Tâm lý "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" khiến họ dửng dưng
- Bà nhận định như thế nào về những hình ảnh các quan chức, cán bộ đã bị bôi đen từ chính hành vi và thái độ ứng xử của họ hiện nay?
- Đây là một vấn nạn của xã hội mà từ trước đến nay chúng ta hay phê phán, cảnh báo điều này trong lối sống của giới trẻ. Nhưng chính những quan chức - công bộc của dân- lại sống không gương mẫu. Những sự việc xảy ra vừa qua cho thấy, cách ứng xử bàng quan, thờ ơ với người khác; sự lạnh lùng, vô cảm đến tột độ của một số cán bộ, quan chức khiến người dân bất bình. Thực tế, trên tất cả diễn đàn đều phê phán rất nghiêm khắc những người có chức có quyền đã tự bôi đen hình ảnh của mình.
Hình ảnh quan chức đút tay túi áo, dửng dưng nhìn người dân gặp tai nạn hay dùng cuốc bổ vào đầu người khác khi xảy ra va chạm cho thấy đạo đức, lối sống, nhân cách, văn hóa của người Việt Nam chúng ta nhiều nơi, nhiều lúc vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Sự tha hóa về lối sống, nhân phẩm, trong một bộ phận cán bộ, quan chức có xu hướng phát triển. Bệnh thành tích và hình thức trong các hoạt động văn hóa ngày càng lan rộng. Theo tôi, đây là một nguy cơ, thậm chí còn là nguy cơ của mọi nguy cơ.
Hình ảnh vị Phó giám đốc sở TN-MT Hà Tĩnh đút tay túi áo dửng dưng khi va chạm giao thông xảy ra
Sự không gương mẫu của người lớn từ gia đình, trong giao tiếp xã hội, thậm chí cả lãnh đạo, dẫn đến nhiều biểu hiện đáng lo ngại về khủng hoảng niềm tin. Chính hình ảnh dửng dưng của các quan chức nói trên đã làm mất lòng tin của người dân. Khi dân mất lòng tìn thì cực kỳ nguy hiểm cho một đất nước, một xã hội.
Hình ảnh quan chức đang bị chi phối của tâm lý truyền thống
- Ở nước ngoài khi có các vụ việc liên quan xấu đến hình ảnh của chính trị gia, hoặc có bê bối trong ngành do họ quản lý dù chưa cần có điều tra, người đứng đầu ngành cũng đứng ra xin lỗi, thậm chí xin từ chức. Trong khi đó, ở Việt Nam thì lại chưa từng có tiền lệ?
- Ở nước ta chưa có văn hoá từ chức và các chính trị gia cũng chưa từng thấy có vị nào có ý định đó cả. Thực ra, bộ máy Nhà nước cồng kềnh, sự quan liêu bao cấp diễn ra trong quá khứ một thời gian dài nên đã "sản sinh" ra một bộ phận cán bộ, quan chức có hành vi, ứng xử thô lỗ với người dân. Tâm lý "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" mà chính trong họp Quốc hội đề xuất cũng công nhận một phần cán bộ ở nước ta là như vậy. Một khi các vị này làm việc theo kiểu "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về" thì việc họ dửng dưng với mọi người xung quanh là đương nhiên.
Vấn đề ở chỗ là đội ngũ cán bộ Nhà nước của chúng ta phải có sự thanh lọc về năng lực chuyên môn, về phẩm chất đạo đức, những yêu cầu phải đạt được về mặt nhân cách một con người trong lĩnh vực đó thì mới được coi là "tròn vai". Điểm nổi bật nhất là đạo đức một con người, "nô bộc" của dân thì phải phục vụ dân. Ở đâu đó, điều này đang là hô khẩu hiệu, cán bộ công chức có nhiều hành vi chẳng phải "nô bộc". Những hành động và hình ảnh bôi đen dường như rất xa lạ với nhân tính!
- Theo bà những yếu tố nào tạo nên hình ảnh một quan chức, chính trị gia hiện đại?
- Hình ảnh đẹp của các quan chức chính là sự biểu hiện lối sống, cung cách ứng xử ngay trong những hoạt động thường nhật. Tôi muốn đặt vấn đề, nếu những chính trị gia có lỗi mà cứ vỗ ngực tự đắc, đổ lỗi cho người khác thì có phải là hình ảnh đẹp? Có lỗi thì phải nhận, phải sửa nếu không sửa được thì đương nhiên phải từ chức. Điều này ở các nước là chuyện bình thường nhưng ở Việt Nam thì lại chẳng có ai tự từ chức cả. Nếu có vi phạm kỷ luật thì "đá lên lại đá xuống", chuyển cơ quan khác. Tất cả những điều đó không có tác dụng răn đe. Những cách xử lý như vậy vô hình trung tạo cho những phần tử cơ hội phát triển trong các vị trí quan chức lãnh đạo. Và, thực tế đã chứng minh điều đó. Khi họ chỉ biết cơ hội thì họ sẽ khoanh tay đứng nhìn người khác, dù cho người đó đang cần sự giúp đỡ.
Khu đất xảy ra tranh chấp, nới chánh thanh tra Sở Y tế Kom Tum dùng cuốc bổ đầu một phụ nữ.
Hiện tượng tham nhũng, hối lộ, tha hoá đạo đức, lối sống của một số cán bộ, họ tự bằng lòng với hình ảnh hiện tại của họ mà không có sự trau dồi sẽ dẫn đến sự thoái hoá biến chất là điều tất yếu. Rồi tác động, cám dỗ vật chất chi phối con người rất là rõ. Là người lãnh đạo cao nhất của đơn vị cũng tham nhũng, không gương mẫu dẫn đến "trên không nghiêm, dưới loạn". Từ sự thờ ơ với dân của lãnh đạo dẫn đến, họ có nói như thế nào cũng tự bôi đen hình ảnh của mình.
