Liên quan đến những sai phạm trong việc bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở sở Xây dựng Thanh Hóa, nhiều ý kiến đề nghị xử lý nghiêm, nhất là người đứng đầu.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội vừa có buổi làm việc tại Thanh Hóa hôm 29/3.
PV: Thưa Đại biểu, qua bước đầu giám sát về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật cải cách tổ chức bộ máy hành chính giai đoạn 2011 – 2016 tại một số địa phương, mới đây là ở Thanh Hóa, bà có đánh giá như thế nào?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Về cơ bản, việc giám sát ở tỉnh Thanh Hóa đã chỉ ra những vi phạm trong cải cách bộ máy hành chính. Thực tế, bộ máy trong từng bộ phận có phình ra, nhất là ở cấp sở. Trách nhiệm thuộc về người đứng đầu. Người đứng đầu tùy tiện, không chấp hành kỷ cương, kỷ luật hành chính của Nhà nước.
Tôi nghĩ, nguyên nhân một phần do bộ phận cán bộ làm công tác tổ chức chưa đủ năng lực, trình độ. Chính vì thế, nhiều việc bổ nhiệm làm không đảm bảo chất lượng theo quy định.
Tại Thanh Hóa, địa phương cũng đã chỉ ra quá trình thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm. Với những sai phạm trong công tác cán bộ khiến dư luận bức xúc thời gian qua, Đoàn giám sát cũng đã nêu ý kiến đề nghị Thanh Hóa phải báo cáo, giải trình trước công luận và cử tri cả nước.
Thanh Hóa đã dám nói thẳng về những sai sót, khuyết điểm trên địa bàn nhưng không đi sâu vào vụ việc. Do đó, thành viên Đoàn giám sát đã nêu lại từng vấn đề mà cử tri cả nước quan tâm, trong đó có việc bổ nhiệm thần tốc với “hot girl” Trần Vũ Quỳnh Anh.
PV: Điều này càng chứng tỏ, hoạt động giám sát của Quốc hội là rất cần thiết?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Đúng vậy. Ngoài những dư luận mà báo chí phản ánh, có đi giám sát mới thấy có nhiều vấn đề. Do đó, giám sát là hoạt động rất cần thiết, mang đến những hiệu quả nhất định.
PV: Là Trưởng ban soạn thảo dự án luật Hành chính công, bà đánh giá hoạt động giám sát gắn với xây dựng hành chính công như thế nào?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Qua giám sát thực tế, tôi càng nhận ra cần kíp có luật Hành chính công. Trên cả nước đã có 15 tỉnh hình thành và xây dựng trung tâm hành chính công. Điều này xuất phát từ thực tiễn phải cải cách, phải minh bạch để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất.
Tinh giản biên chế đang là vấn đề bức xúc. Càng nỗ lực tinh giản, bộ máy càng phình to. Nếu có luật quy định rõ sẽ có căn cứ để biết tinh giản thế nào là hợp lý, lực lượng nào cần buông ra.
Tôi hy vọng làm luật Hành chính công có thể giúp Nhà nước trong sắp xếp tổ chức bộ máy. Trong luật Hành chính công cần đưa ra những tiêu chí khoa học để sắp xếp bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tế.
Luật Hành chính công sẽ bổ sung thêm công cụ pháp lý để người điều hành tin tưởng. Hiện nay, luật có nhiều nhưng động đến vẫn thiếu. Bởi thiếu nên có trường hợp lạm quyền, vượt quyền, tùy tiện bổ nhiệm.
PV: Trở lại với câu chuyện bổ nhiệm thần tốc bà Trần Vũ Quỳnh Anh ở sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa, cá nhân bà có đánh giá thế nào?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Sai phạm đã được chỉ rõ, cấp ủy địa phương phải có những ý kiến chỉ đạo để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai. Trong kết luận, tôi thấy nhiều lần nhắc đến việc Giám đốc sở ký quyết định bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Vậy phải làm rõ vi phạm của Giám đốc sở Xây dựng Thanh Hóa trong việc bổ nhiệm bà Trần Vũ Quỳnh Anh đến đâu. Nếu có yếu tố tham nhũng, lạm quyền, các cấp ủy đảng sẽ có chỉ đạo xử lý. Việc xử lý cán bộ sai phạm đã có quy trình chặt chẽ.
PV: Vậy theo bà, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong việc bổ nhiệm sai phạm với bà Trần Vũ Quỳnh Anh thế nào?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Việc này, hội đồng kỷ luật sẽ xem xét, không thể thiếu trách nhiệm của Giám đốc sở Xây dựng. Tôi nghĩ cần xem xét có cách chức hay không cách chức, hay lại chỉ rút kinh nghiệm?
Nếu xử lý không nghiêm, cấp ủy cấp trên sẽ có ý kiến. Nếu ủy ban Kiểm tra tỉnh làm chưa đúng, ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có ý kiến. Do Giám đốc Sở không thuộc diện Trung ương quản lý nên trước hết sẽ xem xét từ địa phương. Nếu xử lý không thỏa mãn dư luận, chỉ rút kinh nghiệm, vụ việc sẽ lại dậy sóng.
Công tác tổ chức, kiểm tra của cấp ủy rất quan trọng. Nếu tinh thần đấu tranh, phê và tự phê trong cấp ủy mạnh, mọi việc sẽ được xử lý nghiêm. Nếu không, sẽ lại có những câu chuyện xử lý kiểu xuê xoa.
Tuy nhiên, tôi tin với những việc này, tỉnh Thanh Hóa sẽ làm nghiêm. Bởi đây là ý kiến đòi hỏi của công luận.
Tôi cũng muốn nói thêm, cần thức tỉnh lương tâm, đạo đức công vụ vì lợi ích chung. Nếu gây tổn thất, thiệt hại cần có trách nhiệm, nhất là người đứng đầu, phải tự thấy nhức nhối trong tâm can. Đừng cái gì cũng đổ tại quy trình để thành vô cảm.
Khi đã để cấp dưới gây ra chuyện này chuyện khác, có còn yên tâm ngồi ở vị trí đó? Việc làm của mình ảnh hưởng đến uy tín của cá nhân, tập thể, còn uy tín được không?
Đây chính là nguyện vọng chung của người dân. Người dân cần những công bộc có lương tâm và trách nhiệm. Khi làm dự án luật Hành chính công, chúng tôi hướng đến đưa được điều này vào trong luật.
PV: Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!
Dương Thu