Nội dung kiến nghị của Tp.HCM như sau: "Cử tri đề nghị Bộ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy chuẩn về đường cao tốc, xây dựng lộ trình cụ thể để khắc phục tồn tại trên các tuyến cao tốc hiện nay; nếu không thể khắc phục được ngay thì phải đề nghị, kiên quyết thực hiện việc hạ cấp khai thác, phân luồng hạn chế xe trên các tuyến cao tốc; cần lắp đặt hệ thống giám sát, tăng cường công tác phối hợp trong khảo sát, khắc phục các điểm tồn tại trên những tuyến cao tốc; xử lý nghiêm đối với những trường hợp chậm khắc phục các tồn tại trong việc tổ chức giao thông, là nguyên nhân trực tiếp gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng.
Cử tri cho rằng, hiện nay, có những tuyến cao tốc dài hàng trăm cây số nhưng thiếu trạm dừng chân, điều này không hợp lý, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Ngoài ra, một số tuyến đường cao tốc thiếu làn đường dừng khẩn cấp, một số tuyến đường có biển báo nhưng bị che khuất tầm nhìn… Do đó, kiến nghị Bộ kiểm tra, có giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Cử tri kiến nghị Bộ cần có giải pháp phòng ngừa ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông do sự cố, thảm họa về giao thông xảy ra trên các tuyến đường bộ cao tốc".
Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải cho biết, Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan xây dựng các Nghị định và Thông tư hướng dẫn hai Luật nêu trên làm cơ sở triển khai thực hiện, trong đó có các nội dung về đường cao tốc.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BGTVT ngày 31/3/2024 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc (Quy chuẩn QCVN 115:2024/BGTVT) làm cơ sở cho các địa phương, các Chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thực hiện thống nhất trong quá trình đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc mới và nâng cấp các tuyến cao tốc đã triển khai.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát để điều chỉnh, cập nhật Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường bộ cao tốc cho phù hợp với Luật Đường bộ.
Về nội dung xây dựng lộ trình cụ thể để khắc phục tồn tại trên các tuyến cao tốc hiện nay; khắc phục tình trạng thiếu làn dừng khẩn cấp liên tục, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/02/2024, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ đạt quy mô quy hoạch, trình Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 3790/BGTVTCĐCTVN ngày 09/4/2024.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành rà soát các nguồn vốn phù hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận, Bộ Giao thông vận tải sẽ tổ chức triển khai đầu tư xây dựng nâng cấp các tuyến đường cao tốc theo quy hoạch, theo yêu cầu kỹ thuật Quy chuẩn quốc gia, việc vận hành khai thác các tuyến đường sẽ cơ bản đảm bảo an toàn, ổn định từng bước đáp ứng kiến nghị của cử tri.
Để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường cao tốc và nâng cao năng lực quản lý, cũng như để bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở triển khai thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đã phê duyệt Đề án "Định hướng trong đầu tư, vận hành khai thác hệ thống giao thông thông minh và kiểm tra tải trọng xe trên đường bộ cao tốc", trong đó đã xác định lộ trình nghiên cứu đề xuất mô hình tổng thể quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống giao thông thông minh, kiểm tra tải trọng xe tập trung cho các tuyến đường cao tốc; đề xuất lộ trình triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện Việt Nam, đảm bảo quản lý, vận hành, khai thác hiệu quả đường cao tốc theo quy định tại Nghị định số 25/2023/ND-CP ngày 19/5/2023 của Chính phủ.
Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải cũng đang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương rà soát, để đầu tư hoàn chỉnh hệ thống ITS và Trung tâm quản lý điều hành giao thông tuyến đối với các dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông đảm bảo hệ thống giám sát, điều hành giao thông đồng bộ, hiệu quả góp phần làm giảm tai nạn giao thông.
Về nội dung thiếu trạm dừng nghỉ trên các tuyến đường cao tốc, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông gồm 36 (cặp) trạm dừng nghỉ.
Trong đó: 9 trạm đã đưa vào khai thác và đang đầu tư xây dựng 27 trạm (gồm 24 trạm do Bộ Giao thông vận tải đầu tư, 1 trạm do địa phương đầu tư; 2 trạm do Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam đầu tư).
Về công tác đầu tư xây dựng 24 trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông do Bộ Giao thông vận tải quản lý: 8 trạm đã ký hợp đồng với nhà đầu tư; 13 trạm đang tổ chức lựa chọn nhà đầu tư và 3 trạm đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý theo quy định.
Sau khi lựa chọn được nhà đầu tư, các trạm dừng nghỉ sẽ được khẩn trương xây dựng và hoàn thành trong năm 2025 đồng bộ với các dự án đường cao tốc để phục vụ người dân và phương tiện tham gia giao thông.
Trước mắt, để giải quyết nhu cầu của người tham gia giao thông trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông, trong thời gian chờ hoàn thành việc đầu tư xây dựng các trạm dừng nghỉ theo quy định, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Chủ đầu tư dự án đường cao tốc tổ chức một số điểm dừng nghỉ tạm trên tuyến (khoảng cách trung bình 70 - 80km/1 vị trí), đồng thời thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin để người điều khiển phương tiện có thể chủ động hành trình khi di chuyển trên các tuyến cao tốc.
Về nội dung cần có giải pháp phòng ngừa ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông do sự cố, thảm họa về giao thông xảy ra trên các tuyến đường bộ cao tốc; một số tuyến đường có biển báo nhưng bị che khuất tầm nhìn, Bộ Giao thông vận tải đã và đang triển khai nhiều giải pháp để phòng ngừa ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc, một số giải pháp trọng tâm, cụ thể:
Sau khi đưa các đoạn tuyến cao tốc vào khai thác theo tiến độ, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Cục Cảnh sát giao thông, Ban An toàn giao thông, Sở Giao thông vận tải các địa phương có tuyến đường cao tốc đi qua để tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về tốc độ, lấn làn, vượt ẩu; thường xuyên theo dõi phát hiện các vấn đề phát sinh nếu có để bổ sung, điều chỉnh các công trình an toàn giao thông nhằm khắc phục, từng bước nâng cao an toàn giao thông trên các tuyến đường cao tốc; đồng thời tổ chức tuyên truyền, tăng cường phổ biến pháp luật về đường bộ để nâng cao ý thức chấp hành của người tham gia giao thông trên tuyến đường cao tốc, hạn chế vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông xuất phát từ nhận thức của người tham gia giao thông.
Về nội dung liên quan đến biển báo bị che khuất tầm nhìn, tiếp thu ý kiến của cử tri, Bộ Giao thông vận tải đã yêu cầu Cơ quan quản lý đường bộ nâng cao trách nhiệm, tăng cường kiểm tra việc tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc đã đưa vào khai thác, kiểm tra hệ thống an toàn giao thông, trong đó chú trọng việc rà soát, chỉnh trang hệ thống biển báo còn chưa phù hợp đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện tham gia giao thông.