Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc hướng dẫn mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước năm 2017 và nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lực tài chính trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo nội dung công văn hướng dẫn, việc mua sắm xe ô tô công từ nguồn ngân sách nhà nước sẽ khuyến khích theo hướng các cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê ô tô để phục vụ công tác khác.
Việc mua sắm mới xe ô tô (bao gồm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên dùng) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ được thực hiện khi đảm bảo đủ các điều kiện: Cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu xe ô tô so với tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật; Sau khi rà soát, sắp xếp trong số xe ô tô hiện có thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành và địa phương mà không có xe ô tô phù hợp để điều chuyển; Bộ, ngành và địa phương có xe ô tô dôi dư theo kết quả rà soát, sắp xếp xe ô tô theo Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 04/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ đã gửi báo cáo kết quả xử lý xe ô tô dôi dư về Bộ Tài chính theo quy định; bộ Công an, bộ Quốc phòng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả rà soát, sắp xếp lại xe ô tô tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo quy định tại điểm b mục 2 Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Đặc biệt, về tiêu chuẩn, định mức, mức giá mua xe ô tô công cũng được quy định cụ thể. Theo Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững yêu cầu nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên. Do vậy, không sử dụng vốn vay nước ngoài trong khuôn khổ các chương trình/dự án sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại để mua sắm xe ô tô.
Việc mua sắm xe ô tô từ nguồn vốn đối ứng (thuộc nguồn vốn chi đầu tư) của dự án sử dụng vốn vay nước ngoài phải theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định và trong phạm vi tổng mức đầu tư dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trước đó, trong cuộc họp báo chuyên đề về quản lý tài chính các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, ông Hoàng Hải, Phó cục trưởng cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, bộ Tài chính cũng khẳng định, Chính phủ đã có chỉ đạo thắt chặt mua sắm vì ODA là vốn vay, sử dụng phát triển chứ không phải để mua sắm. Vì vậy, không thể dùng vốn ODA mua sắm ô tô trừ trường hợp cần thiết như xe chuyên dụng trong y tế phục vụ phòng chống dịch. Còn những dự án thông thường không được phép mua ô tô, bộ Tài chính phản đối bất kể hình thức nào.
Về việc mua sắm tài sản nhà nước khác, bộ Tài chính cũng nhấn mạnh phải được thực hiện theo tiêu chuẩn, định mức quy định, kế hoạch và dự toán đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 02/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và hướng dẫn tại Công văn số 17731/BTC-QLCS ngày 14/12/2016 của bộ Tài chính.
Việc khoán xe công thời gian qua đang thu hút sự chú ý của dư luận. Bắt đầu từ 1/3, TP.Hà Nội cũng đã tiến hành thí điểm khoán xe công tại 9 sở, ngành và cũng đã tạo nên những hiệu ứng tích cực. Trước đó, bộ Tài chính cũng đã đi tiên phong trong việc thực hiện khoán xe công đối với các chức danh có hệ số phụ cấp từ 1,25 trở lên, bao gồm các Thứ trưởng và Tổng cục trưởng trực thuộc Bộ này.
Đ.Huệ