Bộ óc vĩ đại nhất thế giới đã bị nữ điệp viên Nga chinh phục thế nào?

Bộ óc vĩ đại nhất thế giới đã bị nữ điệp viên Nga chinh phục thế nào?

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 7, 03/02/2018 13:12

Nhà khoa học "Thuyết tương đối" Albert Einstein từng có mối tình sâu sắc với một người phụ nữ nước Nga mà về sau này, người ta cho rằng cô là một nữ điệp viên tình báo.

Hồ sơ - Bộ óc vĩ đại nhất thế giới đã bị nữ điệp viên Nga chinh phục thế nào?

Albert Einstein và Margarita Konenkova chụp ảnh cùng nhau.

Năm 1998, một cuộc bán đấu giá các kỷ vật của Albert Einstein đã thu hút sự chú ý, khi có một bức thư đề tên người nhận là Margarita Konenkova. “Mọi thứ nơi đây đều làm anh nhớ em khôn nguôi... tất cả những điều nhỏ nhặt trong căn phòng ẩn sĩ của anh”. Ngôn từ lãng mạn của nhà khoa học gia lỗi lạc khiến nhiều người tin rằng, khi viết những dòng này, ông đang đắm say trong một tình yêu cuồng nhiệt. 

Nhưng trong một lá thư gửi đi ngày 11/11/1945, Einstein đề cập đến cuộc gặp với các nhân viên lãnh sự vốn là nhân viên tình báo của Liên Xô ở Mỹ. Nhiều người bắt đầu tò mò về danh tính thực sự của Margarita Konenkova. Người phụ nữ này là ai? Vì sao cô chiếm được tình cảm của Einstein, nhưng lại sắp xếp cuộc họp giữa khoa học gia người Đức nổi tiếng với điệp viên Liên Xô chỉ vài tháng sau khi Mỹ tạo ra vũ khí hạt nhân đầu tiên?

Sinh ra tại một thị trấn xa xôi nước Nga, Konenkova bắt đầu sự nghiệp khi chuyển đến Moscow và ngay lập tức tạo được sức hút với vẻ ngoài quyến rũ. Người ta đồn rằng ngôi sao Feodor Shalyapin (ca sĩ nổi tiếng) và Sergei Rachmaninoff (một trong những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của Nga) từng có quan hệ tình cảm với nữ điệp viên kiều diễm. Tuy nhiên, Konenkova đã chọn kết hôn với Sergei Konenkov, một nhà điêu khắc tài năng của nước Nga khi đó. “Cô ấy rất xinh đẹp và là cảm hứng sáng tạo cho cánh nghệ sĩ”, Sergei Konenkov sau này nhớ lại.

Năm 1923, cặp vợ chồng chuyển đến Mỹ sinh sống và Konenkova trở nên nổi tiếng trong cộng đồng người nhập cư Nga. Cô tham dự nhiều sự kiện và hoạt động xã hội, trong khi người chồng Konenkov tiếp tục sáng tạo nghệ thuật. Năm 1935, đại học Princeton có nhã ý nhờ Konenkov tạc một bức tượng Einstein để trưng bày - và đó là lần đầu tiên Margarita Konenkova  gặp người đàn ông được cho là có bộ óc vĩ đại nhất thế giới - Albert Einstein.

“Einstein là một người khiêm tốn đến ngạc nhiên, người hay nói đùa rằng ông nổi tiếng chỉ vì mái tóc tươi tốt hơn người khác”, Konenkova viết trong cuốn hồi ký, đồng thời nhắc đến việc thường xuyên thảo luận về Thuyết tương đối của ông. Mặc dù Konenkova có vẻ như không thành công trong việc thấu hiểu khái niệm này, nhưng cô chắc chắn là người hiểu về tác giả của nó hơn bất kỳ ai khác.

Khi vợ thứ hai của Einstein là Elsa qua đời vào năm 1936, mối quan hệ của ông với Konenkova mới dần được định hình. Năm 1939 ông nhờ bác sĩ tư vấn cho Margarita nên dành thời gian đến nghỉ ngơi ở nơi có “khí hậu trong lành như Saranac Lake, New York” (nơi Einstein sống).

Mỗi năm Konenkova dành vài tháng sống chung với Einstein ở Saranac trong khi người chồng Sergei làm việc ở Chicago. Tình yêu của cả hai thậm chí còn được gọi với cái tên trìu mến “Almar” (Albert-Margarita). Như những tình cảm dạt dào thể hiện trong bức thư gửi người tình, Einstein luôn khắc khoải với quãng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi bên Margarita và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho người phụ nữ mình yêu.

Nhà báo Oleg Odnokolenko từ tờ Nezavisimaya Gazeta - người dành thời gian tìm hiểu về câu chuyện của Einstein và Konenkova cho rằng, rất khó để xác định xem Konenkova có tình cảm thực sự với nhà khoa học người Đức hay chỉ là nhiệm vụ mà cô phải tuân thủ trong vai trò điệp viên tình báo.

Theo Pavel Sudoplatov, một vị tướng tình báo dưới thời Joseph Stalin, Konenkova là đặc vụ không thể thiếu trong nhiệm vụ thu thập thông tin về chương trình hạt nhân của Mỹ - Dự án Manhattan. “Ở đại học Princeton, cô ấy thân thiết với các nhà vật lý có ảnh hưởng như Einstein và Robert Oppenheimer”, Sudoplatov viết trong cuốn “Nhiệm vụ đặc biệt” của ông.

Không giống như Oppenheimer, Einstein không trực tiếp tham gia vào Dự án Manhattan nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng, một nhà khoa học của chính quyền có thể biết rất nhiều về chương trình hạt nhân của Mỹ thông qua những đồng nghiệp trong trường. Đương nhiên, Liên Xô muốn có thông tin này.

Ngay sau khi Thế chiến II kết thúc, Chiến tranh Lạnh bắt đầu bước vào giai đoạn căng thẳng. Konenkova và chồng Sergei đã buộc phải rời khỏi Mỹ và trở về Liên Xô. Nhưng trong khoảng thời gian này, Konenkova sắp xếp nhiều cuộc gặp giữa Einstein với Pavel Mikhailov, nhân viên lãnh sự Liên Xô làm việc cho cơ quan tình báo quân đội GRU. Như nhà báo Odnokolenko nhấn mạnh, Einstein sẵn sàng làm việc này vì tình yêu bao la dành cho Konenkova, biết rằng tương lai của cô ở Liên Xô phụ thuộc rất nhiều vào việc ông có gặp họ hay không.

Nội dung thảo luận giữa nhà khoa học Đức với Liên Xô vẫn còn là bí ẩn. Trong bức thư gửi cho một người bạn Nga, Einstein úp mở rằng “ông đã làm tất cả những gì có thể”. Sau khi trở về Moscow vào năm 1946, vợ chồng Konenkova được Chính phủ đãi ngộ – một trong những lý do để đánh giá nhiệm vụ của cả hai đã thành công.

Tuy nhiên, người ta vẫn không biết chính xác điều gì đã xảy ra giữa Einstein và nữ điệp viên Liên Xô hơn 70 năm về trước.

Cả tình báo Nga và Mỹ vẫn lưu giữ câu chuyện này trong mục tài liệu mật và chưa có ý định công khai. Nhưng có một điều rõ ràng, bộ óc vĩ đại nhất của nhân loại cũng không tránh khỏi những giây phút yếu lòng.     

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.