Con đi học được 3 tuần, chị Minh (Mỹ Đình, Hà Nội) bắt đầu thấy con đi vệ sinh khó khăn. Tần suất đi vệ sinh ở nhà của cô con gái 2 tuổi rưỡi có thưa thớt. Tuy nhiên, chị Minh nghĩ là con đi vệ sinh ở lớp nên cũng không để ý. Những lần sau đó, mỗi lần cô con gái đi vệ sinh là ầm ĩ cả nhà.
Ai mách cách nào, chị và chồng làm theo cách đó. Từ bôi xà phòng vào hậu môn, lấy khoai tây nhúng mật ong để thông thụt, gia đình đều làm cả. Nhưng “cuộc chiến” với chứng táo bón của con gái vẫn chưa chấm dứt.
Chị Minh chia sẻ, chị và chồng không biết đã bao lần cãi nhau vì con bị táo bón. Chồng chị đổ lỗi cho chị đã không cung cấp đủ chất xơ trong bữa ăn cho con. Con gái thì kêu khóc ầm ĩ và sợ không dám đi vệ sinh. Sau mỗi lần như vậy, vợ chồng chị rơi vào cảnh “chiến tranh lạnh” vì đổ lỗi cho nhau.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, trẻ được coi là bị táo bón khi đại tiện dưới 2 lần/tuần và phân phải rắn.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, một trong những nguyên nhân khiến trẻ khi đi học mẫu giáo dễ mắc chứng táo bón là do ăn uống ít đi. Đặc biệt có nguyên nhân trẻ sợ đi ngoài do bẩn, do tâm lý, do giáo viên.
Ở độ tuổi tiểu học, nhiều trẻ nhịn đi ngoài vì nhà vệ sinh bẩn khiến phản xạ ngày một kém đi, vô hình trung về nhà khiến trẻ quên, trì hoãn từ ngày này sang ngày khác. Chứng táo bón ở trẻ nếu để lâu có thể gây nhiều biến chứng. Biến chứng nặng của táo bón ở trẻ em là rách hậu môn, chảy máu, trĩ, sa trực tràng. Mỗi lần đi vệ sinh bị đau đớn khiến trẻ càng cố nhịn dẫn đến tình trạng trầm trọng thêm.
Theo các chuyên gia khuyến cáo, trong điều trị táo bón, bổ sung chất xơ là việc cần được chú ý thường xuyên. Một trong điều quan trọng nữa là cha mẹ phải tạo phản xạ cho trẻ đi ngoài vào giờ nhất định ở nhà để các con không “ngại” đi vệ sinh.
Đỗ Thơm