Một đời bị... đá cuốn đi
Sau những con đường gập ghềnh, ngoằn ngoèo, tách hẳn khỏi thành phố Đông Hà (Quảng Trị), chúng tôi đã có một cuộc hạnh ngộ với người đàn ông đặc biệt ấy. Trong căn phòng chật hẹp của khu nhà tập thể tổng kho Công ty Xây dựng công trình giao thông 512, đập vào mắt khách là cả một kho đá. Mà trong đó đa phần là "kỳ thạch" (đá có hình thù kỳ dị). Những viên đá đủ hình dạng, kích cỡ được đặt trân trọng trên các giá gỗ. Mỗi viên đều có riêng cho mình một chiếc đôn (gỗ hoặc đá). Những đồ vật khác dường như phải nép mình trong khoảng diện tích chật hẹp, để nhường chỗ cho những hòn đá.
Ông Lê Thọ Bình bên một số tác phẩm đá của mình. Ảnh Long Loan.
Cuộc gặp gỡ vào buổi chiều tà với ông đã khiến tôi thấy một ngày trôi qua không vô nghĩa. Nhân vật mà tôi nhắc đến là ông Lê Thọ Bình (SN 1958). Trong suốt 2 tiếng đồng hồ gặp gỡ, ông cứ say sưa nói với chúng tôi về đá, chỉ về đá thôi. Cứ như nó là nguồn cảm hứng vô tận trong huyết quản của ông vậy.
Gắn bó với công việc bảo vệ tổng kho cho Công ty Xây dựng công trình giao thông 512 đã hơn 20 năm, ông lấy đá như là một niềm ham sống với đời. Mỗi viên đá là một câu chuyện, là một cuộc hành trình tìm kiếm và là một thần sắc riêng. Những viên đá đủ kích cỡ, góc cạnh, hình dáng. Viên thì có hình dáng con gà trống, cụ già râu dài độc hành với bầu rượu và túi thơ trên vai, hay một cô gái đang buông tóc thề... Điều đặc biệt, những viên đá đó hoàn toàn do tự nhiên đúc tác, không có sự đục đẽo nào từ con người. Ông cười nói với chúng tôi: "Tất cả là do thiên nhiên làm đấy, bác chỉ thực hiện công việc tìm nó từ trong lòng sông, dưới lớp đất đá hay trên triền núi...". Có lẽ vì thế mà những hòn đá của ông chỉ có một, không có hai. Ông tâm sự: "Tôi gần như một đời bị đá cuốn đi. Thậm chí, tôi mê đá đến nỗi, ôm cả những tượng đá thân yêu của mình lên... giường ngủ".
Theo ông Bình, một viên đá đẹp trước tiên phải có một hình dáng đẹp như đường lượn, có vân, bọng nhưng đặc biệt là phải có ý nghĩa. Không phải hòn đá nào khi nhìn vào cũng thấy dáng dấp của nó ngay, mà phải thông qua khả năng liên tưởng của người chơi nó. Quả đúng vậy, khi ông trao tôi một viên đá, nhìn mãi mà vẫn chưa ra được điều gì. Ấy thế mà ông phân tích một lúc, đâu là bờ vai, là mái tóc của một thiếu nữ, đâu là những đường nét của một bông hoa hồng, tôi đã bắt đầu thấy được bức tranh một cô gái ngồi ngoảnh lưng, đang quay mặt lại ngắm bông hoa hồng.
Ông Bình cho biết, ở Quảng Trị chỉ có một số nơi như vùng Cùa, Ba Lòng, Cam Tuyền... là có khả năng có nhiều đá cảnh đẹp. Đá nghệ thuật được hình thành từ trong lòng đất bị nung nóng tan chảy rồi cô đọng lại kết dính thêm nhiều chất liệu khác giữa đất trời. Những viên đá khi được tẩy sạch cặn bạ và chất non đeo bám, trở nên già hơn (cứng rắn), bóng loáng hơn... Tuy được đúc từ loại đá có độ cứng cao, nhưng vẫn toát ra được nét mềm mại, quyến rũ của nó.
Hiện nay, bộ sưu tập đá cảnh của ông Bình đã lên đến khoảng hơn 300 tác phẩm. Trong đó, ông sở hữu khá nhiều loài đá hiếm được giới thưởng ngoạn "kỳ thạch" đánh giá cao.
Tác phẩm đá mang dáng dấp của một đôi nam nữ đang quấn quýt hôn nhau. Ảnh Long Loan.
