Khi những cành đào chở không khí xuân xuống phố, cũng có nghĩa Tết đến gần. Giờ đây, người người cuốn vào vòng quay của công việc, Tết chỉ được cảm nhận rõ sau ngày ông Công, ông Táo. Ở nơi đủ đầy, Tết chỉ tập trung trong mấy ngày cuối năm sắm Tết và sang Mồng 2, Tết đã nhạt dần. Bỗng thấy nhớ da diết những cái Tết nghèo, khi bố gom góp, dành dụm đến hơn hai tháng để cho con có Tết đủ đầy.
Con cảm nhận Tết của bố khi ấy đến từ tháng Một (tháng 11 âm lịch). Thời bao cấp khó khăn, mỗi lần đi chợ, ngoài tiền mua gạo bố dành một chút tiền sắm Tết. Từng thứ một nhỏ nhặt cũng được tích lũy sau mỗi lần đi chợ về. Con vẫn có thói lục quà khi bố về và tự tay bỏ ra khi là chút chút mộc nhĩ, miến, măng… khi là gạo nếp, đỗ xanh. Mỗi lần bỏ những món đồ ra, lần nào bố cũng bảo: “Để dành đến Tết”.
Chính vì thế, Tết với con là những gì háo hức, đợi chờ từ 2 tháng trước đấy. Sự hồi hộp chờ Tết cứ tăng dần theo những thứ bố mua về. Và đến khi, những bó lá dong, ống giang được mang về, cùng với bộ quần áo hoa mới ánh lên niềm vui sướng trong mắt con là Tết đã đến thật gần.
Ngày 28 tháng chạp (tháng 12 âm lịch) đã là Tết với làng quê mình. Năm nào, cũng đến ngày đó Hợp tác xã lại chia lợn về các nhóm trâu để mổ lợn chia cho xã viên. Ngày đụng lợn luôn mang đến không khí vui nhất, rất được mong đợi đặc biệt với đám trẻ. Con lại được bố cho cầm rổ theo để nhận thịt lợn.
Thịt lợn được chia cũng không nhiều chỉ để dành gói bánh chưng. Một ít rán mỡ để ăn dần trong mấy ngày Tết. Chút xương để nấu canh măng. Ngày đụng lợn, mọi nhà chỉ ăn bộ lòng được chia đều, cái thứ nước luộc lòng loãng, nhạt chẳng có vị gì cũng được chia cho các gia đình. Ngày đánh dấu Tết đến là được ăn thịt, nó rộn ràng, ánh lên niềm hạnh phúc trong mắt cả người lớn, trẻ con. Vì lâu lắm, chờ đợi dài lắm mới đến ngày bữa cơm có thịt. Với con, suy nghĩ thật đơn giản, Tết là có thịt!
Làng xóm mổ lợn là ngày đầu tiên của Tết. Nước đổ ải cũng thả trắng băng cánh đồng gần nhà. Nhà mình nổi lên như cái đảo nhỏ, mênh mông nước đầy các ao. Hàng xóm, các cô, các chị mang lá dong, đỗ, gạo ra bờ ao quanh nhà mình để rửa lá, vo gạo, đãi đỗ chuẩn bị gói bánh chưng. Tiếng nói cười rôm rả, ai cũng say xưa kể chuyện Tết nhà mình. Câu chuyện nhà nào cũng giống nhà nào nhưng ai cũng muốn lắng nghe, chia sẻ kiểu như gói mấy yến gạo, được chia mấy cân thịt…
Con được bố phân công rửa lá dong. Năm nào bố cũng nhắc, phải rửa lá thật sạch, từng cuống lá, gân lá để bánh không bị mốc, bị chua. Khi lá dong con rửa đặt lên cái rổ lớn, hong ra trước cái nắng hanh se se vàng như mật cho ráo nước, gạo, đỗ, thịt đã xong bố bắt đầu gói bánh chưng. Cặp bánh nhỏ cuối cùng bao giờ bố cũng dành cho hai chị em gái.
Bên ổ rơm, cả nhà canh nồi bánh chưng luộc. Bố kể câu chuyện ông nội đánh cướp, chuyện một năm đã qua. Từng ấy câu chuyện, con thuộc lòng rồi vẫn thích nghe. Mấy anh chị em có buồn ngủ vẫn cố thức để hít hà cái mùi bánh chưng sôi thơm nức mũi, vùi mấy củ khoai trong than củi ăn nóng tay này chuyền tay khác, mặt nhọ than vì ăn khoai nướng đen… và quan trọng hơn chờ lúc vớt bánh chưng nhận cái bánh nhỏ của riêng mình.
Ba ngày Tết, những món ăn đơn giản, không cầu kỳ, chẳng có mâm cao cỗ đầy nhưng gia đình thật vui, ấm áp. Cái Tết ngày ấy còn thiếu thốn về vật chất nhưng tình người thì đủ đầy, không bề bộn lo toan.
Cuộc sống thay đổi, kinh tế khấm khá hơn, cuộc sống vật chất đầy đủ nên sự háo hức chờ Tết cũng không còn như xưa. Mọi người sắm Tết chỉ trong mấy ngày cuối năm vào siêu thị một buổi là Tết về chật nhà. Con cái “quên” việc về ăn Tết đoàn viên cùng bố mẹ, hoặc đảo về thăm bố mẹ chốc lát như lấy lệ… Bố vẫn muốn giữ lại chút Tết xưa bằng cách tự tay gói bánh chưng, cùng con cháu đi chợ hoa chiều 30.
Tết xưa nồng ấm, đượm tình thân khi con về bên bố. Nay con góp nhặt những kỷ niệm Tết, những gì bố dành cho con để lưu giữ Tết cho các cháu. Tết bây giờ là nhớ bố và dành thời gian cho gia đình!
Minh Khánh