Trong công văn, bộ Tài chính dẫn 3 quy định trong Luật Kiểm toán Nhà nước thể hiện hiệu lực pháp lý của báo cáo kiểm toán.
Cụ thể, Khoản 1, Điều 7 và khoản 6,7 Điều 57 của Luật Kiểm toán Nhà nước quy định: “Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.
Đồng thời quy định: “Thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thực hiện biện pháp để khắc phục yếu kém trong hoạt động của mình theo kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước; báo cáo bằng văn bản về việc thực hiện kết luận, kiến nghị đó…”.
“Trong thời gian giải quyết khiếu nại, đơn vị kiểm toán vẫn phải thực hiện đầy đủ kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán, trừ trường hợp Tổng kiểm toán Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tạm đình chỉ thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán của kiểm toán Nhà nước”, bộ Tài chính dẫn giải.
Bộ Tài chính còn đưa ra khoản 1, Điều 10 luật Thanh tra quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị quyết định về thanh tra, có quyền giải trình về nội dung thanh tra, có quyền và trách nhiệm khác theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Bộ Tài chính cho rằng theo các quy định nêu trên, khi báo cáo kiểm toán đã được phát hành và kết luận thanh tra đã được công bố thì các đơn vị được thanh tra, kiểm toán có trách nhiệm thi hành, bộ Tài chính có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo việc thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ.
“Do đó, Sabeco và Habeco phải nghiêm chỉnh thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và kết luận của Thanh tra Chính phủ”, Bộ Tài chính khẳng định.
Bộ Tài chính đề nghị bộ Công Thương báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Sabeco, Habeco thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính, tiền phạt chậm nộp thuế và được sử dụng nguồn từ lợi nhuận sau thuế để thực hiện nộp vào ngân sách nhà nước khoản tiền trên.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ có văn bản “thúc” Sabeco triển khai việc nộp số tiền phạt gần 4.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Cơ quan này cho rằng, do chưa nhận được văn bản kết luận của Kiểm toán Nhà nước nên Thanh tra Chính phủ chưa thể có ý kiến. Tuy nhiên, liên quan đến kết luận của mình, Thanh tra Chính phủ cho rằng, Sabeco không thể không thực hiện.
Trong kết luận Thanh tra Chính phủ hồi cuối tháng 8/2016 đã nêu rõ kiến nghị xử lý là: “Truy thu nộp bổ sung ngân sách nhà nước số thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh tăng phát hiện qua thanh tra từ năm 2010 đến năm 2014 (do thay đổi giá tính thuế từ công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn sang Công ty cổ phần thương mại khu vực) của Sabeco là 2.479 triệu đồng, đã trừ số tiền kiến nghị truy thu năm 2013 của Kiểm toán Nhà nước), đề nghị bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Thuế, cục Thuế TP.HCM thực hiện”.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, kết luận của mình đã được Thủ tướng đồng ý chỉ đạo thực hiện. Thực hiện kết luận này, phía Sabeco được Thanh tra Chính phủ xác nhận đã nộp đầy đủ số thuế tiêu thụ đặc biệt kể trên vào ngân sách Nhà nước.
Trong một văn bản gửi Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước cho biết đến thời điểm hiện tại, cả Sabeco và Habeco đều đã thực hiện nghiêm túc, nộp đầy đủ số thuế tiêu thụ đặc biệt vào ngân sách Nhà nước theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ. Riêng số tiền phạt chậm nộp gần 4.000 tỷ đồng, Sabeco vẫn “treo lại”, với lý do không còn nguồn để chia cổ tức cho các cổ đông.
Hiện, Kiểm toán Nhà nước vẫn bảo lưu quan điểm và kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế ban hành quyết định xử phạt hành chính, truy thu số tiền chậm nộp theo đúng quy định. Bởi, theo Kiểm toán, Sabeco mới hoàn tất việc nộp đủ số thuế theo đúng yêu cầu, riêng khoản tiền phạt hành chính và tiền chậm nộp, gần 4.000 tỷ đồng thì công ty vẫn chưa thực hiện với lý do: Không còn nguồn để chia cổ tức cho các cổ đông, Dân trí thông tin thêm.