Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm chính
Tại phiên chất vấn sáng 6/6, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu câu hỏi: Hiện nay, lao động bị lừa đi xuất khẩu nhiều hình thức, đề nghị Bộ trưởng chỉ ra nguyên nhân và giải pháp?
Trả lời về số lao động Việt Nam đi nước ngoài bị lừa nhiều, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, số lao động bị lừa do đi qua công ty ma, công ty không được cấp phép. Thậm chí, các doanh nghiệp đã trá hình đưa người lao động đi làm việc nước ngoài. Những trường hợp này cùng cơ quan chức năng xử lý nhiều.
Nhiều trường hợp công ty cấp phép lừa đảo cả hai đầu đi và đến như: Thu tiền môi giới cao hơn, không đúng ngành nghề cuối cùng sang phải trả về hoặc làm việc không tốt.
Bộ trưởng cho biết Bộ cũng xử phạt nhiều với các doanh nghiệp vi phạm. Năm 2022, thanh tra xử lý 62 doanh nghiệp, 4 doanh nghiệp thu hồi giấy phép, phần lớn công ty ma không phải doanh nghiệp được cấp phép. Giải pháp để hạn chế tình trạng trên là tuyên truyền, xử lý vi phạm, thanh tra kiểm tra.
Chia sẻ thêm bên hành lang Quốc hội về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga cho hay, Bộ trưởng có thừa nhận có hiện trạng xảy ra tình trạng người lao động bị lừa đi xuất khẩu lao động.
Bộ trưởng cũng có nêu dẫn chứng, đối với những trung tâm đưa người đi lao động xuất khẩu được cấp phép thì việc lừa đảo xảy ra rất ít, phần lớn việc lừa đảo diễn ra tại các trung tâm hoạt động chui của những công ty ma.
Tuy nhiên, Bộ trưởng chưa giải thích được cần phải làm như thế nào để ngăn chặn tình trạng này. “Trách nhiệm thuộc về nhiều bộ, ngành nhưng Bộ LĐ-TB&XH có trách nhiệm chính trong việc này”, bà Nga nói.
Lý do được bà nêu ra là, người lao động thường thiếu thông tin hoặc là những người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Do đó, người dân tại những khu vực này tiếp cận thông tin về thị trường vô cùng khó khăn.
Vậy, cần phải làm như thế nào để họ biết được công ty do Nhà nước thành lập, công ty có tư cách pháp nhân và uy tín đưa người đi xuất khẩu lao động? Người lao động tìm đến những công ty uy tín này qua kênh truyền thông nào? Trong khi, các “công ty ma” lại luôn chủ động tìm đến người lao động?
“Tôi cho rằng, trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH là phải tăng cường, đẩy mạnh, tuyên truyền đến người dân để họ có thể nắm bắt được thông tin. Vì khi có thông tin thì người lao động sẽ không bị lừa. Thực tế, các thông tin “ma” thường luôn chủ động tìm đến những người lao động thiếu thông tin”, bà Nga nêu.
Nói về giải pháp, bà Nga cho rằng đã khá rõ ràng, minh bạch thông tin, minh bạch thị trường lao động thì khi đó sẽ hạn chế được tình trạng này. Tuy nhiên, Bộ trưởng mới chỉ trả lời được đối với những trung tâm có uy tín và được cấp phép thì không có chuyện lừa đảo hoặc lừa đảo xảy ra rất ít.
“Theo tôi, những trung tâm có uy tín thì chắc chắn sẽ rất ít xảy ra tình trạng lừa đảo. Nhưng làm như thế nào để ngăn chặn, bảo vệ được quyền lợi người lao động đấy mới là việc cử tri trông chờ vào Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đưa ra giải pháp”, bà Nga nhấn mạnh.
Người lao động bị mất việc làm tăng lên
Về tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, Bà Nga Nga cho biết giải pháp về vấn đề này vẫn còn đang “loay hoay”, ngoài tăng cường truyền thông thì vẫn chưa có giải pháp nào hợp lý, có hiệu quả.
Bởi theo luật, người lao động được quyền rút bảo hiểm xã hội một lần, nếu họ rút một lần thì phải giải quyết. Điều quan trọng là phải tìm ra nguyên nhân vì sao họ lại rút bảo hiểm xã hội một lần?
“Theo tôi, ở đây thường là những đối tượng công nhân, người nghèo bị mất việc khi họ không còn bất cứ một nguồn thu nhập nào khác, không còn bất cứ một khoản tiền nào lo cho cuộc sống, thì buộc phải tính đến “của để dành” là khoản tiền bảo hiểm”, bà Nga cho hay.
Mặc dù, về lâu dài người lao động cũng có nhận thức được sẽ thiệt thòi. Nhưng họ buộc phải giải quyết tình trạng trước mắt như ăn, mặc để tồn tại. Đây là con đường duy nhất của nhiều người lao động nghèo để được một khoản tiền trước mắt.
Bà nêu giải pháp, cùng với việc rà soát lại các quy định như nâng số năm đóng lên với thời hạn rút bảo hiểm xã hội một lần. Số tiền phần trăm khi rút bảo hiểm một lần sửa đổi theo hướng nếu rút một lần thì người lao động sẽ bị thiệt thòi. Khi đó, người lao động sẽ phải tính toán để đóng tiếp.
Muốn làm được như vậy, điều quan trọng nhất là phải quan tâm đến cuộc sống hiện tại của người lao động, nguyên nhân chính để người lao động rút bảo hiểm một lần là do người lao động bị mất việc làm tăng lên, sự hỗ trợ từ Nhà nước cũng chỉ như “muối bỏ bể”.
Về vấn đề chậm đóng bảo hiểm xã hội, nợ đọng bảo hiểm xã hội diễn ra rất nhiều, đại biểu đoàn Hải Dương cho biết xử lý cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”. Tình trạng này diễn ra từ năm này sang năm khác. Thực trạng này có một số nguyên nhân:
Tại thời điểm hiện tại các doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng rất nặng nề từ đại dịch Covid-19, doanh nghiệp bị “khánh kiệt” nên cũng không còn kinh phí. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng đã được xem xét hỗ trợ, trong đó có giải pháp hoãn nộp bảo hiểm bắt buộc.
Thêm nữa, việc doanh nghiệp gặp khó khăn chỉ là nguyên nhân tại điểm này, còn sâu xa là việc các doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến quyền lợi của người lao động.
Cùng với đó, việc chậm đóng bảo hiểm xã hội mang đến hệ luỵ là người lao động mất niềm tin vào bảo hiểm xã hội.
Hoàng Bích - Thu Huyền