Chính vì thế, cần có những quy định “mềm” bổ trợ quy định “cứng”, kết hợp nhiều giải pháp, nguồn lực để nâng cao hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trên MXH, hạn chế những kẽ hở từ “cuộc sống ảo”.
Thực tế cho thấy nhiều trường hợp, MXH có tác động rất lớn trong việc tạo dựng, định hướng và dẫn dắt dư luận xã hội, đặc biệt tại một số thời điểm nhạy cảm trong một số vụ việc mất an ninh trật tự.
Thực hiện Nghị quyết số 55/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội khoá XIV, bộ TT&TT đã tiến hành xây dựng dự thảo: “Bộ quy tắc ứng xử cho các nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng MXH, hướng tới xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn tại Việt Nam”.
Cần quy định “mềm” bổ trợ quy định “cứng”
Trao đổi với PV Người Đưa Tin về mức độ cấp thiết và cơ sở nền tảng hình thành bộ quy tắc ứng xử trên MXH, Phó Viện trưởng viện Chiến lược TT&TT Đỗ Quý Vũ khẳng định: “Có thể thấy, MXH hiện nay đang ngày càng trở nên giống và gần với đời sống thật. Thậm chí, các ảnh hưởng tiêu cực trên MXH còn dễ lan truyền hơn cả đời sống thật.
Mục tiêu của bộ quy tắc là để “tạo ra môi trường mạng lành mạnh và an toàn tại Việt Nam; thực hiện đúng chức năng và mong muốn ban đầu là nơi để phát huy những giá trị tích cực, tốt đẹp; chia sẻ và kết nối mọi người lại với nhau để cùng tạo nên sự phát triển bền vững; bảo vệ hiệu quả tài nguyên số; hạn chế tối đa tác động tiêu cực, ngăn ngừa sự lan truyền các thông tin xấu, độc”.
Ông Vũ cũng chỉ ra: “Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế tại nhiều quốc gia, kể cả ở cấp Nhà nước hay ở phạm vi nội bộ trong một tổ chức, chúng ta có thể nhận thấy, việc ban hành một bộ quy tắc ứng xử trên MXH, với nội dung cốt lõi là những chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên MXH là rất cần thiết trong tình hình hiện nay”.
Phó Viện trưởng viện Chiến lược TT&TT khẳng định chế tài xử lý sai phạm là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo ông, bộ quy tắc này là bộ quy tắc khung, chỉ mang tính chỉ dụ, hướng dẫn. Các cơ quan, ban ngành sẽ căn cứ vào bộ quy tắc khung này đưa ra bộ quy tắc sử dụng MXH nội bộ của mình để áp dụng. Bên cạnh đó cần có chế tài cụ thể nếu các cơ quan, ban ngành đó thấy cần thiết dựa trên các quy định hiện hành của pháp luật.
Ông Vũ cũng phân tích: “Thực tế cho thấy, dù có đầy đủ các quy định mang tính chế tài, cũng không thể loại trừ hoàn toàn những thông tin xấu, độc trên MXH. Mặt trái của mọi vấn đề nói chung, của MXH nói riêng luôn tồn tại và không thể xoá bỏ mà chỉ hạn chế nó. Vì thế, bên cạnh những quy định “cứng” của pháp luật, cần phải có các quy định “mềm”, để bổ sung cho các khung pháp lý chính thức của Nhà nước”.
Theo ông Vũ, đó có thể là những chuẩn mực về đạo đức, về ứng xử,... để khuyến khích, thúc đẩy những giá trị tốt đẹp của con người nói chung và trong cộng đồng mạng nói riêng; hay những hướng dẫn để mọi cá nhân, tổ chức tham gia MXH ứng xử một cách tôn trọng nhau hơn.
Kết hợp nhiều giải pháp, nhiều nguồn lực
Trước vấn đề đặt ra, làm thế nào để bộ quy tắc đi “sâu”, đi “sát” và hiệu quả trong cuộc sống, PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang, Trưởng khoa Phát thanh - Truyền hình (học viện Báo chí & Tuyên truyền) khẳng định: “Việc cần thiết phải ban hành bộ quy tắc trên là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên làm thế nào để bộ quy tắc đi vào cuộc sống, để không bị lãng quên như không ít bộ quy tắc khác là điều cần bàn tới”.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang đề xuất một số giải pháp để tăng tính hiệu quả, khả thi của bộ quy tắc như sau: “Nâng cao nhận thức của người dân về MXH và bộ tắc trên MXH, tăng cường công tác truyền thông, phổ biến bộ quy tắc; khuyến khích các cơ quan báo chí, các tổ chức trong cả nước xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên MXH phù hợp riêng; tăng sự ràng buộc và cơ chế giám sát của bộ quy tắc; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, công chúng đối với việc tuân thủ bộ quy tắc của cán bộ, công chức, viên chức, Đảng viên”.
Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh thêm: “Trên thực tế, sẽ không có một giải pháp nào khả thi nếu đứng độc lập, vì vậy để bộ quy tắc ứng xử trên mạng thực sự đi vào đời sống và phát huy hiệu quả thì cần có sự kết hợp của nhiều giải pháp, nhiều nguồn lực”.
Theo ông Đỗ Quý Vũ, để có thể phát huy hiệu quả, bộ quy tắc cần phân chia rõ ràng với từng đối tượng cụ thể. Các đối tượng được áp dụng bao gồm: Nhà cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ (là người dân; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Nhà nước; các tổ chức, doanh nghiệp không phải Nhà nước; các cơ quan, tổ chức Nhà nước).
Bộ quy tắc bao gồm các quy tắc chung áp dụng cho tất cả các đối tượng (tôn trọng, trách nhiệm, lành mạnh, an toàn) và các quy tắc cụ thể áp dụng cho từng đối tượng cụ thể với 4 cơ chế thực hiện: Nên/không nên, phải/không phải.
Cẩm Mịch