Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chi tiết chính sách miễn, giảm thuế, theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội để xây dựng nghị định quy định việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Dự thảo quy định 2 nội dung, gồm: Giảm thuế giá trị gia tăng (VAT); Cho phép doanh nghiệp tính các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch tại Việt Nam vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Với việc thực hiện giảm thuế VAT do Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội đã quy định cụ thể về mức giảm và đối tượng được giảm, Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế VAT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10%. Cụ thể, giảm từ 10% xuống còn 8% trong năm 2022. Dự kiến quy định có hiệu lực từ ngày 1/2 năm nay.
Tuy nhiên, một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ không được hưởng ưu đãi này như viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, ngành khai khoáng (không kể khai thác than), sản xuất than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Còn với việc hướng dẫn khấu trừ chi phí ủng hộ, tài trợ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022, Bộ Tài chính đề xuất đưa các khoản chi này tính vào các chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp.
Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Qua đó, có thể tiếp tục hoạt động, đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, chính sách giảm thuế VAT dự kiến khiến Ngân sách Nhà nước năm 2022 giảm thu khoảng 49.400 tỷ đồng, chính sách khấu trừ chi phí liên quan các khoản ủng hộ phòng chống dịch cũng khiến giảm thu ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng.
Để khắc phục và bù đắp các tác động ngân sách trong ngắn hạn cũng như chủ động trong dự toán ngân sách, Bộ Tài chính sẽ phối hợp các bộ ngành và địa phương chú trọng triển khai hiệu quả các Luật thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, quyết liệt công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá trốn thuế.