Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/04/2022 của Chính phủ về tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) và chống ùn tắc trong giai đoạn 2022 – 2025, nhằm cụ thể hóa những nhiệm vụ và định hướng cơ bản liên quan đến ngành GTVT đã được giao.
Nghị quyết số 48 của Chính phủ yêu cầu tăng cường các giải pháp nhằm kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.
Nghị quyết do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký nêu rõ, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 12, hàng năm TNGT tiếp tục giảm sâu ở cả 3 tiêu chí. Năm 2019, nếu số người chết do TNGT là hơn 7.600 thì đến năm 2020 đã giảm xuống còn 6.700 người. Năm 2021 số người chết do TNGT tiếp tục giảm xuống còn gần 5.800 người. Ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn từng bước được kiềm chế.
TNGT tuy có giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp. Số người thương vong do TNGT vẫn còn ở mức cao; ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, đầu mối giao thông trọng điểm, các đô thị tuy đã được kiềm chế nhưng chưa bền vững.
Với mục tiêu giảm TNGT, phấn đấu giảm số thương vong do TNGT mỗi năm từ 5-10%, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do TNGT đường bộ so với năm 2020... Bộ GTVT yêu cầu tập trung thực hiện tốt 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, trước hết là tăng cường kiểm tra, công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông. Tiếp tục kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Ủy ban ATGT Quốc gia và Ban ATGT tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự ATGT nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn. Lồng ghép mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông vào các quy hoạch ngành quốc gia; quy hoạch vùng, tỉnh; quy hoạch sử dụng đất, xây dựng đô thị, nông thôn và các quy hoạch chuyên ngành về GTVT.
Đồng thời, quản lý chặt chẽ quá trình thực hiện quy hoạch, bảo đảm việc xây dựng mới hoặc chỉnh trang các khu công nghiệp, đô thị, các trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện... phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng.
Cùng đó, cần bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT.
Xoá bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thuỷ nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.
Nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phương tiện, linh kiện, vật liệu và hạ tầng để tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và lưu hành đối với phương tiện thân thiện môi trường.
Về giải pháp cơ cấu lại thị phần vận tải, Bộ GTVT còn yêu cầu tái cơ cấu vận tải, nâng cao thị phần vận tải đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không, giảm dần phụ thuộc vào đường bộ.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, phát triển hệ thống vận tải công cộng trong đô thị và liên tỉnh gắn với hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong các đô thị lớn.
Đối với giải pháp tuyên truyền, Bộ GTVT cũng yêu cầu kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn đối với tổ chức, cá nhân xây dựng, thực thi pháp luật, cung ứng hạ tầng, phương tiện, dịch vụ vận tải và tham gia giao thông.
Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT theo hướng lấy thay đổi hành vi làm tiêu chí đánh giá kết quả; đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội và hạ tầng số; vận động, hướng dẫn việc lồng ghép mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông vào chương trình, kế hoạch và hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp.
Kế đến là cần nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật về bảo đảm TTATGT, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng và đảm bảo khả năng kết nối, sử dụng chung các cơ sở dữ liệu giữa ngành GTVT, công an, y tế, bảo hiểm và các cơ quan chức năng có liên quan trong thực thi pháp luật và chia sẻ phục vụ công tác xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu khoa học về bảo đảm TTATGT.
Cuối cùng, cần nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn, cứu chữa nạn nhân và khắc phục hậu quả tai nạn giao thông; tập huấn kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông cho nhân viên y tế cơ sở, lực lượng thực thi pháp luật và người tham gia giao thông.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng, Nghị quyết 48 đã nêu rất rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của từng bộ, ngành và địa phương phải xây kế hoạch thực hiện cụ thể. Trong kế hoạch phải chi tiết từng công việc và nguồn lực phải huy động theo chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm của từng địa phương để thực hiện. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mình Ủy ban ATGT Quốc gia thường xuyên theo dõi, đôn đốc cũng như tham mưu Thủ tướng chỉ đạo các địa phương thực hiện theo đúng lộ trình nghị quyết đã xây dựng, tránh sự chồng chéo, mâu thuẫn.
Đại diện Uỷ ban ATGT Quốc gia cho rằng việc phối hợp cùng các cơ quan thông tấn, báo chí tổ chức tuyên truyền là 1 trong 8 nhóm về tuyên truyền và xây dựng văn hoá giao thông để kéo giảm TNGT, bảo đảm ATGT. Do đó, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị để xây dựng hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, tái cơ cấu vận tải để giảm phụ thuộc vào vận tải đường bộ… từ đó điều chỉnh cho phù hợp với từng địa phương.
Nhiều ý kiến còn cho rằng, hoạt động tuyên truyền luôn luôn phải gắn với tuần tra kiểm soát xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Nếu chúng ta chỉ tuyên truyền không, hay chỉ làm tốt hạ tầng mà không xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì chỉ là “nước đổ lá khoai”.
Trong khi đó, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cho hay, trong 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi lại của người dân bị hạn chế do đó TNGT giảm sâu. Theo ông Thanh, chúng ta đã có đầy đủ các văn bản, quy phạm pháp luật để xử lý các vi phạm về TTATGT. Do đó, cần phải quyết liệt, nghiêm minh trong việc xử lý các các hành vi vi phạm TTATGT.
Minh Hoa (t/h theo Lao Động, báo điện tử Chính Phủ)