Như vậy, mỗi cổ đông sở hữu một cổ phiếu BID sẽ được nhận 700 đồng. Ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức là 9/8. Ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức vào ngày 10/8. Ngày nhận cổ tức sẽ là 25/8/2017.
Với hơn 3,41 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, BIDV sẽ phải chi khoảng 2.393 tỷ đồng trong đợt chia cổ tức lần này.
Hiện cổ đông lớn nhất của BIDV là Bộ Tài chính với tỷ lệ nắm giữ 95,28% cổ phần, dự kiến, Bộ này sẽ nhận về 2.280 tỷ đồng cổ tức từ BIDV. Năm ngoái, Bộ Tài chính cũng đã thu về hơn 2.700 tỷ đồng tiền cổ tức từ ngân hàng này.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 của BIDV diễn ra vào ngày 22/4, HĐQT ngân hàng đã thống nhất chi trả cổ tức năm 2016 với tỷ lệ tối thiểu là 7% và không thấp hơn lãi suất tiết kiệm 12 tháng.
Việc chốt phương án chia cổ tức bằng tiền mặt được thực hiện sau khi có quyết định của Bộ Tài chính về chi trả cổ tức.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2017 vừa được BIDV công bố, đến hết 30/06/2017, tổng tài sản ngân hàng đạt trên 1.100.433 tỷ, tăng trưởng 9,3% so với đầu năm.
Tổng nguồn vốn huy động đạt 1.026.269 tỷ, trong đó tiền gửi của khách hàng tính đến 30/06/2017 đạt trên 811.512 tỷ, tăng trưởng 11,8% so với đầu năm
Tổng thu nhập hoạt động đạt 16.795 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Thu nhập lãi thuần đạt gần 14.008 tỷ, tăng 37% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm riêng ngân hàng đạt 4.050 tỷ đồng, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm trước, tương đương 54% so với kế hoạch năm 2017, trong đó lợi nhuận trước thuế quý 2 năm 2017 đạt 1.993 tỷ, tăng 49% so với cùng kỳ năm trước.
Chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu 1,9%.
Khải Trung