“Bỏ phố về rừng” là quyết định táo bạo của không ít người trẻ khởi nghiệp. Nguyễn Thành An (quê Tp.HCM) và Trần Thị Mỹ Thuận (quê ở Di Linh, Lâm Đồng, cùng SN 1995) quyết định bỏ phố thị về xã Quảng Sơn (Đắk Glong, Đắk Nông) làm nông dân, kinh doanh những sản phẩm từ thảo mộc.
Cặp đôi cùng mơ về căn nhà gỗ giữa rừng
Từ lúc mới yêu, Mỹ Thuận hay nói với Thành An về ước mơ có một ngôi nhà gỗ giữa ngọn đồi bát ngát xanh, trồng nhiều loại thảo mộc và chế biến thành những sản phẩm an lành. Thành An luôn ấp ủ, cùng người yêu thực hiện ước mơ ấy.
Cùng tốt nghiệp ĐH Tài chính – Marketing Tp.HCM, Thành An làm nhân viên môi giới bất động sản, còn Mỹ Thuận làm việc trong lĩnh vực digital marketing. Cả hai còn hợp tác với một người bạn bán hạt mắc ca.
Thấy công việc kinh doanh hạt “thuận buồm xuôi gió”, Thành An - Mỹ Thuận mơ ước xây dựng riêng một trang trại để tự chủ nguồn nguyên liệu và kiểm soát chất lượng. Họ luôn mơ về khoảng trời tự do nơi núi rừng, không muốn vùi đầu 8 tiếng trong văn phòng, nơi phố thị chật hẹp.
Nghĩ là làm, Thành An thuyết phục ba mẹ về việc đầu tư trồng mắc ca, nhưng bị ngăn cản. Những ngày sau, mắc ca tiếp tục “cháy hàng”, nhiều khách hàng là bạn của mẹ. Sau hàng tháng trời trình bày kế hoạch cũng như cố gắng chứng minh, bố mẹ hai bên dần chấp nhận, thậm chí mẹ Thành An còn góp vốn mua đất vào năm 2018.
Đầu năm 2019, họ chuyển đến sống tại mảnh đất 10ha tại xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, nơi có ngôi nhà gỗ nằm cạnh hồ nước. Sau khi nhìn hình trên mạng và trực tiếp đến xem, cảm thấy như “đất chọn người”, An và Thuận đã quyết định đặt cọc và mua đất, rồi lên kế hoạch cải tạo.
Ngày cuối cùng ở Tp.HCM trước khi về hẳn với núi rừng sống, Mỹ Thuận mặc chiếc váy đỏ thật xinh, đi đôi giày cao gót, xịt thêm chút nước hoa tham dự year end party của công ty. Sau đó bắt đầu những chuỗi ngày cô nàng chân mang ủng, đầu đội nón lá, tay cầm cuốc xẻng, người lúc nào cũng đầy mồ hôi...
Chuỗi ngày gian khó
Thời gian đầu về làm vườn có lẽ là khoảng thời gian bận rộn và vất vả nhất, đặc biệt với những ai đi theo hướng nông nghiệp không hoá chất. Mỹ Thuận - Thành An tập trung cải tạo vườn tạp, trồng cây, làm đất. Và mọi khó khăn đều đổ ập đến vào lúc này…
Mỹ Thuận vốn xuất thân trong gia đình nông thôn nên nhanh quen với lao động chân tay. Nhưng An là “cậu ấm” đúng nghĩa, những ngày đầu cầm cái cuốc, tay cậu sưng phồng, lưng ê mỏi, làm được 1 ngày thì phải nghỉ mất 2 ngày. Khó khăn còn đến từ việc đầu tư trồng cây thì thất bại mất trắng, sâu bệnh, không người quen biết, hàng xóm lấn đất…
Đặc biệt, sau khi mua miếng đất 10ha, cả hai chỉ còn dư 100 triệu đồng. Nhưng rồi số tiền này cũng cạn kiệt vì dồn vào việc trồng và chăm sóc gần 2ha mắc ca. Đôi vợ chồng trẻ phải vay 10 triệu đồng để sống cầm chừng.
