Dư âm về câu chuyện đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 có 10 phó đoàn đã phải cơ cấu lại còn 2 người chưa kịp lắng xuống thì mới đây, thông tin về nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Hà Nam được đầu tư xây dựng 1.000 tỷ đồng nhưng bị bỏ hoang suốt thời gian dài lại thu hút sự quan tâm của không ít người.
Nằm trên mảnh đất rộng 120ha, sức chứa khán đài 7.500 chỗ; quy mô 5 tầng; được lắp đặt trang thiết bị hiện đại, tiêu chuẩn thi đấu quốc tế;… nhưng cũng rơi vào hoàn cảnh “đắp chiếu” tương tự như sân vận động Ninh Bình, trung tâm Thể dục thể thao tỉnh Ninh Bình, trung tâm Hội chợ Triển lãm quốc tế Hải Phòng,…
Không khác gì những biệt thự, biệt phủ của những người mà “ai cũng biết là ai” đó, các công trình được đầu tư xây dựng có kinh phí hàng trăm, nghìn tỷ đồng không được sử dụng hiệu quả không phải số ít. Thông tin trên các báo tràn ngập hàng ngày dù những thông tin đó vẫn chưa phải là tất cả.
Đây cũng không phải là thực trạng chỉ có ở nước ta. Bởi chỉ mới năm ngoái thôi, nhà thi đấu dưới nước Olympic ở Brazil được xây dựng để phục vụ cho Thế vận hội Mùa hè Olympics 2016 cũng khiến nhiều người phải tiếc nuối khi tiêu tốn nguồn kinh phí khổng lồ lên đến 50 triệu USD (hơn 1.100 tỷ đồng). Nó còn được biết đến là nơi mà huyền thoại bơi lội Michael Phelps đã làm nên lịch sử với chiếc HCV thứ 23 trong bộ sưu tập của mình. Nhưng chỉ trong vòng 10 tháng ngắn ngủi, một công trình tầm cỡ thế giới, từng là niềm kiêu hãnh một thời của người dân Brazil lại nằm “thoi thóp” trong cảnh điêu tàn, chẳng còn ai buồn nhắc đến nó nữa.
Vậy nên, trước những ý kiến cho rằng đây là một trong những công trình nghìn tỷ bị bỏ hoang gây lãng phí tiền của ngân sách Nhà nước, ông Trần Quốc Toản - Phó Giám đốc sở VH-TT&DL tỉnh Hà Nam trao đổi với phóng viên báo Đất Việt cho rằng còn nhiều công trình, biệt phủ của cá nhân, doanh nghiệp lãng phí hơn.
Lý lẽ này làm tôi liên tưởng ngay tới câu ca dao: “Toét mắt là tại hướng đình. Cả làng toét mắt chứ mình em đâu”. Phải chăng, ý của ông Toản là phải sửa câu nói đó thành “Bỏ hoang là tại hướng nhà, cả làng như thế chứ mình Hà Nam đâu”.
Thiết nghĩ, nếu nhà văn Nguyễn Công Hoan sống lại, ông sẽ có nhiều tư liệu để viết nên những phần tiếp theo của tác phẩm “Tinh thần thể dục” thời hiện đại.
Thảo Nguyên
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả