Mới đây, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với ông Dương Anh Dũng (bố Dương Anh Vũ), để nghe ông chia sẻ về những khó khăn trong quá trình nuôi dạy con.
PV: Ông có thể chia sẻ những bài học đầu tiên ông dành cho kỷ lục gia thế giới Dương Anh Vũ là gì?
Ông Dương Anh Dũng: Tôi là nông dân, chưa học hết lớp 3, chữ nghĩa cũng chỉ đủ đọc hết một tờ báo thật chậm. Nói ra thì xấu hổ, do đọc quá chậm nên mỗi lần con nhờ hướng dẫn bài tập tôi không thể làm được cho chúng.
Thú thật, để dạy con theo một phương pháp giáo dục toàn diện thì tôi không có, tôi chỉ có một triết lý là nuôi con theo kỹ năng của một người nông dân. Tôi nuôi con như cách chăm cây nho hay đám lúa ngoài đồng.
Lúc chúng còn nhỏ, ngày nghỉ tôi thường cho các con ra ngoài đồng chơi để chúng thấy được sự vất quả của bố mẹ, từ đó chúng sẽ biết rằng: “Chỉ có cái chữ mới thực sự thay đổi số phận của con người”. Khi con tôi học bài lâu thuộc thì tôi chỉ biết mang sự cần cù của một lão nông ra để dạy chúng. Cần cù bù thông minh, đó là điều tôi muốn nói với con.
PV: Ngày nhỏ Dương Anh Vũ là một đứa trẻ như thế nào thưa ông?
Ông Dương Anh Dũng: Trong 5 đứa con của tôi thì Vũ là đứa kém cỏi nhất, Vũ học trước quên sau, năm nào cũng thi lại và thậm chí còn ở lại lớp. Tôi có quy định đứa nào có kết quả học tập yếu, kém là sẽ bị ăn đòn. Từ ngày có quy định thì năm nào Vũ cũng bị ăn đòn cả. Tôi rất buồn, nhưng tôi thực sự bất lực vì tôi không thể chỉ bài cho con mình được.
PV: Ông từng cấm con trai mình đi học vì lý do gì?
Ông Dương Anh Dũng: Tôi quyết định không cho Vũ đi học nữa vì điểm thi tốt nghiệp của Vũ quá thấp và không có bất cứ trường nào chịu nhận. Năm nào Vũ cũng là học sinh yếu, thi lại rồi ở lại lớp, Vũ không có bất cứ một biểu hiện nào của sự tiến bộ. Vì thế, tôi quyết định cho Vũ nghỉ học và đi học nghề.
Lúc đó Vũ còn nhỏ, chỉ mới 15 tuổi, nếu đi học nghề thì sẽ dư dả thời gian. Nhưng khi tôi bắt Vũ nghỉ học thì Vũ lại khóc và đòi được tiếp tục đi học, lúc ấy tôi thấy rất lạ vì tôi nghĩ một đứa học dốt mà được nghỉ học sẽ cảm thấy vui chứ? Tôi đã làm mọi cách để ép con mình nghỉ học nhưng Vũ không chịu và nhất quyết đòi tiếp tục đi học.
PV: Vì sao ông lại đổi ý và tiếp tục cho Dương Anh Vũ đi học lại?
Ông Dương Anh Dũng: Vũ nhất quyết không chịu nghỉ học, khóc lóc và nằm dài trên giường. Thực sự lúc đó tôi rất bực và bế tắc, đang cố tìm một cái gì đó để bám víu niềm tin thì vợ tôi nói: “Thằng Vũ nó nói với em, nó muốn đi học nữa, nó sẽ cố gắng học. Khi học xong 12 mà không đậu vào đại học thì nó sẽ đi lính và cố gắng rèn luyện thật giỏi để được người ta cho học sĩ quan”.
Thực ra thì lời hứa của Vũ không thuyết phục được tôi, vì 10 năm qua, năm nào tôi cũng nghe Vũ hứa. Nhưng lúc đó tôi bất lực rồi nên để cho Vũ đi học thêm một năm nữa. Tôi không mua sắm cho Vũ cái gì hết. Vậy là Vũ đã lôi chiếc xe đạp cũ mà lâu lắm rồi không ai đi, đã gỉ sét lau chùi đạp đi học. Tôi rất bất ngờ vì hành động đó của con trai mình, nhưng bất ngờ hơn là Vũ không chọn trường bổ túc gần nhà mà Vũ lại chọn trường nằm ở TP. Phan Rang cách nhà đến hơn 10km để học. Vậy là mỗi ngày Vũ phải đạp xe 2 lần đi về với tổng cộng là 20km để đi học, nếu hôm nào đi học thêm phải đạp xe tận 40km.
Được ba tháng thì tôi hoàn toàn tin vào thằng con trai bướng bỉnh của tôi có thể làm nên chuyện. Tuy lúc đó Vũ học bổ túc nhưng Vũ lại là đứa con tôi cảm thấy tự hào nhất, vì Vũ đã thể hiện một ý chí sắt đá, một quyết tâm bền bỉ. Tôi nghĩ rằng rồi Vũ sẽ thành công và đúng thật là vậy.
PV: Theo ông thì điều gì khiến cho Dương Anh Vũ thay đổi từ một học sinh “yếu toàn diện” trở thành một người thành công?
Ông Dương Anh Dũng: Vũ chỉ thay đổi khi xuống học bổ túc vì điểm thi chuyển cấp quá thấp, không có bất cứ một trường THPT nào chịu nhận. Vũ thấy người ta coi thường bố mẹ vì có một đứa con học dốt. Thậm chí người ta nói bóng gió gia đình tôi không biết cách dạy con để cho con cái ra như thế.
Sau khi xuống bổ túc học, Vũ trầm tính hẳn, rất ít cười, bỏ đi hoàn toàn những sở thích thường nhật như đá banh, câu cá… Lúc nào tôi cũng thấy Vũ học, suốt ngày ở trong phòng không bước ra khỏi nhà, không đi chơi với bạn bè. Đôi khi tôi thấy Vũ ngồi khóc một mình.
Tôi có hỏi thì Vũ chỉ nói, mỗi khi nghĩ đến việc người ta coi thường bố mẹ và gia đình vì con học dốt thì nước mắt nó tự chảy ra chứ Vũ không khóc. Thậm chí có đêm tắt điện tôi vẫn thấy Vũ thắp đèn dầu ngồi học, tôi chưa bao giờ thấy một đứa trẻ nào như thế…
Đến bây giờ, mỗi khi Vũ được lên truyền hình hay lên báo, hàng xóm thường chạy qua báo tin, hỏi thăm. Người ta bảo trúng 10 tờ vé số độc đắc cũng không bằng có một đứa con như Vũ.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Mai Thu