Trước thông tin cho rằng cơ quan thuế yêu cầu người nộp thuế (NNT) chủ động rà soát và loại trừ các hóa đơn không hợp pháp là “đẩy khó” cho NNT, Bộ Tài chính khẳng định đây là việc tạo điều kiện để NNT nâng cao trách nhiệm, quyền lợi và minh bạch trong việc sử dụng hóa đơn.
Bộ Tài chính cho biết, trong thời gian qua, cơ quan thuế đã phối hợp với các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước khác để xác định hàng loạt doanh nghiệp (DN) có hiện tượng mua bán hóa đơn nhằm hợp thức hóa cho hàng hóa mua bán trôi nổi trên thị trường, hợp thức hóa các khoản chi phí tính thuế TNDN để làm giảm số thuế phải nộp gây thất thu NSNN.
Xác định đây là những DN có rủi ro cao trong việc sử dụng hóa đơn không hợp pháp để kê khai khấu trừ thuế GTGT làm giảm nghĩa vụ ngân sách về thuế GTGT hoặc làm tăng số thuế GTGT được hoàn,… điển hình như một trong những vụ án đã được cơ quan chức năng phát hiện là vụ án liên quan đến 524 DN bán hóa đơn không hợp pháp, hóa đơn khống đã được cơ quan thuế phối hợp với cơ quan Công an điều tra làm rõ.
Thực hiện tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về tạo thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN nhất là các DN vừa và nhỏ, thay cho việc phải tiến hành thanh tra, kiểm tra tại DN.
Theo đó, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, cơ quan thuế có thể yêu cầu tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế và phối hợp với cơ quan quản lý thuế để thực hiện pháp luật về thuế. Căn cứ khoản 8 Điều 17 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 quy định NNT có trách nhiệm chấp hành quyết định, thông báo, yêu cầu của cơ quan quản lý thuế, công chức quản lý thuế.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 1798/TCT-TTKT ngày 16/5/2023 để các DN có hóa đơn đầu vào của 524 DN bán hóa đơn không hợp pháp nêu trên chủ động rà soát và loại trừ các hóa đơn không hợp pháp, không có hàng hóa kèm theo để điều chỉnh kê khai, hạch toán đúng nghĩa vụ thuế với nhà nước.
Luật Quản lý thuế số 38 đã quy định trách nhiệm, quyền lợi của NNT liên quan đến hóa đơn như sau:
Thứ nhất, trường hợp người mua hàng hóa, dịch vụ sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp chứng minh được lỗi vi phạm sử dụng hóa đơn không hợp pháp thuộc về bên bán hàng thì bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định tại Điều 142 Luật Quản lý thuế.
Trường hợp phát hiện NNT sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 143 Luật Quản lý thuế.
Thứ hai, các DN có hóa đơn mua bán hàng hóa phù hợp với thực tế giao dịch thực hiện kê khai nộp thuế theo quy định hiện hành.
Thứ ba, danh sách DN bỏ địa chỉ kinh doanh được đăng tải kể từ ngày cơ quan thuế có thông báo DN bỏ địa chỉ kinh doanh quy định tại Điều 29 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản thuế; kể từ ngày cơ quan thuế ban hành thông báo NNT không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; hệ thống hóa đơn điện tử của cơ quan Thuế sẽ tự động chặn xuất hóa đơn của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh.
T.M