Trong cái tình cây mênh mang như máu thịt ấy, người Bến Tre đã thổi hồn vào từng thớ xơ dừa xù xì, thô ráp, biến nó thành những món đồ thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đẹp đẽ. Và nơi đây, lại kỳ công tạo ra một "dàn đồng ca dừa" với 27 loại nhạc cụ truyền thống, vừa được công nhận kỷ lục: Bộ nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam.
Tri ân với dừa
Người tạo ra bộ nhạc cụ dân tộc bằng gỗ dừa độc đáo này là hai lão nghệ nhân đã gần bước sang tuổi 70: Lê Thanh Liêm và Võ Văn Bá - những người con của xứ dừa Bến Tre. Ông Lê Thanh Liêm là một họa sĩ, nhạc sĩ, một nhà điêu khắc với nghệ danh Lê Dân. Ông chính là người đã đưa ra ý tưởng làm bộ nhạc cụ bằng dừa này. Họa sĩ Lê Dân tâm sự rằng: Là một người con sinh ra và lớn lên ở Bến Tre, nên dường như trong máu ông đã có dừa rồi.
Họa sĩ - điêu khắc gia Lê Thanh Liêm.
Thời kháng chiến chống Mỹ, một lần ông bị thương nặng, mất nhiều máu và kiệt sức. Chính nước dừa đã cứu sống ông. Trong lòng ông luôn có một mong muốn sáng tạo ra những sản phẩm nghệ thuật bằng cây dừa từ chính bàn tay ông - một họa sĩ. Sau giải phóng, khoảng năm 1979, khi đã tốt nghiệp trường Đại học Mỹ thuật, ông về công tác tại Sở văn hóa tỉnh Bến Tre.
Trong khoảng thời gian đó, ông đề xuất với Sở văn hóa làm một số chân dung các vị lãnh tụ của Việt Nam và thế giới cẩn bằng gáo dừa. Những sản phẩm độc đáo này đã theo chân các đoàn công tác của Bến Tre qua một số nước làm quà của quê hương Bến Tre tặng cho họ. Ngay trong hầu hết những tác phẩm nghệ thuật của ông cũng thấp thoáng hình bóng của những hàng dừa Bến Tre.
Ông Lê Dân cho biết, bắt đầu từ năm 2009 thì ông đã nảy ra ý tưởng này và trăn trở về nó. Đến tháng 8/2011, ông trình bày với các đồng chí lãnh đạo bên ngành văn hóa Bến Tre thì được hoan nghênh và tạo điều kiện để ông triển khai thực hiện. Và họa sĩ Lê Dân lúc đó đã nghĩ ngay đến ông Võ Văn Bá (còn gọi là Ba Bá), một người bạn của ông, đồng thời cũng là một nghệ nhân chế tạo nhạc cụ lâu năm rất khéo tay.
Ông Võ Văn Bá quê ở xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre, từng theo học nghề sửa chữa điện tử, đã có một thời gian công tác ở Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh Bến Tre với vai trò là một nhạc công. Từ nhỏ ông đã đam mê đàn hát, có thâm niên hơn 30 năm chế tạo các loại nhạc cụ. Dù ông không phải là một người có chuyên môn về âm nhạc, cũng không được ai chỉ dạy cách làm nhạc cụ, nhưng ông có thể tạo ra không chỉ một loại nhạc cụ mà là rất nhiều loại khác nhau.
Ông Bá chia sẻ: "Trước giờ tôi chưa từng làm nhạc cụ bằng gỗ dừa vì rất khó làm. Nhưng tôi sinh ra và lớn lên ở Bến Tre này, mấy đời gia đình tôi sống được cũng nhờ cây dừa nên khi Bảy Dân nói với tôi về ý định làm bộ nhạc cụ này và đề nghị tôi cùng hợp tác thì tôi đồng ý ngay. Cả tôi và Bảy Dân, cũng như bên Sở Văn hóa đều mong muốn có thể làm một bộ nhạc cụ bằng dừa bởi có nó cũng như nghe được những tiếng của quê hương mình".
Và thế là, bộ nhạc cụ bằng dừa này đã ra đời, chính từ tình bằng hữu giữa hai người bạn già, có chung một tình yêu với cây dừa của quê hương, có chung một lòng say mê với âm nhạc dân tộc. Bộ nhạc cụ như một lời lời tri ân mà Bến Tre dành cho cây dừa. Loài cây đã gắn bó với mỗi người dân Bến Tre từ thuở lọt lòng, đến lúc mất đi, cũng lại về nằm dưới những rặng dừa cao vút mà nghe gió reo.
Nghệ nhân làm đàn Võ Văn Bá.
Khúc hòa tấu của dừa
Để biến dừa thành một nhạc cụ không phải là điều dễ dàng vì gỗ dừa hoàn toàn rất xơ, kết cấu gỗ không chặt, hay bị vỡ. Để có được bộ nhạc cụ với 27 loại như vậy, hai nghệ nhân đã phải cần mẫn, kiên nhẫn với gỗ dừa trong suốt gần một năm ròng rã. Hết tạo dáng rồi dùng máy chà nhám cho gỗ dừa mịn lại, sau đó dùng tiếp giấy nhám chà đến khi gỗ dừa bóng lên, nổi rõ những đường vân, tạo ra một màu sắc đỏ au như màu cánh gián thì mới được. Khó khăn lớn nhất là dừa hoàn toàn không phải loại gỗ dùng để làm nhạc cụ. Âm thanh của gỗ dừa không đạt được độ rung nhiều nên tiếng kêu rất nhỏ, lại không vang.
