Theo đúng Nghị định 49, kể từ ngày hôm nay (24/4), các nhà mạng sẽ phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước về tính xác thực của thông tin thuê bao. Tuy nhiên, những ngày qua, theo ghi nhận của PV tại các điểm giao dịch của nhà mạng, lượng khách hàng đến bổ sung thông tin thuê bao, ảnh chân dung đông đúc, quá tải.
Từ thực tế đó, cả ba nhà mạng VinaPhone, Mobifone và Viettel ra thông báo tạm lùi thời hạn khoá thuê bao chưa bổ sung đủ thông tin và ảnh chính chủ sang sau ngày 24/4.
Tuy nhiên, việc lùi thời hạn này cũng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi, vậy việc triển khai Nghị định mà không đúng tiến độ lỗi do đâu? Chậm tiến độ sẽ bị xử lý như thế nào? Bởi cũng có ý kiến cho rằng, việc dẫn đến quá tải là lỗi của doanh nghiệp, nhà mạng chứ không thể đổ dồn hết lên đầu người dân?
Trước những thắc mắc này, trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Ths.Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: “Nếu không kịp triển khai do lỗi khách quan thì sẽ không bị xử phạt vi phạm hành chính. Theo tôi, đây là quy định mới nhằm quản lý các thuê bao di động”.
Thêm vào đó, theo Ths.Luật sư Đặng Văn Cường phân tích: “Số lượng người sử dụng thuê bao di động quá lớn, trải dài khắp cả nước. Trong khi đó, việc tuyên truyền cho khách hàng trong việc thực hiện thủ tục cung cấp thông tin cá nhân chưa kịp thời, dẫn đến nhiều người chưa kịp thực hiện cập nhật thông tin, hình ảnh.
Vì vậy, theo ý kiến cá nhân tôi cần lùi thời hạn cập nhật thông tin, hình ảnh và đa dạng hình thức bổ sung để tránh phiền hà cho người dùng”.
Cũng theo Ths.Luật sư Đặng Văn Cường, hiện chưa có văn bản quy định cụ thể xử phạt về việc chụp ảnh cho thuê bao di động. Tuy nhiên, chỉ cần khoá thuê bao là cả nhà mạng và người dùng đều thiệt hại.
Nói về trách nhiệm, lỗi chậm trong việc triển khai, bổ sung thông tin, ảnh chân dung cho thuê bao di động thuộc về ai, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Chậm bổ sung là do lỗi của người dùng và của cả nhà mạng. Bởi, quy định này đã có từ lâu nhưng cả khách hàng và nhà mạng đều thờ ơ đến phút chót. Nhà mạng không nhắc nhở, thúc giục khách hàng sớm hơn dẫn đến quá tải ở những ngày cuối”.
Cũng trao đổi thêm với PV báo Người Đưa Tin, Luật sư Phạm Văn Phất (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: “Việc khách hàng không đăng ký, bổ sung thông tin thuê bao kịp theo ngày quy định không thể kết luận được đấy là do lỗi của chủ thuê bao, nên không thể áp dụng chế tài cắt thuê bao hoặc khóa thuê bao một chiều.
Còn phân tích trách nhiệm của nhà mạng, nếu quá ngày đăng ký bổ sung, sau đó áp dụng cắt cuộc gọi một chiều của thuê bao luôn, khi đó mới phát sinh trách nhiệm lỗi chậm là do nhà mạng chứ không phải do chủ thuê bao. Còn bây giờ, họ chưa khóa thuê bao.
Việc lùi thời hạn bổ sung thông tin, ảnh chân dung cũng mang tính chất ước lệ. Bởi, khi đưa ra thời hạn có nghĩa là đã đè nặng trách nhiệm cho chủ thuê bao, cho nhà mạng buộc phải thực hiện. Nhưng do không thể làm kịp, nên cũng không thể áp dụng chế tài khóa 1 chiều thuê bao, chặn thuê bao. Vì thế, việc dãn thời gian do tổ chức, doanh nghiệp đó tự đưa ra và sẽ phải đề xuất với Nhà nước là chưa thể thực hiện được việc chặn thuê bao hoặc xóa thuê bao đó”.
Khoản 8 Điều 1 Nghị định 49 quy định Doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm:
e, Đối với thuê bao di động có thông tin thuê bao không đúng quy định, phải thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện lại việc giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại khoản 3, khoản 4, khoản 6, khoản 7 Điều này.
Trường hợp cá nhân, tổ chức không thực hiện theo yêu cầu, tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều sau 15 ngày kể từ ngày đầu tiên gửi thông báo đồng thời thông báo thuê bao sẽ bị tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày tiếp theo nếu không thực hiện.
Tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều sau 15 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông một chiều đồng thời thông báo thuê bao sẽ được thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày tiếp theo nếu không thực hiện. Thanh lý hợp đồng, chấm dứt cung cấp dịch vụ viễn thông sau 30 ngày kể từ ngày tạm dừng cung cấp dịch vụ viễn thông hai chiều nếu cá nhân, tổ chức không thực hiện.
Vì thế, chiểu theo điểm e, khoản 8 thì nếu chủ thuê bao chứng minh thuê bao mình đang dùng không nhận được “thông báo liên tục trong ít nhất 5 ngày, mỗi ngày ít nhất một lần”, thì nhà mạng sẽ không có quyền cắt, hoặc tạm dừng dịch vụ.