Tin vui cho giáo viên
Mới đây, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ trong buổi tiếp xúc cử tri có thông tin về việc thống nhất với bộ Nội vụ, xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên.
Trước thông tin này, nhiều giáo viên cho biết, đây là một tin vui. Cô giáo Nguyễn Thị Hoa - giáo viên tại Đan Phượng (Hà Nội) - bày tỏ: “Mặc dù mới chỉ nghe đến thông tin này, tuy chưa chính thức, nhưng chúng tôi cũng cảm thấy rất vui mừng. Nếu thực sự bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, việc thi tuyển sẽ dễ hơn, giáo viên sẽ thoát khỏi cảnh nơm nớp lo chứng chỉ cho đủ chuẩn, vừa đỡ hao công tổn sức, vừa đỡ tốn thời gian lại đỡ hẳn một khoản tiền, bởi, đã đi học là lại tốn tiền”.
Đồng tình với chia sẻ của cô Hoa, thầy Nguyễn Tiến Mạnh - giáo viên tại Hà Nội -cũng cho biết: “Tôi đã đọc một số thông tin về vấn đề này. Theo tôi, việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là đúng đắn, vì giáo viên học xong cũng nhiều người không sử dụng đến. Tiếng Anh với tin học thì phải rèn luyện thường xuyên và có nhiều cách để bồi dưỡng tin học, trau dồi ngoại ngữ cho giáo viên mà không nhất thiết phải cấp chứng chỉ. Cấp chứng chỉ gây tốn kém, làm rườm rà thủ tục hành chính, tạo “lỗ hổng” cho những người môi giới văn bằng trục lợi”.
Thầy Nguyễn Viết Tiến - giáo viên tại Sơn Tây (Hà Nội) - chia sẻ: “Tôi thấy hợp lý vì trong trường sư phạm, các sinh viên sư phạm đã được trang bị đầy đủ ngoại ngữ, tin học theo chương trình của bộ GD&ĐT để khi ra trường sử dụng. Còn trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, các thầy cô nếu không theo kịp công nghệ thông tin hay những kiến thức, kỹ năng liên quan đến chuyên môn thì các thầy cô sẽ phải tự học để nâng cao trình độ, để phục vụ cho thực tế công việc giảng dạy.
Tôi hoàn toàn ủng hộ bỏ các chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, vì khi đó, các thầy cô không phải chạy đôn chạy đáo đi đến trung tâm này trung tâm nọ học các chứng chỉ ngoại ngữ, sau đó, về bỏ có một chỗ không phục vụ cho chuyên môn mà lại là cơ hội cho các trung tâm mọc lên và không được kiểm soát chất lượng. Mà lại gây lãng phí về công sức, tiền bạc và thời gian của các thầy cô”.
Đồng cảm với nỗi lòng của giáo viên, ông Nguyễn Minh Luân - Giám đốc sở GD&ĐT Cà Mau - đánh giá: “Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cũng chính là mong mỏi của giáo viên suốt bao lâu nay. Nếu bỏ được những chứng chỉ này, cũng chính là bỏ dược gánh nặng cho giáo viên, bớt đi những nỗi lo chi phí và mở ra cơ hội lớn hơn cho giáo viên. Đồng thời, đây cũng là một cải cách về mặt điều kiện, thủ tục của ngành giáo dục. Giáo viên hiện nay vốn đã có nhiều “gánh nặng”, chịu nhiều áp lực, nên nếu bỏ được thì rất tốt, giáo viên sẽ yên tâm công tác hơn”.
Đào tạo thực chất từ môi trường sư phạm
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng trường đại học Sư phạm Hà Nội - nhận định: “Giáo viên cần có năng lực ngoại ngữ và tin học, nhưng không cần thiết phải “đóng đinh” qua chứng chỉ, mà sẽ đào tạo trực tiếp từ trong các trường sư phạm. Chỉ cần bản thân giáo viên tự vận dụng thực tế, đảm bảo chuyên môn.
Theo tôi, khi tuyển dụng giáo viên, không phải chỉ chăm chăm căn cứ vào các chứng chỉ, mà có thể đưa ra ngay những bài kiểm tra nhanh về năng lực ngoại ngữ, tin học, nếu những nội dung này liên quan trực tiếp đến công việc sau này của giáo viên đó. Nhiều khi, có nhiều người có chứng chỉ trong tay những chưa chắc đã có năng lực thực sự, cứ kiểm tra qua thực tiễn là tốt nhất”.
“Bỏ chứng chỉ nhưng không có nghĩa là không cần những năng lực đó mà sẽ lồng ghép bằng nhiều phương pháp khác nhau. Chẳng hạn, ngay trong mỗi nhà trường sư phạm, cần đẩy mạnh hơn nữa, tăng cường hơn nữa thời lượng và chất lượng giảng dạy về ngoại ngữ, tin học, để làm sao cho sinh viên sau khi ra trường, đảm bảo đáp ứng nghề nghiệp, không cần phải đi học thêm các chứng chỉ. Chính vì những yêu cầu cứng nhắc đó trước đây, mà sinh ra những tiêu cực về cấp chứng chỉ” - GS.TS Đinh Quang Báo nhấn mạnh.
Ông Phạm Việt Đức - Giám đốc sở GD&DT tỉnh Thái Nguyên - cũng cho biết: “Trong chương trình đào tạo hiện nay tại các nhà trường sư phạm, đã có chuẩn ngoại ngữ, tin học cho sinh viên tốt nghiệp rồi, nếu sau khi ra trường, lại cần thêm chứng chỉ để tuyển dụng giáo viên thì sẽ gây ra sự chồng chéo. Chưa kể, một số tiêu cực có thể xuất hiện, tức là, sinh ra thêm một “màng lọc”, nhưng lại là “lọc méo mó”, vừa gây lãng phí lại vừa áp lực cho giáo viên. Chính vì vậy, tôi cho rằng, để các trường sư phạm cam kết sản phẩm đầu ra đạt chuẩn rồi thì không cần phải yêu cầu thêm chứng chỉ nữa, làm ít “màng lọc” nhưng phải chuẩn”.
Thông tư sẽ có hiệu lực trong tháng 2/2021
Theo kế hoạch, Thông tư này sẽ ban hành trong tháng 12/2020. Sau khi ban hành thì sau 45 ngày sẽ có hiệu lực. Như vậy, trong tháng 2/2021, văn bản này sẽ có hiệu lực. Ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng phụ trách cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (bộ GD&ĐT) - cho biết: “Điểm chú ý của các dự thảo Thông tư này, chính là tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng không còn yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ, tin học; không quy định giáo viên dạy ngoại ngữ phải có ngoại ngữ 2; không quy định giáo viên dạy vùng dân tộc thiểu số phải có chứng chỉ dạy tiếng dân tộc. Bộ trưởng cũng chỉ đạo những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp; để khi ra trường, giáo viên có đủ năng lực ngoại ngữ, tin học phục vụ công việc”.
Cẩm Mịch