"Bỏ phiếu tín nhiệm phải có đủ thông tin"

"Bỏ phiếu tín nhiệm phải có đủ thông tin"

Thứ 5, 27/12/2012 23:49

Nhìn nhận rõ hơn về vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc điều hành chính sách ngành mình, PV báo ĐS&PL đã có cuộc trao đổi với ĐBQH Nguyễn Đình Quyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Phải công khai minh bạch với người dân

Theo ông, Bộ trưởng chịu trách nhiệm gì khi có những vấn đề nóng xảy ra trong ngành?

Hiện nay, mỗi Bộ quản lý đa ngành đa lĩnh vực, và giữa các bộ có mối quan hệ phối hợp với nhau. Tuy nhiên, do thống nhất quản lý Nhà nước ở lĩnh vực của mình nên Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước những vấn đề của ngành mình. Bởi người đứng đầu ngành phải có trách nhiệm về quản lý, kiểm tra cán bộ, thanh tra và chỉ đạo điều hành. Còn việc phối hợp giữa các bộ như thế nào thì đó là trách nhiệm chung của Chính phủ. Chính phủ phải chịu trách nhiệm chung về tất cả sự phối hợp này.

Nhịp sống - 'Bỏ phiếu tín nhiệm phải có đủ thông tin'

ĐBQH Nguyễn Đình Quyền

Theo tôi, chúng ta đang thiếu luật về nền công vụ nhà nước. Luật này quy định, ở mỗi cấp thì trách nhiệm của người đứng đầu tới đâu, mối quan hệ giữa các cấp về trách nhiệm như thế nào. Luật cán bộ công chức, luật viên chức đã có nhưng luật công vụ nói về trách nhiệm của cán bộ công chức, giới hạn và phạm vi trách nhiệm cũng như xử lý trách nhiệm đó… thì vẫn thiếu. Vẫn văn bản rải rác, văn bản quy phạm. Tôi kiến nghị mãi rồi mà vẫn chưa làm.

Trước những vướng mắc đặt ra, theo ông nên giải quyết bài toán này ra sao?

Trước mắt, chúng ta đang xây dựng nhiều chương trình để cải thiện vấn đề này, nhưng thực tế, đang gặp khó trong việc xây dựng một nền hành chính với luật về nền công vụ Nhà nước.

Nói như vậy, có nghĩa chúng ta vẫn thiếu một sự nhìn nhận chính xác về trách nhiệm của “tư lệnh” ngành, thưa ông?

Bây giờ cứ trách nhiệm chung chung thế...

Dư luận đang đặt rất nhiều câu hỏi về trách nhiệm của Bộ trưởng Công thương xung quanh vấn đề đập thủy điện Sông Tranh?

Về vấn đề này, Bộ trưởng cũng cầu thị nhưng chưa làm rõ được trách nhiệm ở đâu. Trong vụ Sông Tranh, trách nhiệm thiết kế, nghiệm thu thế nào, đã xử lý đến đâu? Trách nhiệm của người thiết kế và nghiệm thu thi công… đến đâu. Nửa năm nay rồi, các cơ quan Nhà nước đã thanh tra, kiểm tra, vậy kết quả ra sao. Phải công khai một cách minh bạch, rõ ràng với người dân, không thể nói chung chung được.

Vậy, theo ông, cần có điều khoản gì để các Bộ trưởng chịu trách nhiệm cụ thể hơn với lĩnh vực mình quản lý?

Trong khi chưa có luật quy định thì Luật Tổ chức Chính phủ, cùng Nghị định về chức năng, nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang bộ, một số văn bản pháp luật liên quan cũng đã quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của Bộ trưởng và những người thi hành công vụ. Bản thân Luật Cán bộ công chức cũng có quy định rõ ràng… Vấn đề là Quốc hội phải tăng cường chất vấn và giám sát. Ở mỗi vị trí có trách nhiệm của mình, đại biểu của dân thì phải giám sát, truy đến cùng cái trách nhiệm, để cho những người có quyền lực như vậy người ta thấy được trách nhiệm trong việc thực hiện, bởi vì Nhà nước giao cho anh quyền lực, mà anh thực hiện quyền lực đó phải vì dân. Tất nhiên là luật của ta đang thiếu…

Hàng tháng, hàng năm Bộ trưởng cần phải gửi báo cáo về trách nhiệm của mình….

Vai trò, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong chuyện bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng?

Trong trường hợp cụ thể, các đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị bỏ phiếu tín nhiệm, rồi xem xét có bầu lại hay không bầu lại, nhưng bỏ phiếu tín nhiệm cũng đang bất cập về cơ chế. Theo tôi, bỏ phiếu tín nhiệm phải có đủ thông tin, phải có quy trình, tất cả những cái đó phải rất bài bản, không thể cứ nói bỏ phiếu tín nhiệm là bỏ phiếu tín nhiệm được. Chúng ta phải có luật, có cơ chế, quy phạm cũng như chế định cung cấp thông tin. Đại biểu Quốc hội mà không có thông tin thì làm sao mà bỏ phiếu tín nhiệm Bộ trưởng được. Tôi nghĩ, hàng tháng, hàng năm Bộ trưởng phải gửi báo cáo về trách nhiệm của mình, về kiểm điểm của mình để các đại biểu biết họ làm gì và không làm gì.

Còn đối với Chính phủ thì sao, thưa ông?

Chính phủ phải chịu trách nhiệm chung về toàn bộ những điều hành kinh tế, xã hội của đất nước. Còn thực ra mà nói, mỗi Bộ trưởng là một Chính phủ trên một lĩnh vực. Họ là thành viên của Chính phủ, nói đến Bộ trưởng tức là nói đến Chính phủ trên từng lĩnh vực, chứ không phải nói đến Bộ trưởng là nói đến riêng ngành của Bộ trưởng đó. Theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Quốc hội, các Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ và chịu trách nhiệm trước Quốc hội. Chịu trách nhiệm trước Chính phủ với tư cách thành viên, còn chịu trách nhiệm trước Quốc hội với tư cách là đại diện cho Chính phủ trong lĩnh vực quản lý Nhà nước đó.

Xin cảm ơn ông!

V.A


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.