Bỏ phố về quê nuôi con "ham ăn mê ngủ", anh nông dân nhẹ nhàng kiếm 42 tỷ đồng/năm

Bỏ phố về quê nuôi con "ham ăn mê ngủ", anh nông dân nhẹ nhàng kiếm 42 tỷ đồng/năm

Thứ 5, 17/10/2024 05:30

Từng là một kỹ sư điện tử làm trong ngành Bưu điện, anh nông dân Nguyễn Ngọc Hải ở Bắc Giang quyết định bỏ phố về quê nuôi con "ham ăn mê ngủ", nhẹ nhàng kiếm 42 tỷ đồng/năm.

Anh Nguyễn Ngọc Hải ở thôn Nam Đồng, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang vốn là kỹ sư điện tử viễn thông làm trong ngành Bưu điện, nhưng sau bao đêm trăn trở với hoài bao xây dựng kinh tế trên chính quê hương mình, anh bỗng quyết định bỏ việc phố về quê rẽ ngang sang làm nông nghiệp.

"Đó là bước đi đến giờ mình thấy vẫn rất mạo hiểm" -anh Hải nói và cho biết anh cùng các thành viên trong HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh đã kinh qua rất nhiều khó khăn để tạo dựng được mô hình chăn nuôi lợn bằng thảo dược, rồi đầu tư dây chuyền công nghệ giết mổ, chế biến thịt lợn theo quy trình khép kín 3F (Feed – Fram – Food), theo Dân việt.

Bỏ phố về quê nuôi con "ham ăn mê ngủ", anh nông dân nhẹ nhàng kiếm 42 tỷ đồng/năm- Ảnh 1.

Lập hợp tác xã chăn nuôi lợn bằng thảo dược anh nông dân Nguyễn Ngọc Hải tạo ra nhiều sản phẩm tiện dụng, an toàn thực phẩm như giò, chả, xúc xích... đạt OCOP 4 sao, thu về 42 tỷ đồng/năm. Ảnh: K. Lực

Anh nông dân Nguyễn Ngọc Hải cho biết, khi chuyển nghề từ làm Bưu điện sang chăn nuôi lợn, anh lại có duyên gắn bó với một đơn vị chăn nuôi lợn hữu cơ ở Hà Nội. 

Trong quá trình làm quản lý trang trại nuôi lợn ở đây, anh gặp được một chuyên gia Nhật Bản và được người chia sẻ phải làm thực phẩm sạch để bảo vệ sức khoẻ cho người dân. 

Nhận thấy nhu cầu thực phẩm an toàn rất lớn nên anh đã quyết tâm xây dựng mô hình chăn nuôi lợn bằng thảo dược ở địa phương mình. 

Năm 2016, anh đã tập hợp những hộ có trang trại chăn nuôi ở địa phương để thành lập HTX Chăn nuôi hữu cơ Bình Minh do anh làm Giám đốc. 

Ngay từ đầu tất cả các xã viên trong HTX cùng hướng đến những sản phẩm an toàn, sản xuất theo chuỗi khép kín vì một nền nông nghiệp bền vững và cung ứng sản phẩm tốt cho người tiêu dùng.

Bỏ phố về quê nuôi con "ham ăn mê ngủ", anh nông dân nhẹ nhàng kiếm 42 tỷ đồng/năm- Ảnh 2.

Năm 2023, HTX Nông nghiệp hữu cơ của anh nông dân Nguyễn Ngọc Hải đã có sự phát triển vượt bậc về mảng chế biến, doanh thu đạt gần 42 tỷ đồng.

Anh Hải cho biết, trong thức ăn cho lợn nguồn nguyên liệu chính là các nguyên liệu tự nhiên như: ngô, khô đậu tương, cám gạo, cám mỳ, tấm gạo... và các khoáng, axit amin hữu cơ, đồng thời bổ sung thêm các dược liệu như: Xuyên Tâm Liên, Diệp Hạ Châu, Cốt Khí Tía, Hồ Hoàng Liên, Sâm Đất... và chế phẩm vi sinh như Bacillus. Với thức ăn như vậy, lợn luôn khỏe mạnh, ít bệnh tật, giảm khí thải ra môi trường và đặc biệt tạo ra chất lượng thịt thơm ngon, giầu dinh dưỡng.

Nhờ mô hình chăn nuôi, giết mổ, chế biến khép kín, đặc biệt là việc dùng các loại thảo dược để nuôi lợn nên đàn lợn của HTX nuôi ít bị tác động của đại dịch bệnh tả lợn Châu Phi. Doanh thu của HTXcũng từng bước được cải thiện và nâng cao, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho xã viên và người lao động tại địa phương.

Năm 2023, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh đã có sự phát triển vượt bậc về mảng chế biến, doanh thu đạt gần 42 tỷ đồng. 

"Năm 2024, HTX đang cố gắng nâng mức doanh thu lên khoảng 50-55 tỷ, đó là bước phát triển vượt bậc" - anh Hải chia sẻ và cho biết HTX đang tạo công ăn việc làm cho gần 30 người với mức thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/tháng. 

Trong năm 2023, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh đã nộp thuế vào ngân sách Nhà nước 143,7 triệu đồng. Tổng sản lượng thịt lợn tiêu thụ được qua khâu chế biến đạt khoảng 348 tấn.

Bỏ phố về quê nuôi con "ham ăn mê ngủ", anh nông dân nhẹ nhàng kiếm 42 tỷ đồng/năm- Ảnh 3.

HTX Nông nghiệp hữu cơ của anh nông dân Nguyễn Ngọc Hải đã cung cấp cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm an toàn, có chất lượng cao. Ảnh: K. Lực

Theo anh Hải, đến nay HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh đang duy trì 6 trang trại chăn nuôi với 1.200 lợn lái và khoảng 10.000 lợn thịt. 

Từ nguồn thịt lợn an toàn nuôi bằng các loại thảo dược, HTX đã cung cấp cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm an toàn, có chất lượng cao như: "Thịt lợn Thảo dược Bình Minh" sơ chế đóng gói, giò, chả, xúc xích, thịt hun khói, dăm bông, giò lụa heo thảo dược, chả lụa heo thảo dược, xúc xích heo thảo dược… Sản phẩm do HTX làm ra hiện không phải lo đầu ra, sản phẩm làm tới đâu khách tìm đến đặt mua hết tới đó.

Anh Lã Văn Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đánh giá, anh Nguyễn Ngọc Hải là một trong những hội viên, nông dân tiêu biểu, xuất sắc trong các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương. 

Khi sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng ISO, bảo đảm tiêu chuẩn rất cao mới được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao. 

Bên cạnh đó, anh nông dân Nguyễn Ngọc Hải đã giúp cho các hộ chăn nuôi lợn theo hướng phát triển an toàn, bền vững và tạo ra chuỗi sản xuất với các sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, tối 14/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 cho anh Nguyễn Ngọc Hải (SN 1981) ở thôn Nam Đồng, xã Danh Thắng.

Anh Hải cùng cộng sự đã xây dựng thành công thương hiệu "Thịt lợn thảo dược Bình Minh" và nhiều sản phẩm OCOP 3-4 sao (thịt lợn thảo dược, giò lụa, chả lụa, xúc xích…) chuyên cung cấp cho các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, bếp ăn trường học trong và ngoài tỉnh. HTX tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài sản xuất, kinh doanh giỏi, anh Hải còn tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, theo Cổng thông tin điện tử Hiệp Hòa, Bắc Giang.

KHÁNH LINH (T/h)



Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.