Cận cảnh những chiếc bình vôi bằng đồng 2.000 năm tuổi
Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, những chiếc bình vôi vẫn còn được bảo toàn gần như nguyên vẹn trong bộ sưu tập của ông Vũ Tá Hùng. Bộ sưu tập những chiếc bình vôi được ông nâng niu, phân loại riêng trong kho đồ của mình.
Có những chiếc bình vôi thời Chu Đậu, qua mấy trăm năm, những dải du lụa hồng đã nổi lên trên bề mặt, mảnh như sợi tơ và trong suốt, màu men sáng, có độ dày và mịn màng khiến người xem thích thú. Cũng có những chiếc bình mới hơn, chỉ một hai trăm năm nhưng trên nắp bình, trên thân còn miêu tả cảnh sinh hoạt vợ chồng. Những chiếc bình vôi làm bằng đất nung, không tráng men, thô mộc nên còn nguyên nét "vụng về" của người xưa. Ông vẫn thường trầm trồ "các cụ ngày xưa tinh lắm và rất có duyên. Chỉ nhìn qua những họa tiết, hình dáng miêu tả chân thực "của quý" của phái mạnh, nghe nói thì thấy thẹn nhưng xem đồ của các cụ thì lại không hề thấy tục chút nào".
Ông Hùng cho biết, cách đây mấy chục năm, khi đang còn "vượng" trong giới đồ cổ, có những chuyến đi về ông mang theo hàng chục cổ vật. Thậm chí chỉ ở Hà Nội thôi, khi người ta đào được những thứ đồ nằm sâu trong lòng đất, nghi là đồ cổ, người ta cũng mang đến để gạ bán cho ông.
Những chiếc bình vôi bằng đồng có niên đại 2.000 năm là dấu tích của một thời kì mẫu hệ.
Nguồn gốc bộ sưu tập bình vôi được ông Hùng lý giải: "Một phần tôi mua được khi nó lưu lạc trong dân gian, truyền tay qua các thế hệ trong các gia đình, một phần khác được tìm thấy trong những ngôi mộ Hán có niên đại cách đây chừng 2.000 năm. Chính vì lẽ đó nên những chiếc bình vôi gần như được bảo toàn nguyên vẹn".
Nhân tiện, ông Hùng đem ra một chiếc tước thời nhà Hán cũng có thời gian tương đương với những chiếc bình vôi, tìm thấy khi bị chôn trực tiếp trong lòng đất thì chiếc tước uống rượu đã gần như mục nát, những chiếc bình vôi thì còn nguyên cả những đường chạm khắc trên thân. Phần vôi bên trong đã khô cong lại, khi cạo đi lớp vôi, phần đồng bên trong vẫn nguyên vẹn dù đã trải qua thời gian hàng ngàn năm.
Dấu vết của thời kì mẫu hệ
Dựa vào khảo sát chất liệu, hình dáng và kĩ thuật thì đây là sản phẩm của đồ đồng cách đây 2.000 năm, cùng thời với những chiếc trống đồng. Tuy nhiên, những chiếc bình vôi được đúc đơn giản hơn so với trống, chúng được đúc liền trên 2 chiếc khuôn ghép lại với nhau, một chiếc đúc phần thân, một chiếc đúc phần nắp, có tỉ lệ gần tương đương nhau, phình to ở giữa và nhỏ dần hai đầu.
Những chiếc bình nhỏ, phía trên còn có một cái núm nhỏ được đục lỗ để có thể xỏ dây ngang qua. Những chiếc dây này ban đầu là chỉ, vải, về sau thì được làm bằng kim loại, gọi là xà tích. Hiện nay ở những vùng như Hòa Bình, người dân vẫn còn truyền tay những chiếc xà tích bạc rất đẹp.
Những chiếc bình vôi lớn hơn, không phải là đồ dùng cá nhân để có thể đeo bên người mà dùng để đặt trong nhà, dùng chung cho cả gia đình thì được mô phỏng gần như đúng với hình dáng của dương vật. Phía trên không có núm để xỏ dây qua mà làm tròn, bên thân còn khắc những họa tiết hình tia, tỏa ra như những giọt tinh dịch của người đàn ông. Phía dưới có phần chân đế tròn và dày nên những chiếc bình vôi này có thể "đứng" bình thường.
