Dự thảo luật Cư trú (sửa đổi) gồm 7 chương, 43 điều (tăng một chương III - Nơi cư trú) và tăng một điều so với luật Cư trú hiện hành, trong đó, bổ sung 12 điều, bỏ 8 điều, chỉnh lý 24 điều; trong đó có 2 nhóm chính sách gồm: Nhóm chính sách về bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú; Nhóm chính sách về quy định về trình tự, thủ tục đăng ký cư trú theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án luật Cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc xây dựng luật nhằm bảo đảm phù hợp với quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý cư trú và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư.
Đồng thời, việc sửa đổi, ban hành dự án luật cũng nhằm khắc phục một số bất cập trong pháp luật hiện hành, hoàn thiện hệ thống pháp luật về cư trú phù hợp chủ trương cải cách hành chính và tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và xu thế hội nhập quốc tế hiện nay. Trong đó có một số quy định mới được ban hành có liên quan đến đơn giản hóa, hiện đại hóa; hoàn thiện công tác bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân.
Một trong những nội dung cơ bản của dự luật là bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú. Theo đó, dự thảo luật thay thế việc quản lý cư trú (thường trú, tạm trú) từ sổ giấy sang quản lý bằng công nghệ thông tin nhờ sử dụng mã số định danh cá nhân để truy cập, cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chạy trên internet.
Thông tin về nơi thường trú, nơi tạm trú của mỗi công dân đều là trường thông tin dữ liệu số được cập nhật, điều chỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú.
Theo người đứng đầu bộ Công an, việc này sẽ dẫn đến việc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ 13 nhóm thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký, quản lý thường trú, tạm trú của công dân gồm 7 nhóm thủ tục bị bãi bỏ toàn bộ và 6 nhóm sửa đổi bổ sung.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhất trí với việc đổi mới phương thức quản lý cư trú của công dân thông qua số định danh cá nhân. Uỷ ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để khắc phục khó khăn, bảo đảm hoàn thành việc cấp số định danh cá nhân cho gần 80 triệu công dân còn lại theo đúng tiến độ đề ra.
Liên quan đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ông Tùng cho hay, đến nay vẫn đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, đã phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và chậm về tiến độ so với yêu cầu. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, nhất là bảo đảm việc bố trí đủ vốn cho dự án.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị cần xem xét, có giải pháp phù hợp giải quyết thủ tục hành chính để không gây xáo trộn, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, nhiều giao dịch dân sự hiện nay như mua bán điện, nước, đăng ký dịch vụ điện thoại... đều liên quan đến sổ hộ khẩu nên khi không còn sổ hộ khẩu dễ phát sinh thêm thủ tục, gây phiền hà và tăng thêm chi phí, thời gian. Do đó, Ủy ban Pháp luật đề nghị làm rõ và quy định ngay trong luật trách nhiệm cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.
N.Giang