Sáng 25/10, QH thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS).
Về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 BLTTHS liên quan đến thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Theo Tờ trình, VKSNDTC đề nghị sửa đổi Khoản 3 Điều 146 BLTTHS, bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho Công an xã (như đối với Công an phường, thị trấn, đồn công an), cụ thể: “Công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền” .
Góp ý về nội dung này, ĐBQH Nguyễn Tiến Nam (Đoàn Quảng Bình) cho rằng việc sửa đổi này là cần thiết phù hợp với tổ chức bộ máy của lực lượng CAND và yêu cầu thực tiễn.
Theo Đại biểu Nam, Luật CAND 2018 quy định, công an xã là một cấp công an trong hệ thống tổ chức bộ máy của CAND có vị trí vai trò rất quan trọng trong thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về ANTT, đấu tranh phòng chống tội phạm.
“Đây là lực lượng thường trực gần dân nhất để nắm, tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm từ nhân dân, luôn có mặt nhanh, kịp thời nhất khi có vụ việc liên quan đến ANTT tại cơ sở, kịp thời phòng ngừa ngăn chặn tội phạm, hậu quả của tội phạm, tiến hành các hoạt động theo thẩm quyền để bảo vệ hiện trường, tài liệu vật chứng”, đại biểu Nam nhấn mạnh.
Hiện nay, 100% xã đã được bố trí công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã, trong đó trên 50% có trình độ đại học công an, gần 20% từng công tác tại các đội điều tra công an huyện… Như vậy, nguồn nhân lực của công an xã rất lớn đủ khả năng đáp ứng nhiệm vụ của công an xã trong tiếp nhận giải quyết tố giác tin báo tội phạm tương đương như công an phường thị trấn.
Đại biểu Nam bày tỏ, thực tế cho thấy, dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, song lực lượng công an xã đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm trong bảo đảm an ninh trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật ở cơ sở được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận đánh giá cao. Vì vậy, việc bổ sung nhiệm vụ này cho công an xã là rất cần thiết đúng đắn và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng giao nhiệm vụ này cho công an xã.
Đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cũng cho rằng, hiện nay, lực lượng công an xã đã được tổ chức chính quy 100% trên nhiều địa bàn của Lâm Đồng, thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quyền hạn tại Điều 1 Luật CAND trong đó có các quy định chung về tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm. Do vậy, việc bổ sung trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã tương đương với công an phường không mâu thuẫn với Luật CAND và Pháp lệnh công an xã trước đây.
Giải trình làm rõ về nội dung trên, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho rằng, dịch Covid-19 đã tác động đến các hoạt động xã hội nói chung, quá trình xử lý các tình huống liên quan đến tội phạm tại các cơ sở, địa phương nói riêng.
Thời gian qua, Bộ Công an đã tăng cường lực lượng chính quy về công an xã. Về năng lực chuyên môn, công an xã đã đáp ứng được yêu cầu, cần bổ sung để nguồn nhân lực này được phát huy giải quyết tại chỗ các tình huống phát sinh, giảm tải áp lực cho công an huyện đang quá tải. Bên cạnh đó, qua dịch bệnh thiên tai, đời sống xã hội phát sinh nhiều vấn đề nên nếu giải quyết tốt ngay từ cơ sở sẽ góp phẩn đảm bảo ANTT.
Trước băn khoăn của một số đại biểu liên quan đến năng lực của đội ngũ công an xã hiện nay, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tính toán về nhân sự, tái đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất cho công an xã.
Khi công an xã được bổ sung trách nhiệm này, VKS cấp huyện sẽ áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiểm sát chặt chẽ việc điều tra xác minh sơ bộ của công an xã như công an phường đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật.