Mỹ lại giáng đòn đau
Mối quan hệ giữa Ankara và Washington trở nên ảm đạm hơn vào tuần trước, khi Mỹ thực hiện các bước mới trong việc trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển chiến đấu cơ tàng hình F-35.
Vào tháng 2, Thổ Nhĩ Kỳ đã chi 750.000 USD cho một công ty tại Washington để vận động hành lang tiếp tục tham gia chương trình, nhưng mọi nỗ lực đã trở thành công cốc.
F-35 được coi là máy bay chiến đấu chủ lực của các nước NATO trong 40 đến 50 năm tới, nhưng một thành viên như Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có không phận lớn nhất trong số các đồng minh sau Canada và Mỹ - sẽ không được phép mua máy bay tiên tiến nhất mà họ cũng góp mặt phát triển. Đây là một tình thế trái ngang.
Trong cuộc khủng hoảng Trung Đông, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị mua Patriot từ đồng minh NATO nhưng không nhận được hồi đáp. Nếu không tìm được giải pháp thay thế đáng tin cậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở nên dễ bị tổn thương. Điều này thúc đẩy Ankara đảm bảo năng lực phòng không bằng hệ thống từ các nguồn bên ngoài NATO. Từ đó, Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến hệ thống phòng không S-400 của Nga.
Sau vài năm, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Mua S-400 bị loại khỏi chương trình F-35. Nhưng nếu từ bỏ S-400 để trở về với F-35, nước này sẽ chỉ bảo đảm khả năng tấn công nhưng không có một lá chắn đích thực.
Washington nhiều lần cảnh báo Ankara không nên tiến hành thương vụ mua S-400 và vạch ra các hình phạt sẽ được áp dụng. Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã làm ngơ những cảnh báo này và tiếp tục mua hai hệ thống từ Nga. Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đây là cơ hội vàng để gieo rắc thêm mối bất hòa giữa Ankara và đồng minh.
Lý do ông Erdogan mạo hiểm như vậy với Washington vẫn còn là một bí ẩn. National Interest đưa ra hai cách giải thích. Đầu tiên, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng người Mỹ cuối cùng sẽ nhượng bộ, điều họ thường thể hiện trong hầu hết các trường hợp bất hòa giữa hai bên. Theo đánh giá truyền thống của Washington, Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội lớn thứ hai NATO và có vị trí địa chiến lược giá trị lớn đến nỗi không thể bỏ qua.
Lời giải thích khác liên quan đến việc Erdogan cố tình chọc tức Mỹ, đặc biệt là sau vụ đảo chính thất bại vào tháng 7/2016 mà ông đổ lỗi cho Washington. Do đó, thỏa thuận với Moscow là một động thái thể hiện sự không hài lòng với người Mỹ.
Giải pháp để ngỏ
Về mâu thuẫn S-400 và F-35, Arab News dẫn lời chuyên gia Henri J. Barkey cho rằng, cách thoát khỏi tình huống khó xử là chuyển giao S-400 đến căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Qatar. Mỹ có thể cởi mở với ý tưởng này nhưng không rõ Nga có cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện bước đi như vậy hay không.
Đề xuất khác kêu gọi nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cất S-400 vào kho vũ khí nhằm giảm nhiệt căng thẳng cho đến khi cả hai tìm được một giải pháp. Nhưng theo quan điểm của Tổng thống Erdogan, việc tiêu tốn 2,5 tỷ USD cho hệ thống phòng không sau đó lại mang đi cất giữ đã làm tổn hại đến hình ảnh của một nhà lãnh đạo có ý chí mạnh mẽ, người không chấp nhận sự chỉ trích hay thách thức từ bất kỳ ai.
Vẫn còn một giải pháp khả thi khác được cho là có thể phân tán tình hình. Thổ Nhĩ Kỳ có hai căn cứ quân sự ở Qatar. Điều gì sẽ xảy ra nếu S-400 được chuyển đến đó?
Người Thổ Nhĩ Kỳ có thể giải thích với Nga rằng đây là lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ, do đó quyền kiểm soát và hoạt động của S-400 sẽ vẫn thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, có những trở ngại khác đối với việc triển khai như vậy vì UAE và Saudi Arabia có thể phản đối sự hiện diện của vũ khí tối tân cận kề lãnh thổ.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan dự kiến gặp người đồng cấp Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh NATO vào ngày 14/6. Danh sách các vấn đề tồn đọng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ còn dài, nhưng vấn đề Ankara mua hệ thống S-400 và bị trục xuất khỏi dự án F-35 gần như chắc chắn sẽ được nêu ra vì đây là mối quan tâm hàng đầu của cả hai nước.
Các giải pháp vẫn còn để ngỏ, chỉ có điều chắc chắn là trong bầu không khí hỗn loạn này, cuộc gặp Biden-Erdogan sẽ không phải là một cuộc thảo luận thân mật.