Ông Võ Văn Bá - người trực tiếp thực hiện phải vừa làm, vừa suy nghĩ để tìm ra cách khắc phục những nhược điểm ấy. Sau rất nhiều lần làm thử rồi lại bỏ vì chưa ưng ý ông Bá nhận ra rằng trước hết, cần phải chọn những cây dừa từ 70 - 80 năm tuổi trở lên và chỉ dùng phần thân dưới của cây dừa. Vì với những cây dừa còn non thì thường bị mối, mọt ăn, còn phần thân dừa dưới gốc mới cho gỗ chắc nhất. Hơn nữa, dừa càng già thì sau khi đánh bóng lên gỗ càng mịn, bóng và lên màu đỏ au, rất đẹp. Cuối cùng, vì gỗ dừa, rồi cả gáo dừa đều dễ bị vỡ trong khi cắt, đục nên thời gian làm sẽ lâu hơn làm bằng những loại gỗ cây khác. Và nhất định là không được làm mạnh tay hay nóng vội.
Để khắc phục nhược điểm về độ rung, các loại đàn gáo, kìm, sến, bầu... ông Bá chế thêm bộ phận lò xo và micro để có âm thanh lớn và ngân dài. Những kiến thức và kinh nghiệm có được từ nghề sửa chữa điện tử được ông Bá mang ra vận dụng tối đa cho bộ nhạc cụ này. Riêng hai cây đàn guitar mẫu của ông Lê Dân vẽ, ông Bá đã nghiên cứu gắn thêm bộ khuếch tán âm thanh điện tử (còn gọi là bộ ngoa-tè) để âm thanh được ngọt hơn. Ông chia sẻ: "Dừa là một loại chất liệu khó làm nhất từ trước đến nay, đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ của người làm. Nhưng ngay từ những ngày còn ở trong đoàn văn công tỉnh, nhiều lần tôi đã dùng gỗ dừa để chắp vá cho những nhạc cụ của đoàn bị hư hỏng. Nên tôi biết mình sẽ làm được, chỉ cần cố gắng và lòng kiên trì mà thôi".
Một số chế tác nhạc cụ từ dừa của hai nghệ nhân.
Với một số loại nhạc cụ cần dùng đến gáo dừa như bộ gõ, đàn gáo,... ông Võ Văn Bá cho biết gáo càng mỏng thì tiếng kêu càng hay. Nhưng gáo mỏng sẽ hay bị vỡ. Vì vậy phải chọn loại gáo không dày nhưng cũng không được mỏng quá. Quá trình đục, khắc những họa tiết trên gáo dừa cũng là một kỳ công. Bởi gáo dừa thì dễ bị nứt và bể, cần tốn khá nhiều thời gian và tỉ mỉ từng chút từng chút một.
Vì là một chất liệu mới hoàn toàn nên cứ mỗi một loại nhạc cụ thì hai nghệ nhân đều phải làm thử trước để kiểm tra âm thanh của nó ra sao. Như cây đàn nguyệt, ông Lê Dân cho biết lúc đầu hai ông làm bằng gỗ dừa hoàn toàn, nhưng không tích hợp được âm thanh ở bề mặt đàn. Vì thế hai ông phải lấy gỗ cây quao để làm phần mặt đàn.
Ông Lê Dân còn chia sẻ, mong muốn của hai ông không phải đơn thuần là làm một bộ nhạc cụ, mà là tạo ra một giàn nhạc có thể hòa tấu được một tác phẩm lớn nên với mỗi loại nhạc cụ, hai ông đều tạo ra ba kích cỡ khác nhau, từ nhỏ đến lớn. Để có thể tạo ra những âm sắc trầm, bên cạnh âm sắc cao và trung. Vì trong một dàn nhạc thì phải hội tụ cả ba loại âm sắc cao - trung - trầm mới có thể hòa tấu được.
Khó khăn là vậy, nhưng bằng tình yêu với âm nhạc, cuối cùng hai ông cũng hoàn thành bộ nhạc cụ nhiều tâm huyết của mình. Bộ nhạc cụ dân tộc chế tác bằng chất liệu dừa của hai ông Lê Dân và Ba Sơn đã được công diễn trong Lễ khai mạc Festival dừa 2012, tại sân khấu nổi hồ Trúc Giang. Với 23 nhạc cụ được phát triển trên nền nhạc dân tộc, 19 nhạc công đã chinh phục người nghe qua tác phẩm hòa tấu Bình minh trên đảo dừa.
Dù cả âm thanh và kiểu dáng của bộ nhạc cụ vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện, chưa đạt được độ tinh xảo và sắc nét ở mức hoản hảo nhưng bộ nhạc cụ đã làm cho không ít người con Bến Tre và khách phương xa rưng rưng xúc động, khi được nghe một khúc hòa tấu từ chính những cây dừa ngay trên đất được mệnh danh là "thủ phủ của dừa" này.
Hương Lam