Bỏ quy định phụ nữ con nhỏ nghỉ 60 phút/ngày khó được chấp nhận

Bỏ quy định phụ nữ con nhỏ nghỉ 60 phút/ngày khó được chấp nhận

Dương Thị Thu

Dương Thị Thu

Thứ 5, 12/01/2017 10:38

ĐB Lê Thị Nguyệt lên tiếng phản đối đề xuất bỏ quy định phụ nữ nuôi con nhỏ được nghỉ 60 phút/ngày: “Nếu ban soạn thảo trình, chắc chắn sẽ bị phản đối”.

Dư luận xã hội đang phản ứng rất mạnh mẽ trước đề xuất bỏ quy định lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng được nghỉ 60 phút mỗi ngày trong dự thảo luật Lao động (sửa đổi).

Trả lời báo chí, ông Hà Đình Bốn, Vụ trưởng Pháp chế, bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho hay, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng đề xuất bỏ quy định “Lao động nữ trong kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút, nuôi con dưới một tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động” (Điều 155).

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn ĐBQH Lê Thị Nguyệt, Phó Chủ nhiệm ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

Xã hội - Bỏ quy định phụ nữ con nhỏ nghỉ 60 phút/ngày khó được chấp nhận

 ĐBQH Lê Thị Nguyệt.

Trước hết, xin được hỏi bà có suy nghĩ như thế nào trước đề xuất bỏ quy định lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng được nghỉ 60 phút/ngày?

Tôi cũng là người tham gia từ lúc sửa đổi luật Lao động và thấy rằng, nội dung quy định này là một trong những điều hết sức tiến bộ. Không những thế, quy định này còn liên quan đến vấn đề sinh lý của người phụ nữ, quyền lợi của người phụ nữ sau sinh.

Mặc dù đây mới là giai đoạn lấy ý kiến và chưa đưa vào dự thảo trình Quốc hội, nhưng tôi nghĩ, ban soạn thảo cần tranh thủ thêm ý kiến của những người phụ nữ - là đối tượng thụ hưởng trực tiếp trong điều luật này cũng như các cơ quan nghiên cứu khoa học.

Cần khẳng định, điều luật này ra đời là một sự tiến bộ và là kết quả của quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng. Một người phụ nữ đang thời kỳ nuôi con nhỏ dưới một năm có nhiều vấn đề cần được thông cảm và chia sẻ. Họ bị ảnh hưởng rất lớn đến vấn đề sức khỏe và cần được nghỉ ngơi. Ngay cả phụ nữ trong thời gian có kinh nguyệt cũng cần thời gian nghỉ ngơi và vệ sinh cá nhân. Đó là những quy định đã được nghiên cứu một cách khoa học, vậy vì sao bây giờ lại đề xuất bỏ đi?

Tôi nghĩ rằng không nên đề xuất những điều khiến dư luận bất bình và đặc biệt là ảnh hưởng đến quyền lợi người phụ nữ. Hơn nữa, phụ nữ còn là người sản sinh ra lực lượng lao động. Vấn đề sức khỏe với họ là rất quan trọng.

Phía doanh nghiệp có đưa ra những lý do như: kế hoạch sản xuất bị ảnh hưởng, năng suất lao động kém đi... Nhưng nếu không có lao động thì doanh nghiệp cũng không thể tồn tại, nhất là lực lượng lao động nữ ở các doanh nghiệp dệt may, da giày?

Thực tiễn sản xuất của các doanh nghiệp có liên quan đến ca kíp làm việc thì đương nhiên sẽ chịu ảnh hưởng nhất định. Nhưng doanh nghiệp phải có sự sắp xếp tính toán cho phù hợp. Đây là vấn đề xây dựng kế hoạch, sắp xếp nhân sự của từng doanh nghiệp. Không thể lấy lý do ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh mà đề xuất một điều bất lợi cho lao động nữ.

Bản thân các doanh nghiệp khi sử dụng lao động nữ thì ngay từ đầu đã phải xây dựng kế hoạch mang tầm chiến lược và tính toán đến những điều này.

Là một phụ nữ, một lao động nữ cũng từng trải qua thời kỳ nuôi con nhỏ, bà thấy nếu bỏ quy định này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lao động nữ?

Khi nuôi con nhỏ, một phụ nữ sẽ bận rộn hơn rất nhiều so với một người bình thường không nuôi con. Bởi họ phải lo cho con ăn, sắp xếp các sinh hoạt phù hợp trước khi bước đến cơ quan, doanh nghiệp làm việc. Như thế là đã mất một khoảng thời gian không hề nhỏ.

Sự vất vả của phụ nữ nuôi con nhỏ thì bất cứ ai từng trải qua thời kỳ làm mẹ đều dễ dàng hiểu: vừa mất ngủ đêm, vừa không có thời gian chăm lo cho bản thân mình, vừa phải đảm bảo công việc vì cuộc sống mưu sinh... chưa nói đến chuyện con ốm, con đau. Đó là sự vất vả khó có thể cân đo đong đếm bằng một phép tính cụ thể.

Thêm vào nữa, họ chịu những áp lực nhất định từ thời kỳ nuôi con. Bởi đó là tâm lý chung của người mẹ, xa con là thương và rất lo lắng cho con.

Do vậy, cần có cái nhìn chia sẻ, bao quát trên cơ sở những khó khăn, vất vả của lao động nữ thời kỳ nuôi con nhỏ. Để hoàn thành công việc như một người bình thường, họ phải cố gắng hơn người bình thường rất nhiều. Đó là điều đáng được ghi nhận.

Bởi thế, dù mới là đề xuất trong giai đoạn lấy ý kiến nhưng tôi tin rằng, đề xuất này sẽ không nhận được sự ủng hộ của số đông mọi người. Chưa nói đến phụ nữ, kể cả những người nam giới cũng sẽ nhìn thấy đề xuất này là thiếu căn cứ, cơ sở khoa học cũng như thực tiễn, là vô lý.

Đề xuất đưa ra nếu không tính toán kỹ, thiếu căn cứ sẽ gây phản cảm, bức xúc dư luận. Bà có cho rằng, ngay cả là đề xuất cũng cần phải được xem xét kỹ lưỡng trước khi đưa ra lấy ý kiến?

Đúng là như vậy. Mỗi đề xuất cần được nghiên cứu trên cơ sở các căn cứ khoa học, thực tiễn, lấy ý kiến rộng rãi, có sự tư vấn, thông qua các cuộc hội thảo, tọa đàm để khi đề xuất vừa hợp tình, vừa hợp lý, không khiến dư luận phản ứng dữ dội.

Tôi nghĩ không chỉ vấn đề này mà còn nhiều vấn đề khác nữa, đề xuất cần xuất phát từ thực tiễn để luật ra đời có thể đi vào cuộc sống. Mỗi chính sách xem xét sửa đổi phải có sự tiến bộ hơn, không thụt lùi, có tính bền vững. Đó là mong muốn chung trên hết của những người làm luật.

Đây cũng chính là uy tín của các cơ quan hữu quan khi một bộ luật ra đời nên phải làm thận trọng từ những bước đầu tiên, tránh tình trạng luật ban hành khó hướng dẫn, khó thực hiện rồi lại phải xem xét sửa đổi sớm.

Do đó, tôi mong rằng, mọi đề xuất phải có sự tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng.

Trân trọng cảm ơn bà đã trả lời phỏng vấn!

Dương Thu (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.