Thông tin về bộ lư chạm khắc bằng đá với tên gọi "Tam bảo vĩnh hằng" được chủ sở hữu giới thiệu người buôn Trung Quốc trả giá 15 tỷ đồng nhưng không bán được dư luận quan tâm.
Trong khi tìm hiểu sự việc, PV báo Người Đưa Tin nhận được nhiều ý kiến phản hồi, trong đó có ý kiến của giới chơi đồ đá và một số người trong nghề. Đáng chú ý, hầu hết khi được hỏi về giá trị bộ lư từng xác lập Kỷ lục Việt Nam này nhiều người khẳng định không thể có giá 15 tỷ như thông tin ông Phạm Nhật Minh (SN 1941, ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội) – Giám đốc Công ty cổ phần Mỹ nghệ Minh Đức, người sở hữu bộ lư hé lộ.
Anh Nguyễn Gia Khánh, chủ một xưởng điêu khắc đá quý nổi tiếng ở đất Phú Thọ cho PV biết, giá trị của sản phẩm chạm trổ, điêu khắc đá ảnh hưởng bởi 2 yếu tố đó là nguyên liệu và tay nghề. “Nguyên liệu ở đây tức là chất liệu, là loại đá sử dụng để chạm trổ làm ra sản phẩm còn tay nghề là trình độ chạm khắc, nét uyển chuyển của hoa văn trên sản phẩm”, chủ xưởng đá nổi tiếng trên đất Phú Thọ phân tích.
Theo anh Khánh, loại đá pyrophyllite được dùng để chạm khắc bộ lư "Tam bảo vĩnh hằng" có tên gọi là đá Cao Lanh. Loại này có 4 màu xanh, đỏ, vàng, trắng… bộ lư "Tam bảo vĩnh hằng" thuộc loại màu hỗn hợp (có chỗ đỏ, có chỗ trắng, vàng). Cũng theo chủ xưởng chạm đá này nhận xét, Cao Lanh là loại đá mềm, dễ vỡ khi di chuyển có thể viết như phấn và không phải là loại quý hiếm.
“Đối với đá Cao Lanh loại màu đỏ nguyên sơ giá trị khoảng 1 triệu đồng/kg khi bán cho Trung Quốc. Nhưng theo nhìn nhận thì loại đá sử dụng chạm bộ lục bình này thì không có giá như thế”, anh Khánh cho hay.
Về giá trị bộ lư, anh Gia Khánh cho rằng, bộ lư Kỷ lục Việt Nam này có thể có giá trị do những ý nghĩa về mặt lịch sử nhưng với giá 15 tỷ hay 10 tỷ thì những người chơi đồ đá như anh khó có thể tin và không mua.
Theo anh Khánh, đối với các hoa văn trên bộ lư đá trên thì không thể làm 3 năm mà 4, 5 người có thể chạm chỉ trong 4-5 tháng là xong. Thậm chí, theo anh Khánh, nghệ thuật chạm trên đá này chưa hẳn cao nhất và không khó làm.
Anh Khánh cho biết, đối với loại đá 1 tấn nguyên khối hiện nay là không thiếu, thậm chí các khối đá quý 5 tấn vẫn có khá nhiều. Đưa ra ví dụ về việc giá cả anh Khánh nói: “Cơ sở của anh vừa có 1 tác phẩm con voi làm bằng chất liệu ngọc trắng ở Yên Bái nặng 1 tấn mà giá chỉ có trên 30 triệu đồng cho nên việc bộ lư có giá 15 tỷ là quá đắt”.
Theo anh Khánh, điều quyết định nhất đến giá của sản phẩm mỹ nghệ về đá vẫn là chất liệu đá và do đá không có quy định giá nhất định nên việc một số cơ sở “nổ” giá để nâng thương hiệu.
“Vàng thì có loại 10k, 18k, 24k… quy định về giá rất rõ ràng nhưng với đá thì không có giá cố định nên nhiều cơ sở cứ nổ giá để nâng thương hiệu. Đẹp đến đâu thì đẹp nhưng phải tùy vào chất liệu đá. Nếu như làm bằng đá Sapphire thông đèn hay Ruby thì đắt hơn” anh Khánh nói thêm.
Cùng những nhận xét về Về giá trị bộ lư Kỷ lục Việt Nam này, một dân chơi đá quý ở Hà Nội cho biết, sở thích của dân chơi đồ đá là thường sưu tầm những gì tự nhiên, chưa qua gọt rũa. Còn việc sản phẩm mỹ nghệ thì người sở hữu có thể hét giá lên cao nhưng quan trọng là có ai mua hay không.
“Đối với tác phẩm mỹ nghệ thì không có giá cố định, có thể có ý nghĩa với người này nhưng không có ý nghĩa với người khác. Có thể cùng trên 1 chất liệu nhưng những nét chạm trổ lại khác nhau nên khó định về giá”, vị này nói.
Trao đổi với PV, GS. TS Đặng Văn Bài - Hội di sản văn hoá Việt Nam dù không đưa ra bình luận về giá cả nhưng cho biết đây là sản phẩm mỹ nghệ mới chứ không phải cổ vật.
Trước đó, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin ông Phạm Nhật Minh người sở hữu bộ lư hé lộ, thời điểm trước đây có người Trung Quốc khi sang xem đã trả giá bộ lư 15 tỷ đồng nhưng ông không bán, còn trong nước những người trả giá 10 tỷ là không thiếu. Tuy nhiên, hỏi về việc có ý định bán bộ lư không, ông Phạm Nhật Minh cho rằng nó vô giá và ông muốn giữ lại cho con cháu đời sau.
Nhất Nam