Ngày 3/3, TASS thông tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov cho biết, lực lượng vũ trang Nga đã tấn công 1.612 mục tiêu kể từ khi bắt đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
“Có tới 1.612 mục tiêu đã bị đánh trúng kể từ khi chiến dịch bắt đầu. Trong đó, có 62 sở chỉ huy và trung tâm thông tin liên lạc, 30 hệ thống tên lửa S-300, Buk M-1 và Osa cùng 52 trạm radar”, tướng Igor Konashenkov cho biết.
Ông Konashenkov cũng tiết lộ thêm, 49 máy bay trên mặt đất đã bị phá huỷ và 13 chiếc khác trên bầu trời. Có tổng cộng 606 xe tăng và các phương tiện chiến đầu bọc thép, 67 bệ phóng rocket, 227 khẩu pháo dã chiến và súng cối, 405 xe cơ giới quân sự và 53 máy bay không người lái cũng đã bị phá huỷ.
Ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào miền Đông Ukraine, với lý do đáp lại yêu cầu giúp đỡ từ Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR), hai nước tự xưng của lực lượng ly khai tại đây.
Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng Moscow không có kế hoạch chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Ukraine. Mục tiêu của chiến dịch là “phi quân sự hoá” nước này.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó cũng đã báo cáo, lực lượng vũ trang Nga không thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các thành phố của Ukraine. Bộ này nhấn mạnh rằng cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine bị phá hủy bởi vũ khí chính xác và không có mối đe dọa nào đối với dân thường.
Hãng thông tấn TASS cũng thông tin, ngày 3/3, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các binh sĩ nước này đã chuyển hơn 30 tấn hàng viện trợ nhân đạo cho người dân Ukraine.
“Quân đội Nga đã chuyển một chuyển hàng nhân đạo từ vùng Belgorod đến khu vực định cư của người Ukraine ở Kharkiv. Đây là khu vực gần biên giới Nga – Ukraine. Hàng viện trợ nhân đạo hơn 30 tấn đã được chuyển đến Volchansk và Cossack Lopan theo yêu cầu của người dân địa phương”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Theo Bộ này, hàng hoá viện trợ gồm: Ngũ cốc, thịt và cá đóng hộp, bánh kẹo và các sản phẩm bánh, kẹo cùng nước uống đóng chai.
Lực lượng an ninh của đoàn xe do quân đội Nga đảm nhận. Những chuyến hàng nhân đạo đã được trao tận tay người dân các khu vực định cư gần biên giới gồm phụ nữ, trẻ em và người lớn tuổi.
Các lực lượng ly khai trong hai vùng này đã tự thành lập hai thiết chế chính trị tách biệt khỏi Kiev, có tên gọi là Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR).
Ngày 22/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã công nhận độc lập đối với Donbass. Sáng 24/2, ông tuyên bố mở “chiến dịch quân sự đặc biệt”.
HOÀ AN (Theo TASS. Ảnh. Getty Images)