Thành công của trẻ không phải là thứ có thể ra giá. Trao thưởng khi đạt điểm tốt mà không giúp trẻ trau dồi các kỹ năng sống như sự cống hiến và trách nhiệm thì sẽ chỉ khiến trẻ phụ thuộc vào phần thưởng và các yếu tố thúc đẩy bên ngoài.
Lưu Tuyên – một tác giả, diễn giả nổi tiếng cùng gia đình từ Đài Loan sang định cư tại Mỹ khi con trai Lưu Nghĩa lên 8 tuổi.
Mọi chuyện thay đổi cho đến khi Lưu Nghĩa 12 tuổi, từ một cậu bé ngoan ngoãn hiền lành, học giỏi, Lưu Nghĩa nổi loạn muốn trở thành một tay đua F1 như Michael Schumacher.
Lưu Nghĩa nói với bố rằng: "Con muốn trở thành tay đua xe tài năng như Micheal. Anh ấy nổi tiếng và giàu có. Thế nhưng bằng tuổi con anh ta thường xuyên bị điểm 0. Bởi vậy con nghĩ mình chẳng cần phải học giỏi làm gì".
Nghe con trai nói vậy, Lưu Tuyên bật cười: "Ý con là nếu được điểm 0 con sẽ phần nào giống Michael Schumacher thời học sinh đúng không? Vậy con cố gắng đạt điểm 0 đi. Nếu con đạt được điểm 0 bố sẽ không quan tâm tới việc học của con nữa và con có thể làm điều mình muốn. Tuy nhiên, chừng nào chưa đạt được điểm 0, con phải nghe theo mọi chỉ dẫn của bố về việc học tập, thỏa thuận vậy".
Cậu bé 12 tuổi nghe xong hớn hở, đồng ý ngay lập tức. Tuy nhiên khi bắt đầu cuộc chơi, Lưu Nghĩa phát hiện ra, phải biết được đáp án nào sai thì mới có thể khoanh vào bài kiểm tra.
"Không hề dễ dàng gì. Nhiều lúc con nhắm mắt điền bừa vào bài kiểm tra nhưng vẫn khoanh nhầm vào đáp án đúng. Bởi vậy, mãi con vẫn chưa được điểm 0".
Thử thách mà Lưu Nghĩa phải trải qua là học để tìm đáp án sai!
Sau một năm, Lưu Nghĩa mới lấy được điểm 0 đầu tiên. Tuy nhiên, bởi cậu học hành chăm chỉ, biết rõ đâu là đáp án đúng, đâu là đáp án sai để khoanh chính xác.
Lần đầu cầm bài kiểm tra điểm 0 của con trên tay, Lưu Tuyên cười tươi: "Chúc mừng con. Chỉ có những học sinh giỏi thực sự mới biết chính xác đâu là đáp án sai để được 0 điểm".
Dù biết mình đã bị lừa, nhưng chính nhờ cú lừa đó của ông bố mà Lưu Xuân Nghĩa đã dần lấy lại được tinh thần học tập và có niềm yêu thích với việc học tập.
Và chính cậu bé nổi loạn mong muốn đạt điểm 0 năm đó đã tốt nghiệp đại học Havard lừng danh sau đó trở thành một dịch giả, một tác giả thành công trong nghệ thuật và âm nhạc nổi tiếng tại Đài Loan.
Trong một lần phỏng vấn trên BBC, Lưu Nghĩa tự hào khoe: "Nếu không có sự khôn ngoan của bố, có lẽ đã không có một Lưu Nghĩa ngày hôm nay. Bố tôi đã không nôn nóng khi con trai nổi loạn mà ông đã bình tĩnh sử dụng trí tuệ của mình để đảo ngược và xoay chuyển tình thế. Tôi luôn cảm ơn ông vì điều đó".
Các bậc phụ huynh cứ cho rằng điểm số quyết định tương lai, điểm A, điểm 9, 10 phải là mục tiêu hướng tới, vô hình trung khiến con trẻ có áp lực học tập.
Thói quen chạy theo thành tích trở thành căn bệnh giết chết những cô bé cậu bé rất có thể sẽ trở thành những tài năng làm nên điều kì vĩ.
Học là chuyện cả đời, nếu tạo được niềm vui và sự hứng khởi trong học tập không phải là chuyện đáng mừng hay sao?
Minh Anh