- Xem ra hình ảnh của một số quan chức hiện nay mới dừng lại ở hình ảnh bóng bẩy, ngôn ngữ trau chuốt nhưng việc làm lại thờ ơ, thưa bà?
- Hình ảnh của chính trị gia xuất hiện trước công chúng ở Việt Nam thông thường hiện nay phải chịu sự chi phối từ truyền thống của người Việt Nam. Lâu nay, chúng ta thường hay có tâm lý ngại to tiếng và quan niệm rằng người làm lãnh đạo thì không bao giờ bị phê bình hay khuyết điểm. Kể cả khi họ dửng dưng, khoanh tay đứng nhìn người gặp nạn, mà chính họ là tác nhân gây ra nhưng họ vẫn cố nại ra lý do biện minh. Tâm lý này ăn sâu vào một số quan chức ở Việt Nam, cho nên bây giờ muốn phá vỡ một "vành đai" bao phủ, họ từ lâu như vậy quả thực là khó. Nhưng khó cũng phải làm, bởi một xã hội phát triển mà các "ông nghị" hay các lãnh đạo cứ "đóng cửa bảo nhau" thì rõ ràng hậu quả nhãn tiền là hành vi ứng xử bị lên án như đã xảy ra.
Xin cảm ơn bà!
Những ngày vừa qua, dư luận hết sức bất bình trước thông tin Chánh thanh tra sở Y tế Kon Tum dùng cuốc bổ vào đầu người dân chỉ vì va chạm nhỏ, khiến người phụ nữ này ngất xỉu ngay tại chỗ. Mặc dù có công an đang ở hiện trường nhưng ông Nguyễn Đức Hoàng - hiện là Chánh thanh tra sở Y tế Kon Tum (con rể bà Q.) đã lấy cuốc bổ vào đầu bà Trâm làm bà Trâm ngất xỉu ngay tại chỗ. Sự việc xảy ra sáng ngày 25/10 tại khu đất tranh chấp giữa gia đình bà Phan Thị Uyên Trâm và bà Q. (mẹ vợ của ông Hoàng) tại số 24, đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, TP. Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Khu đất này Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã tuyên, gia đình bà Q. thắng kiện và các cơ quan, ban ngành lúc đó đã tổ chức cưỡng chế trả lại gia đình bà Q. sử dụng. Cưỡng chế xong các cơ quan ban ngành đã về, chỉ còn một số công an phường ở lại để giữ gìn trật tự. Lúc này, hai bên gia đình xảy ra xô xát, mặc dù có công an đang ở hiện trường nhưng ông Nguyễn Đức Hoàng dùng cuốc bổ vào đầu bà Trâm làm bà Trâm ngất xỉu ngay tại chỗ, sau đó bà đã được gia đình đưa đi bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu. Đến chiều 25/10, bà Trâm vẫn trong tình trạng ói mửa, vết cuốc bổ vào đầu dài khoảng 7cm, lưỡi cuốc trượt xuống làm rách nguyên mí mắt trái bà Trâm. Ông Nông Hồng Công- Chủ tịch UBND phường Thống Nhất, người nằm trong thành phần đoàn cưỡng chế trả lời báo chí rằng: Sau khi đoàn về, tôi có nghe anh, em báo lại sự việc đúng như trên, sau đó tôi đã chỉ đạo công an phường đến lập biên bản sự việc. Thời gian quan, liên tiếp các vụ việc liên quan trực tiếp đến hành vi, thái độ của các cán bộ, quan chức khiến dư luận quan ngại về cách ứng xử đối lập với hình ảnh của họ. Những cán bộ ăn vận sang trọng, chỉn chu nhưng lại dửng dưng trước nguy nan của người dân. Điển hình, vụ việc Phó giám đốc sở Tài nguyên Môi trường Hà Tĩnh đút tay túi áo nhìn người bị nạn trong vụ tai nạn giao thông mà ông ta có liên quan, đã dậy sóng dư luận. Ngày 23/10, tại bùng binh giao nhau giữa đường Phan Đình Phùng - Hà Huy Tập (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô Altis BKS 38A - 01936 với xe máy BKS 38F- 6558, làm người đi xe máy ngã, văng 4m, xe máy kẹt dưới gầm xe ô tô. Rất nhiều người chứng kiến vụ việc đã rất bức xúc, khi người lái ô tô rời xe, đút tay túi áo đứng nhìn, không đỡ người bị nạn và cũng không hỏi thăm. Do sợ tắc đường, người đi xe máy cố gắng lấy xe ra, trong khi người sử dụng ô tô vẫn đứng yên. Nhiều người càng bức xúc hơn khi biết người lái ô tô là ông Phan Văn Dương, nguyên Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà, hiện là Phó giám đốc sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó, hai CSGT xuất hiện, nhưng họ bỏ đi, đề nghị hai bên tự giải quyết. Người bị nạn là ông Kiều Thái Hồng (48 tuổi, phường Hà Huy Tập, TP. Hà Tĩnh) bức xúc cho biết: “Sau khi tai nạn xảy ra, người lái ô tô (ông Dương) yêu cầu tôi đưa một triệu đồng để sửa xe. Tôi đang đau đớn, thì CSGT nói hai người tự xử lý rồi bỏ đi và người lái ô tô cũng đã bỏ đi sau đó”. Nhận định về những sự việc trên, một chuyên gia tâm lý cho rằng, những lối ứng xử thờ ơ, bàng quan, hành vi thô lỗ của một bộ phận cán bộ, quan chức lại chính là "cú tát" vào hình ảnh cần phải có của quan chức, chính trị khách trong mắt người dân. |
Hương Lan - Đỗ Thơm