Ngày 23/7, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình làm việc, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị của Chính phủ về việc bổ sung dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra Đề nghị của Chính phủ về bổ sung dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, tại phiên họp đã có 7 ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ đã tiếp thu, giải trình làm rõ, thể hiện sự quyết tâm xây dựng các dự án luật của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, dự án Luật Dữ liệu và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đều cần thiết, cấp bách để xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trong đó: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại một Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024); Dự án Luật Dữ liệu trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Về dự kiến cơ quan thẩm tra đối với 2 Luật nêu trên là Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội; Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội tham gia phối hợp thẩm tra các dự án Luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, cùng với việc biểu quyết thông qua Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ thông qua Thông báo kết luận về nội dung này.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương bổ sung và hoàn thiện đầy đủ các thủ tục, quy trình cần thiết theo quy định; đảm bảo yêu cầu về chất lượng, tiến độ đối với các Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội. Cụ thể:
Đối với Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam lưu ý, Ban cán sự Đảng Chính phủ trình xin ý kiến Bộ Chính trị về tổ chức, chế độ, chính sách đối với lực lượng vũ trang theo đúng quy định của Đảng; tiếp thu ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến việc bổ sung quy định về trần quân hàm;..
Đồng thời, Chính phủ cần khẩn trương hoàn chỉnh Tờ trình và toàn bộ Hồ sơ của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó đã có ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị để trình Quốc hội vào ngày 5/8 tới đây.
Sau đó, Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan để tổ chức thẩm tra và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp dự kiến vào ngày 13/8.
Ngay sau phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội cùng với Ban soạn thảo tiếp tục hoàn chỉnh Hồ sơ để báo cáo tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách dự kiến tổ chức trong tháng 8/2024.
Sau hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, nếu còn vấn đề gì, các cơ quan tiếp tục phối hợp hoàn chỉnh và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tháng 9 để kịp trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đối với dự án Luật Dữ liệu, ban soạn thảo cần nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật, quy định rành mạch hơn, rõ ràng hơn về các chính sách; tiến hành rà soát các luật có liên quan, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, với tỉ lệ 100% Uỷ viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết Điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành để các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện.