Có thể nói, “quốc phục Bánh mì” hiện đang là từ khóa hot “gây bão” trên mạng xã hội. Sở dĩ thiết kế lấy ý tường từ bánh mì gây tranh cãi, bởi đây chính là bộ trang phục mà Hoa hậu H’hen Niê sẽ mang tới đấu trường nhan sắc Miss Universe 2018 - Hoa hậu Hoàn vũ 2018 để tham gia phần thi Trang phục dân tộc. Bên cạnh những lời khen ngợi sự phá cách độc lạ, sáng tạo, thì không ít ý kiến phản đối rằng, việc chọn trang phục với chủ đề Bánh mì đại diện cho văn hóa ẩm thực Việt Nam là không hợp lý, không hề mang bản sắc riêng của dân tộc.
Trước câu chuyện đang gây tranh cãi, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với NTK Phạm Phước Điền – “chủ nhân” của thiết kế váy Bánh mì để tìm hiểu rõ hơn.
Chào NTK Phạm Phước Điền! Duyên cơ nào đưa anh trở thành NTK trang phục cho Hoa hậu H’Hen Niê tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018?
Thật ra, tôi đã theo dõi cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ từ năm 2002, thời điểm mà Việt Nam vẫn chưa có đại diện hoặc không thường niên như bây giờ. Khi đó, tôi vẫn còn nhỏ nên chỉ ấn tượng với những nàng Hoa hậu xinh đẹp đến từ khắp nơi trên thế giới diện những bộ trang phục lạ mắt, lộng lẫy trình diễn trên sân khấu.
Cũng từ đây, tôi nuôi hy vọng một ngày nào đó, sẽ có một Hoa hậu Việt Nam sẽ mặc trang phục do mình thiết kế trình diễn tại một đấu trường nhan sắc quốc tế. Và giờ đây, ước mơ đó đã trở thành hiện thực! “Bánh mì” đã được BTC Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2018 lựa chọn làm bạn đồng hành cùng H’Hen Niê tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018. Đến bây giờ, tôi vẫn nghĩ đó như một giấc mơ.
Trong quá trình làm việc chung, anh cảm nhận thế nào về Hoa hậu H’Hen Niê?
Trong quá trình làm việc chung với Hoa hậu H’Hen Niê, tôi cảm nhận được đó là một cô gái cực kỳ thân thiện, gần gũi, và nói chuyện rất hòa đồng. Bản thân tôi hơi nhát người lạ, nhưng khi trò chuyện và làm việc với H’Hen, tôi rất thoải mái và không bị khó xử.
Đặc biệt, H’Hen sở hữu một vẻ đẹp lạ, với làn da nâu khỏe khoắn chuẩn quốc tế yêu thích, cùng mái tóc tóc tém cá tính và lối trình diễn vô cùng cuốn hút. Tôi nghĩ, H’Hen là một trong số ít những Hoa hậu của Việt Nam sở hữu vẻ đẹp ấn tượng thế này.
Sau nhiều vòng tuyển chọn, thiết kế Bánh mì của NTK Phước Điền đã vượt qua nhiều đối thủ “nặng ký” để trở thành quốc phục của Hoa hậu H’Hen Niê tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018. Cảm xúc của anh thế nào?
Giây phút thiết kế Bánh mì được công bố trở thành quốc phục mà Hoa hậu H’Hen sẽ mang tới Hoa hậu Hoàn vũ 2018, tôi đã bị đứng hình, rồi vỡ òa vì quá bất ngờ và hạnh phúc. Thật sự, không có lời nào diễn tả hết được cảm xúc của tôi lúc ấy.
Bởi trước đó, khi Bánh mì được lọt vào Top 6, nhất là với một người không có nhiều kỹ năng may vá, lại sở hữu một ý tưởng lạ, thì tôi đặt mục tiêu Top 6 là quá giỏi rồi. Nhưng thật bất ngờ, nhờ bình chọn của khán giả mà Bánh mì đã được vào Top 3 và giành chiến thắng. Thật sự, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Thành quả này không chỉ giúp gia đình tôi cảm thấy tự hào, mà phần nào đó để công chúng có cái nhìn mới mẻ đối với định kiến về “quốc phục”.
Tại sao anh lại lựa chọn bánh mì để thiết kế, mà không phải là một chi tiết, biểu tượng nào khác?
Tôi chọn bánh mì làm ý tưởng thiết kế, đơn giản vì bánh mì ở Việt Nam là món ăn thông thường, ngày nào cũng có người ăn. Bánh mì quen thuộc tới mức nhiều người không còn nghĩ nó là món ăn quan trọng. Tuy nhiên, quốc tế họ lại nghĩ khác! Bánh mì được cho vào từ điển tiếng Anh với từ “banh mi” và giải thích rõ đây là một món ăn Việt Nam. Thêm nữa, bánh mì là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới.