Truy tìm kỳ thạch
Kể về cái "thuở ban đầu ấy", ông Lê Thọ Bình bảo: "Từ sở thích cây cảnh, những người bạn trong hội sinh vật cảnh đã đưa tôi đến với đá một cách rất tình cờ và nhẹ nhàng. Những chuyến bất ngờ bỏ nhà ra đi của ông dần dà đã trở thành một đặc tính thân quen đối với những người biết ông. Không phải chuyến đi nào cũng tìm thấy những viên đá ưng ý. Có khi đi ròng rã một ngày trời, trèo đèo lội suối giữa tiết trời như thiêu như đốt hay những ngày đông buốt thấu da mà chẳng tìm được viên đá nào "phải" lòng, ông lại lầm lũi đi về tay không. Có lẽ vì sự khó tính đó mà những viên đá Lê Thọ Bình tìm thấy đều có giá trị đặc biệt của nó. "Sưu tầm đá rất gian nan. Mình lặn lội đi tìm dọc các nguồn nước, triền núi, nhấc lên đặt xuống từng viên một. Đá rất nhiều, nhưng có khi trong vạn viên mới chỉ được một viên, có khi không được viên nào. Thế nên khi tìm được một viên ưng ý, cảm giác vui đến khó tả", ông chia sẻ.
Những chuyến đi băng rừng vượt núi với hành trang vỏn vẹn nắm cơm đùm từ nhà, ông cần mẫn lượm lặt những tinh túy đá từ đất trời mang về bổ sung vào bộ sưu tập "giàu có" của mình. Ông bảo, có những viên thấy ưng là mang về chứ chưa hẳn đã "đọc" ra nó mang dáng dấp gì. Để "thấu" được cái "hồn" của mỗi tác phẩm là một việc không dễ, có những viên đá khiến ông phải chong mắt ngắm nghía hàng tiếng đồng hồ, có khi ngày này qua ngày khác mới phát hiện được ngôn ngữ không lời ẩn sâu cả nghìn năm trong đá.
Khi đá vô tri hoá đoá hoa hồng
Dẫn chúng tôi lên "phòng trưng bày" các sản phẩm từ nghệ thuật sáng tạo mang tính sắp đặt của mình, ông hào hứng kể: "Với những viên đá chưa biết dùng vào việc gì, mình cứ để sẵn đó thành một kho nhỏ. Ấy thế mà lạ lắm, khi chúng được xếp với nhau tạo nên những bức tranh rất hoàn thiện".
Ông đưa chúng tôi đến với cây hoa hồng được xếp từ nhiều viên đá to nhỏ khác nhau, thật thú vị khi nhìn vào chúng ta đã thấy ngay được một cây hoa hồng đang độ rực nở. Những viên đá không qua đẽo gọt ấy khi được đặt vào tổng thể, nó khớp một cách kỳ lạ, cứ như thể, tạo hóa nhào nặn ra nó là để làm cành, làm lá, làm hoa, làm nụ cho chính cây hoa đó vậy. Ông đặt cho nó là "Hồng thế xiêu" và giải thích rằng: Tác phẩm là một cây hoa hồng có thế xiêu nghiêng, gồm có ba bông hoa hồng, ở trên cùng là búp hồng mới đâm nụ, tiếp theo là bông hồng lớn đang độ nở rộ, được ông chọn làm điểm nhấn cho bức tranh, phía dưới là một bông hoa hồng cũng đang độ nở, nhưng nhỏ bé và khiêm nhường hơn bông giữa, khiến cho bức tranh trở nên hài hòa, đối xứng. Rồi bên cạnh đó còn có lá hồng, cành hồng và cuối cùng là chậu cảnh". Ngoài ra còn có thêm cây hoa lan, cúc tiểu muội, quần đảo Trường Sa... đều được sắp đặt bằng đá.
Khi chúng tôi hỏi: "Dạo này sức khỏe của bác đã yếu hơn, bác có tính dừng lại những chuyến rong ruổi tìm đá của mình không?". "Dừng sao được cháu, nhiều viên đá vẫn đang đợi bác, chỉ là mình sẽ ít đi hơn trước chút thôi", ông cười hóm hỉnh trong ánh hoàng hôn lấp loá.
Không để đá phải "mồ côi" Ông đã tạo nên một lối chơi đặc trưng: Sắp xếp tranh đá nguyên bản. Một lối chơi rất khổ công sưu tầm để tìm ra từng chi tiết trong một bức tranh. Muốn có một tác phẩm hoàn chỉnh, người ghép phải biết tính toán và sắp đặt hợp lý qua nhiều tác phẩm đá "mồ côi" (đá đơn) lớn nhỏ. Khi một tác phẩm hình thành, người thực hiện có thể bắt gặp một vài đường nét đẹp bất ngờ đến thú vị. Vàâ từ đó đá chẳng "mồ côi" nữa... |
Loan Nguyễn - Kim Long