Nơi họ sống không có điện, nước, khó kết nối Internet. Côn trùng lại đầy rẫy, dễ đụng phải tổ ong, rắn thỉnh thoảng bò vào nhà. “Ngày đầu dọn đến, vợ chồng tôi phải trải chiếu nằm đất và chỉ đắp chăn mỏng. Đó là đêm lạnh người đáng nhớ nhất đời”, Thành An chia sẻ.
Mỹ Thuận vẫn không thể quên những ngày khó khăn ấy: “Nhiều lúc chúng tôi cảm thấy không còn gì thảm hại hơn trong bộ quần áo dính đầy đất đỏ, người ướt mồ hôi ngồi bên đống phân bò, nước mắt rơi lã chã vì không biết mình có lựa chọn sai hay không? Có những lần lên thăm, nhìn con đen và gầy hơn trước, mẹ rơi nước mắt bảo “Về đi con, thiếu gì việc mà con phải cực thế này”. Chúng tôi ôm mẹ oà khóc và hứa với mẹ sẽ làm tốt, sống tốt với lựa chọn này”.
Sau 500 ngày về làm vườn, họ ít tiền hơn, da đen hơn nhưng sống vui cười nhiều, bớt phán xét và có mục tiêu sống rõ ràng. Đôi trẻ tổ chức đám cưới nhỏ vào ngày 8/8/2020.
Hạnh phúc khi tạo ra “vườn địa đàng”
Giờ đây, ngoài 1ha cà phê, 100 cây mít ta hơn 10 năm tuổi có từ trước, cơ ngơi của An và Thuận còn có 1.000 gốc chuối, 2ha mắc ca và bơ, sầu riêng cùng cây ăn trái sum suê, thêm vào đó là nhiều cây rừng được trồng xen liên tục. Còn lại, 1ha đất trồng thảo mộc và rau xanh được họ tận dụng để làm ra các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, trong đó chủ lực là dầu gội bồ kết cà phê và dầu trái bơ.
Để tạo ra sản phẩm bán được ra thị trường, có thương hiệu riêng, được mọi người tin dùng, đôi vợ chồng trẻ đã phải mua hết các dòng cùng loại trên thị trường để dùng thử rồi phân tích, đánh giá.
An chia sẻ, với dầu gội bồ kết cà phê, họ phải nấu thử suốt mấy tháng mới ra được mẻ đầu tiên hoàn chỉnh. Ban đầu còn sợ ế hàng, ngờ đâu được đón khách hàng đón nhận nhiệt tình. Từ đó, An và Thuận cứ nghe ý kiến khách hàng rồi cải tiến công thức dần dần cho chất lượng tốt hơn và được mọi người yêu thương tin dùng.
Nhận thấy vùng Tây Nguyên trái bơ bạt ngàn và giá thành rẻ, trong khi công trồng, công chăm cực nhọc, thế là Thuận và An cho ra đời sản phẩm dầu trái bơ. Để tạo ra dầu bơ nguyên chất, họ phải trải qua loạt công đoạn cực nhọc từ thu hoạch, cắt bơ, lấy thịt bơ, sấy, ép thủy lực. Quy trình lặp lại suốt mười mấy ngày để tiêu thụ hết 1 tấn bơ hái ở vườn.
Giờ đây, công việc tương đối ổn định với thu nhập bình quân từ 50-60 triệu đồng/tháng, cuộc sống vừa đủ, ngôi nhà của cặp vợ chồng “bỏ phố về rừng” lại vừa có thêm bé trai đáng yêu, kháu khỉnh. Họ tin rằng cùng nhau tạo ra khu “vườn địa đàng” là cách để sau này, con cái có thể tự do khám phá và gieo tình yêu thiên thiên, yêu lao động…
PHƯƠNG QUẾ