Bộ phim "Đời cho ta bao lần đôi mươi": Ly cafe sữa thiếu vị đắng

Bộ phim "Đời cho ta bao lần đôi mươi": Ly cafe sữa thiếu vị đắng

Nguyễn Thành Nhân

Nguyễn Thành Nhân

Thứ 7, 05/08/2017 19:00

Tác phẩm Đời cho ta bao lần đôi mươi mang đậm phong cách ngôn tình giống như chuyện tình Tú Vi - Văn Anh, khá hòa quyện nhưng còn thiếu chút ít vị đắng khác lạ.

Dòng phim dành cho những người phụ nữ 

Được làm theo dòng phim chick-flick (dòng phim dành cho phái nữ), Đời cho ta bao lần đôi mươi trung thành với cách kể chuyện xoay quanh những điều phụ nữ quan tâm như tình bạn, tình yêu, ước mơ, hôn nhân,...

Tuy vậy, câu chuyện được xây dựng mềm mại hơn, phù hợp theo logic của những người phụ nữ. Vì thế mà nút thắt và nút mở trong phim có phần gượng gạo và dễ dàng với những tình tiết như sét đánh, mất trí nhớ, tâm sự một mình,... nhưng điều đó không làm ảnh hưởng đến diễn biến của mạch truyện chính.

Câu chuyện của phim xoay quanh hội bạn 4 người với cuộc sống như truyện ngôn tình. Nhóm bạn thân gồm 4 thành viên: Mỹ Phương (Quỳnh Anh Shyn), Thanh Tân (Văn Anh), Lan Anh (Băng Di), Bích Châu (Tú Vi). Họ ở bên nhau suốt từ khi còn bé cho đến tận về già.

Tuy nhiên, trong khi Thanh Tân, Lan Anh, Bích Châu có cuộc sống khá bằng phẳng, sung túc cùng những mối tình đẹp như mơ, thì Mỹ Phương lại kém may mắn hơn khi sở hữu ngoại hình không được xinh đẹp và gặp nhiều trắc trở trong cuộc sống, đặc biệt là tình duyên.

Sau khi bị hội bạn thân xúi dại và bị chàng trai thứ 100, cũng là người sếp điển trai Hoàng Tú (Trần Trung) từ chối, Mỹ Phương bị sét đánh và nhập viện.

Cô tỉnh dậy với một ngoại hình mới nhưng mất trí nhớ. Trong quá trình giúp Mỹ Phương tìm lại ký ức, nhóm bạn thân đã đưa cô quay lại công ty cũ và chinh phục trái tim chàng sếp đẹp trai.

Vào lúc đó, những bất ngờ được hé lộ khiến tình cảm của 4 người bị rạn nứt. Từ đó, người xem được chứng kiến những hiểu lầm, xung đột trong hành trình vượt qua để thấu hiểu lẫn nhau của ba cô gái và một chàng trai.

Không lên gân, không quá nhiều kịch tính, câu chuyện của bộ phim phản ánh đúng đời sống của khán giả 8X, 9X.

Sự kiện - Bộ phim 'Đời cho ta bao lần đôi mươi': Ly cafe sữa thiếu vị đắng

Hội bạn thân trong phim.

Chịu một chút ảnh hưởng của những bom tấn thuộc dòng phim chick-flick như Sex and cityNhững bà nội trợ kiểu Mỹ,... tuyến nhân vật trong phim cũng có sự phân chia tâm lý phù hợp.

Sẽ ra sao khi thành viên yếu thế trong nhóm thể hiện sự bất mãn bằng hành động? Sẽ thế nào nếu thành viên thủ lĩnh có phản ứng mạnh mẽ quá đà? Đó là cao trào mà Đời cho ta bao lần đôi mươi kể từ chính câu chuyện của mỗi chúng ta.

Hội bạn thân trong phim được giao cho những diễn viên đã cứng nghề nên diễn xuất đều đạt mức trung bình khá trở lên. Hình ảnh nhân vật của họ thể hiện khá thuyết phục người xem.

Lần đầu làm đạo diễn nên tác phẩm chưa hoàn chỉnh, nhưng Lê Văn Anh ở vai trò diễn viên vẫn thể hiện được bản lĩnh cứng cáp trong nghề thông qua nhân vật Thanh Tân. Giọng Huế và ngôn ngữ hình thể vừa cứng rắn lại mềm mại đúng lúc đã chứng tỏ kỹ năng lột tả nhân vật chân thực của Lê Văn Anh.

Tuy còn vài phân đoạn có nét diễn bị cường điệu, thậm chí chiếm khung hình nhiều hơn ba diễn viên còn lại nhưng nhìn chung, Tú Vi khá thành công trong việc tạo ra điểm nhấn trong tâm lý nhân vật Bích Châu.

Còn với nhân vật Lan Anh, diễn viên Băng Di đã thể hiện tròn vai với lối diễn rất tự nhiên, có phần giống với tính cách bộc trực của cô ở ngoài đời.

Được giao nhân vật có những diễn biến tâm lý khá phức tạp, Quỳnh Anh Shyn dù đã cố gắng với nhân vật Mỹ Phương nhưng vẫn chưa trọn vẹn. Cô vẫn thể hiện màu sắc cũ trong nét đáng yêu, xinh đẹp nên chưa thể đạt loại khá giỏi trong những phân cảnh cao trào, đẩy nút thắt bằng cảm xúc. Khả năng diễn xuất của Quỳnh Anh Shyn khá non nớt, chưa thể hiện hết chiều sâu cần có của nhân vật và đôi chỗ lệch tông với bạn diễn.

Đẹp nhưng thiếu cảm xúc

Là phim dành cho phái nữ, Đời cho ta bao lần đôi mươi có sự tỉ mỉ, chỉn chu cần có trong dựng phim, bối cảnh để mang đến thẩm mỹ tinh tế và chinh phục khán giả. Câu chuyện cuộc sống đời thường qua góc nhìn của phim mang đậm nét đẹp của tuổi thanh xuân.

Các khâu dựng cảnh, thiết kế mỹ thuật và phục trang được thực hiện chỉn chu và đầu tư nên từng set cảnh, dù là cảnh trong nhà hay ngoài trời đều hài hòa về bố cục, màu sắc. Trang phục trong phim rất hiện đại, tươi trẻ theo đúng độ tuổi của nhân vật như đồ công sở, đồ dạo phố,...

Đời cho ta bao lần đôi mươi có câu chuyện tốt nhưng điều đó là chưa đủ. Thiếu sót chính của phim là khâu montage khi cách dựng và xử lý không tốt. Vì thế, khán giả có cảm giác thời lượng 90 phút không đủ để hiểu hết câu chuyện vì nhiều chi tiết cần lại không có, nhiều chi tiết không cần lại quá nhiều.

Sự kiện - Bộ phim 'Đời cho ta bao lần đôi mươi': Ly cafe sữa thiếu vị đắng (Hình 2).

Phân cảnh cao trào vẫn chưa thuyết phục được người xem.

Kết cấu hài hòa giữa các phần của câu chuyện không được xử lý tốt, điều này đã khiến bộ phim không có đủ đất cho các nhân vật bộc lộ hết những tình tiết ẩn chứa mà vẫn theo lối mòn kể lể như phim truyền hình. 

Nhìn chung, Đời cho ta bao lần đôi mươi vẫn là tác phẩm tốt so với phim thị trường hiện nay. Điều đó được bảo chứng qua sự tham gia của biên kịch và đồng đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh. Cặp đôi Tú Vi và Lê Văn Anh đã có bước khởi đầu được đánh giá ở mức trung bình khá qua tác phẩm này.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.