Theo ông Tuấn, sau đó ít lâu thì Bộ Nội vụ có công văn trả lời với nội dung : 1) Hồ sơ xin giấy phép còn thiếu một số thủ tục - 2) Việc chưa trả lời về những điểm thiếu trong hồ sơ bằng văn bản Bộ Nội vụ nghiêm túc rút kinh nghiệm - 3) Bộ luôn ủng hộ việc thành lập Quỹ từ thiện theo quy định pháp luật và đề nghị Ban sáng lập hợp tác để làm thủ tục cấp phép - 4) Bộ sẽ nghiên cứu kiến nghị về số tiền đóng góp để hoàn chỉnh quy định pháp luật.
Dự án Cơm có thịt nhận được hơn 5 tỷ đồng tài trợ.
Tuy nhiên trong thư phản hồi, ông Tuấn nói "việc thiếu vài nội dung của hồ sơ không phải nguyên nhân chậm xem xét, vì trong thời hạn 5 ngày làm việc sau khi nhận hồ sơ, theo luật định nếu hồ sơ có thiếu thì Bộ phải có văn bản thông báo. Khi đó chúng tôi đã có thể bổ khuyết".
Theo ông Tuấn, việc chậm trễ khiến có những khó khăn mới phát sinh. Khi xin cấp phép đã có những cam kết đóng góp tài sản đủ đáp ứng quy định. Song thời điểm đó đã lâu nay một số cam kết không còn hiệu lực vì những biến động tài chính của người hứa đóng góp. Ban sáng lập phải vận động bổ sung và thay đổi thành phần sáng lập viên.
Dự án Quỹ cơm có thịt do ông Tuấn sáng lập đến nay đã có 5.841 học sinh ở 46 trường thuộc các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Hà Giang, Lào Cai được hỗ trợ với tổng số tiền hơn 5,4 tỉ đồng.
"Tôi viết thư ngỏ này không nhằm mục đích đề nghị ông bộ trưởng đôn đốc việc cấp phép cho quỹ “Cơm có thịt”. Bộ trưởng dẫu có đích thân làm thay nhân viên thì cũng chỉ được một vài lần. Chúng tôi sẽ có cách làm phù hợp luật pháp để tiếp tục giúp các em vùng cao mà không cần thành lập quỹ như nhiều, rất nhiều người Việt Nam đang làm", thư ngỏ gửi bộ trưởng Nội vụ của ông Tuấn giãi bày.
Hải Yến