Xét về chất liệu đồng thì những chiếc ấm này không có gì đặc biệt hơn so với những đồ đồng cùng thời, thậm chí có phần đơn giản hơn, vì đây là những sản phẩm được chế tạo cho cá nhân chứ không phải cho cộng đồng nên độ quý không thể sánh bằng. Chúng đều được đúc thủ công và phổ biến ở thời kì đó. Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều chiếc nằm sâu trong lòng đất, trong những cuộc tìm kiếm cổ vật, những chiếc bình vôi đồng này cũng dần được lộ thiên.
Cách đây 2.000 năm, thời kỳ Hai Bà Trưng người Việt sống theo chế độ mẫu hệ. Dấu vết của chế độ mẫu hệ hiện vẫn còn lưu trong nhiều nét văn hóa của người Mường, người Thái, người Mông, người Việt. Trong đó, những tộc người đầu tiên và phát triển nhất phải kể đến người Mường và người Kinh. Ở xã hội thời đó, người phụ nữ có vai trò thủ lĩnh, họ làm chủ gia đình, có quyền quyết định những vấn đề quan trọng của cả gia đình và bộ tộc. Một người phụ nữ có thể có nhiều chồng và là người nắm giữ toàn bộ tài sản.
Mặt khác, đây cũng là thời kì thịnh của đồ đồng, những đồ vật này được sản xuất để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Tuy đồ đồng đã trở nên phổ biến hơn so với trước kia nhưng vẫn còn giá trị lớn. Ngoài những công cụ sản xuất, chiêng, trống, giáo mác, binh khí thì những đồ vật nhỏ và có độ tinh xảo, thậm chí dùng để trang trí, làm đẹp, đeo bên mình có giá trị cao hơn.
Một trong những dấu tích còn lại của chế độ mẫu hệ có thể kể đến tín ngưỡng thờ mẫu ở Việt Nam. Trong hồ Bảy Mẫu hiện nay vẫn còn một nền đất, trong đó có một ngôi miếu nhỏ thờ 7 bà mẫu được làm bằng gỗ sơn son thếp vàng. Điều khiến người ta đặc biệt chú ý là bên cạnh mỗi bà mẫu vẫn còn một bức tượng gỗ được tạc theo kích cỡ tương đương với một người thật theo đúng hình của chiếc dương vật. Chỉ riêng điều này đã thấy được sự gần gũi và trân trọng của người xưa đối với văn hóa phồn thực ở mức độ nào.
Khi so sánh những chiếc bình vôi bằng đồng có niên đại khoảng 2.000 năm này với những chiếc lớn có hình dáng giống hệt như những pho tượng đặt cạnh các Mẫu ở hồ Bảy Mẫu người ta thấy có sự tương đồng. Hiện nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào khẳng định về việc những đồ vật này có được sử dụng trong việc thờ phụng, tế lễ nào ở thời đại của nó hay không? Nhưng qua những gì còn lại, người đời sau có thể thấy được cái nhìn duyên dáng của người xưa xung quanh những vật dụng này.
Quyền uy của đàn bà thể hiện qua bình vôi Không phải người phụ nữ nào cũng có thể sở hữu những chiếc bình đựng vôi với họa tiết cầu kì. Thời đó, phải là những người phụ nữ có của, có tiền, thậm chí có nhiều chồng mới có thể sở hữu những chiếc bình vôi bằng đồng. Trong nhà có nhiều chiếc bình, nhiều đồ vật bằng đồng cũng là một cách chứng minh cho sự giàu có, sang trọng của người phụ nữ làm chủ gia đình. Nữ quyền được khẳng định, thì tín ngưỡng phồn thực cũng được chú trọng. Vì thế những đồ thờ tự, thuộc về tín ngưỡng này vẫn còn tồn tại nhiều thứ đến ngày nay. |
Đỗ Huệ
(Còn nữa)