Sáng 9/11, các ĐBQH tiến hành thảo luận tại tổ về luật Quy hoạch, luật Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Được sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, ĐBQH, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu 7 thông tin tới các ĐBQH liên quan đến các vụ tai nạn máy bay liên tiếp trong năm 2016.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng nói: “Các vụ tai nạn máy bay quân sự trong vòng 10 năm qua đã có 17 vụ tai nạn máy bay. Trong đó có 10 vụ cấp 1, 7 vụ cấp 2. So với giai đoạn 1995 – 2005, chúng ta đã giảm được số vụ. Tuy nhiên, năm 2006 lại là năm duy nhất đột biến xảy ra 4 vụ tai nạn máy bay rơi.
Nếu như chúng ta so sánh với các nước lớn về số vụ máy bay rơi, ví dụ như Không quân Hoa Kỳ, năm 2014 đến nay họ đã có 33 vụ tai nạn máy bay. Riêng 2016, họ có 13 vụ. Không quân Ấn Độ trong 10 năm có 90 vụ máy bay rơi. Hai năm gần đây họ có 30 vụ máy bay rơi.
Theo tính toán của các chuyên gia Hàng không thì cứ 9.000 giờ bay của không quân thì sẽ có một máy bay rơi. Quốc gia nào làm tốt thì nâng lên ở mức 16.000 giờ bay có một máy bay rơi.
Về vấn đề dư luận xã hội và các ĐBQH quan tâm, trong năm 2016, chúng ta liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn máy bay của không quân. Nếu điểm lại 4 vụ tai nạn máy bay trong năm thì trước hết là vụ Su30-MK2 số hiệu 8585 bay huấn luyện trong quá trình bay huấn luyện tổ bay có 2 phi công máy bay rơi. Một đồng chí còn sống và một đồng chí hi sinh. Hộp đen bị vỡ, hiện tại đang ở Nga nhưng chưa có kết quả.
Thứ hai là vụ tai nạn của máy bay Casa. Đây là máy bay tìm kiếm phi công Trần Quang Khải và trong quá trình tìm kiếm đã gặp nạn. Hộp đen của máy bay đã được đưa đi khám nghiệm.
Vụ thứ 3 là máy bay huấn luyện của trường Sĩ quan Không quân bay huấn luyện ngày 26/8. Khi cất cánh bay không lâu thì bị hỏng động cơ. Phi công đã cố gắng điều khiển ra khỏi khu chung cư và đường điện cao thế nên không có cơ hội thoát khỏi máy bay. Học viên bay hi sinh.
Vụ tai nạn thứ tư là rơi trực thăng EC130T2. Ngày 18/10 đang trong quá trình bay huấn luyện làm quen với bảng điều khiển hệ thống của trực thăng gặp tai nạn. Đây là máy bay bay thương mại do vậy Hội đồng điều tra tai nạn đang phối hợp với Cục hàng không VN đang điều tra và có gửi hộp đen đi giám định nhưng chưa có kết quả.
Tính ra số vụ tai nạn máy bay tăng đột biến năm 2016 gây tổn thất nghiêm trọng cho không quân, Quân đội nhân dân VN. Các vụ tai nạn máy bay xảy ra đã được Đảng, Chính phủ trực tiếp là Quân ủy Trung ương Bộ Quốc phòng chỉ đạo xử lý đầy đủ, nghiêm túc. Từ việc tổ chức tìm kiếm, xử lý hậu quả, giải quyết chế độ chính sách cho các đồng chí hi sinh và điều tra kết luận các vụ máy bay. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc Phòng đã tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ các cơ quan, đơn vị kể cả nhà trường.
Vừa qua đã tiến hành xử lý kỷ luật hơn 40 đồng chí trong đó có 2 đồng chí cấp tướng.
Về nguyên nhân, công tác lãnh đạo chỉ đạo an toàn bay còn có vấn đề. Đặc biệt là việc rút kinh nghiệm chưa nghiêm túc các vụ tai nạn máy bay trước đó. Từ năm 2014 trở về trước các vụ tai nạn máy bay rất ít. Do vậy dẫn đến chủ quan trong an toàn bay. Việc rút kinh nghiệm chưa quyết liệt, triệt để.
Các cơ quan huấn luyện bay, việc thực hành kiểm tra an toàn bay còn đơn giản chưa kịp thời.
Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng qua kiểm điểm đã nhìn nhận ra công tác cán bộ, đào tạo cán bộ là chưa cơ bản. Đánh giá, sử dụng một số vị trí chưa đúng năng lực. Nhận thức về công tác bảo đảm an toàn bay là chưa đáp ứng yêu cầu
Nguyên nhân thứ tư là phương tiện cứu hộ, cứu nạn của chúng ta còn thiếu đồng bộ. Thực ra, chúng ta muốn điều nhiều máy bay đi cứu hộ cứu nạn nhưng không phải máy bay nào cũng thực hiện được”.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng cho biết: “Quân ủy Trung ương đã kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm, quy trách nhiệm xử lý kỷ luật. Tiến hành rà soát máy bay ở các đơn vị. Chúng ta có 27 chủng loại máy bay và hầu hết là các loại máy bay cũ. Vấn đề mất an toàn bay nếu không xử lý rốt ráo thì còn nguy cơ tai nạn máy bay xảy ra. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng nhận ra việc này và sẽ làm tốt việc rà soát đánh giá máy bay, kể cả việc đánh giá cơ quan, nhà trường huấn luyện bay. Kiểm tra toàn diện đơn vị phòng không, không quân.
Lập phương án đưa cán bộ, nhân viên đi huấn luyện trong nước, nước ngoài để bảo đảm đủ trình độ thực hiện nhiệm vụ hiện đại hóa không quân”.
Đỗ Thơm – Dương Thu