Ngày 24/1, tại buổi họp báo thường kỳ của bộ Ngoại giao, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng đã cung cấp các thông tin chính thức liên quan tới vụ Pháp bắt giữ công dân Phạm Thị Tuyết Mai với cáo buộc buôn bán ma túy.
Theo bà Hằng, vào ngày 18/12/2018, Đại sứ quán Việt Nam tại Paris, Pháp nhận được thông báo từ Cảnh sát biên giới Pháp tại sân bay Charles de Gaulle về việc bắt giữ công dân Việt Nam Phạm Thị Tuyết Mai.
Sau đó, Đại sứ quán đã liên hệ với các cơ quan chức năng liên quan của Pháp và được biết bà Phạm Thị Tuyết Mai bị cảnh sát biên giới Pháp bắt khi nhập cảnh vào Pháp theo Lệnh bắt giữ châu Âu nhằm thi hành bản án 4 năm tù về tội buôn bán bất hợp pháp ma túy và chất gây nghiện trong thời gian từ 1/10/2010 tới 10/5/2011 do Tòa Tư pháp Antwerp, Bỉ tuyên án ngày 8/5/2013.
Hiện nay, các cơ quan tư pháp của Pháp đang tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Liên minh châu Âu theo thủ tục Lệnh bắt giữ châu Âu.
Ngày 19/12/2018, Tòa Phúc thẩm Paris đã cho phép bà Mai tại ngoại và áp dụng một số biện pháp kiểm soát tư pháp như phải tạm trú tại nơi được chỉ định, không được rời lãnh thổ Pháp chính quốc.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã có buổi gặp trực tiếp bà Mai để nghe trình bày về vụ việc và làm sáng tỏ các thông tin liên quan. Tại cuộc gặp, Đại sứ quán cũng đã hướng dẫn bà Mai về thủ tục hỗ trợ theo quy định bảo hộ công dân.
Theo yêu cầu của bà Mai, Đại sứ quán đã đề nghị Cục Lãnh sự, Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an xác minh thời gian cư trú của bà Mai tại Việt Nam để phục vụ bào chữa tại toà và đã cấp giấy xác nhận này cho bà Mai.
Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cũng đã làm việc với Văn phòng Luật sư Vatier tại Paris để tìm hiểu thêm về vụ việc và yêu cầu Văn phòng Luật sư Vatier hỗ trợ bà Mai. Hiện nay Văn phòng Luật sư Vatier đã nhận hỗ trợ bà Mai theo đề nghị của Đại sứ quán cũng như yêu cầu của bản thân bà Mai.
Tại phiên toà lần thứ hai vừa diễn ra ngày 9/1/2019 vừa qua, Đại sứ quán đã cử đại diện tham dự phiên toà. Tại đây, đại diện Đại sứ quán đã gặp, trao đổi với luật sư bào chữa do toà chỉ định và đề nghị luật sư hỗ trợ bà Mai bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo đại sứ quán Việt Nam tại Pháp theo dõi sát sao vấn đề, thực hiện các thủ tục bảo hộ công dân theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng về thông tin thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2