điều kiện đảm bảo khác để hoàn thành dự án chất lượng, đúng tiến độ.
Thứ ba, đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến tham gia, chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ Dự án và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, gửi Quốc hội và cơ quan thẩm tra. Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV.