Tôi đã chứng kiến không ít đứa trẻ từ năm này qua năm khác chẳng bao giờ lớn lên. Cháu của tôi năm nay đang học lớp 12, được gia đình hết mực cưng chiều. 12 năm cháu đi học, nghĩa là từng ấy năm chị gái tôi đem cơm trưa đến trường cho con. Sợ con ăn cơm bán trú không ngon, nên trưa nào chị cũng tranh thủ giờ nghỉ trưa để mang cơm đến tận trường cho con. Đến khi tan học buổi chiều, vẫn là người mẹ mòn mỏi đợi ở cổng trường chờ rước con về. Kể cả khi con đi chơi với bạn bè, liên hoan, họp lớp chị cũng kè kè đi theo đón đưa. Chị gái tôi không để con có không gian để “thở”, để hòa nhập và tự lập.
Hay hồi đại học, tôi có người bạn bị gọi là “yếu như sên” vì từ bé đến lớn không phải đụng chân đụng tay vào việc gì. Từ bé đến khi lên đại học, việc gì của bạn tôi đều có sự can thiệp, giúp đỡ từ bố mẹ. Bố mẹ quyết định từ ăn uống đến học tập, việc cậu học trường nào, ngành gì đều có sự sắp xếp của bố mẹ. Sau khi học xong đại học, vì học lực không được tốt nên bố mẹ “lót đường” cho bạn tôi một công việc hành chính Nhà nước. Dường như cuộc đời bạn tôi đã sống đều như một kịch bản đã được gia đình thiết lập sẵn.
Thật ra, kiểu nuôi con này là một “mô-típ” quen thuộc ở Việt Nam. Qúa nhiều đứa trẻ chỉ lớn lên về mặt thể xác chứ không có sự lớn lên về tinh thần. Nhiều ông bố bà mẹ đã cướp đi cái quyền tự quyết định, chiếm hữu quyền tự do của con cái. Để rồi những đứa trẻ bơ vơ, để cuộc sống trôi tuột, không có mục đích sống.
Nuôi dưỡng con cái trong điều kiện tốt ai cũng muốn, nhưng đừng lấy đó làm cái cớ để bố mẹ “sống hộ” cuộc đời của con. Hãy để cho những đứa trẻ được va chạm, tiếp xúc, được quyết định cuộc đời của chính mình, đừng ôm khư khư con trong vòng an toàn của mình. Trải qua khó khăn, thử thách chính là “hệ miễn dịch” để các con sau này đương đầu với nhiều khó khăn hơn của cuộc đời. Đừng tự biến đứa con của mình thành “bóng ma” phản chiếu kỳ vọng của bố mẹ.
Lê Nga