Lâu nay, khán giả quốc tế đã quá quen với một Hoa hậu Việt Nam diện áo dài. Vậy, sẽ ra sao nếu họ bất ngờ thấy một Hoa hậu Việt Nam diện một trang phục trước giờ họ chưa bao giờ thấy. Có lẽ, họ sẽ phải tìm hiểu đó là gì, tại sao cô ấy lại mặc nó, nó có ngon không mà sao cô ấy lại muốn giới thiệu. Đây cũng là một điểm nhấn có thể thu hút du lịch, cũng như quảng bá ẩm thực gây chú ý, khiến công chúng quốc tế tò mò về món bánh mì Việt Nam.
Nhiều ý người cho rằng, bánh mì không phải là món ăn truyền thống của Việt Nam, thế nên, việc lấy ý tưởng này quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam là không hợp lý, khiên cưỡng?
Trước khi lên ý tưởng, tôi cũng đã dành thời gian đọc lại tài liệu lịch sử về món ăn này. Đồng ý rằng bánh mì Việt Nam bắt nguồn từ một loại bánh mì của Pháp. Tuy nhiên, sau đó người Việt đã cải biên mới hoàn toàn, và bánh mì được làm hoàn toàn từ nguyên liệu riêng của chúng ta, và đã có lịch sử hơn 150 năm rồi. Điều này đồng nghĩa với việc, có thể coi bánh mì là món ăn truyền thống của người Việt Nam. Thậm chí, từng có cả người Pháp, Mỹ, Úc và Canada đến Việt Nam mua lại công thức chế biến món bánh mì thịt của Việt Nam để về kinh doanh ở nước họ.
Vậy tại sao chúng ta không tự hào về điều này. Còn nhớ, năm 2012, The Guardian - một tờ báo nổi tiếng của Anh đã bình chọn bánh mì Việt Nam là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới. Vậy bạn có nghĩ, mình quá khiên cưỡng khi chọn bánh mì làm ý tưởng cho bộ quốc phục không?
Trước những bình luận cho rằng, bộ quốc phục Bánh mì không thực tế, và kém sang, bản thân người sáng tạo ra thiết kế này, anh có buồn, chạnh lòng?
Thật ra, tôi không hề buồn, hay chạnh lòng, ngược lại, tôi cảm thấy rất thú vị. Đơn giản, vì không một ai trên đời có thể làm hài lòng được hết cả một tập thể. Tôi cho rằng, nhiều người vẫn đang lẫn lộn giữa quốc phục và trang phục dân tộc. Trong đó, quốc phục là một trang phục mang tinh thần giải trí cao, độc đáo, mới lạ, nhưng vẫn chứa đựng tinh thần văn hóa riêng của quốc gia. Còn trang phục dân tộc là những thiết kế mang tính chất văn hóa quốc gia, thuần chất dân tộc như áo dài Việt Nam. Có lẽ vì tên gọi quốc phục, mà công chúng lầm tưởng, mặc định đó phải là áo dài.
Nhưng, với xu hướng quốc phục của các cuộc thi quốc tế bây giờ, nếu năm nào cũng mặc cùng một kiểu thiết kế, thì sẽ bị đánh giá là hạn hẹp ý tưởng và không được đánh giá cao. Vậy nên, những cái mới dù công chúng Việt Nam khó chấp nhận, nhưng quốc tế lại thích thú.
Cũng có người nhận xét, thiết kế Bánh mì chưa đạt tới mức được gọi là quốc phục, mà chỉ là trang phục cách tân. Quan điểm của anh thế nào?
Như tôi đã trả lời ở trên, quốc phục không phải là trang phục dân tộc. Ở Quốc phục, nó đòi hỏi một sự phá cách nhất định, nhưng phải độc đáo, lạ mắt, thậm chí có chút kỳ quái và lạ lẫm. Hãy điểm qua: Năm 2015, một chiếc xe Tuktuk cũng thành quốc phục của Thái Lan; Hay một chiếc xe đua cũng thành quốc phục của Mỹ năm 2013; Thậm chí, chỉ một bông hoa dại cũng thành quốc phục của Nam Phi năm 2017…Vậy tại sao chúng ta không học hỏi theo họ, làm mới, làm khác đi.
Nếu mọi người chọn đi theo một vòng luẩn quẩn, thì cá nhân tôi lại thích đi thẳng. Đơn giản, tôi đang hướng đúng đến tiêu chí mà quốc tế cần thấy ở Việt Nam tại một cuộc thi sắc đẹp đẳng cấp.
Cảm ơn những chia sẻ của NTK Phước Điền!