50 năm trôi qua kể từ ngày hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, nhưng đến nay người dân Việt Nam vẫn còn lưu khắc ghi mãi hình ảnh ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt trên thân thể sống của vị hoà thượng này.
Hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu nhằm phản đối chính sách đàn áp Phật giáo của chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm
Chuyện về lá thư xin tự thiêu bị từ chối
Những dòng di chúc xúc động Tôi pháp danh Thích Quảng Đức, trụ trì chùa Quán Âm, Phú Nhuận, Gia Định. Nhận thấy, Phật giáo nước nhà đương lúc nghiêng ngửa, tôi là một tăng sĩ, mệnh danh là Trưởng tử của Như Lai, không lẽ cứ ngồi điềm nhiên tọa thị để cho Phật giáo tiêu vong, nên tôi tự nguyện thiêu thân giả tạm này để cúng Phật và hồi hướng công đức bảo tồn Phật giáo. Mang ơn mười phương chư Phật, chư Đại Đức Tăng Ni chứng minh cho tôi đạt thành ý nguyện. |
Liên quan đến hành động tử vì đạo của hoà thượng Thích Quảng Đức, nhiều người vẫn chưa thấu hiểu được tại sao vị hoà thượng này lại có quyết định quyết liệt như vậy và nhiều người còn muốn được biết thêm về một huyền tích liên quan đến trái tim của ngài. Chính hành động tử vì đạo của ngài Quảng Đức và hình ảnh của trái tim bất tử mà ngài để lại cho đời khiến nửa thế kỷ qua, phật tử vẫn không ngừng bàn tán. Thông qua tư liệu của những người chứng kiến ghi lại, báo ĐS&PL tổng hợp lại một số hồ sơ để cung cấp tới bạn đọc cái nhìn chân xác về hành động tử vì đạo của vị chân tu nức danh trong lịch sử này.
Theo nguồn tư liệu lịch sử và nhân chứng phản ánh chúng tôi nắm được, sự kiện tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức cũng như cuộc vận động Phật giáo 1963 bắt nguồn từ chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ gia đình họ Ngô, do Ngô Đình Diệm làm Tổng thống Việt Nam Cộng hoà thời kỳ đó. Đỉnh điểm cho chính sách kỳ thị tôn giáo của chế độ này là việc tuyên bố cấm treo cờ Phật vào dịp lễ Phật đản năm 1963 và vụ đàn áp đẫm máu đêm 15/4 (âm lịch) tức là 8/5/1963 trước đài phát thanh Huế, khiến 8 phật tử chết tại chỗ và bốn phật tử bị thương phải vào bệnh viện cấp cứu.
Trước hành động vô cớ đàn áp Phật tử, hòa thượng Hội Chủ, Thích Tịnh Khiết, tổng hội Phật giáo miền Nam Việt Nam thời bấy giờ đã khẩn cấp triệu tập một phiên họp bất thường, gồm các vị lãnh đạo cao cấp Phật giáo, tại chùa Từ Đàm, Huế để tìm phương cách đối phó. Trong cuộc hội họp khẩn này những người đứng đầu giáo hội miền Nam lúc bấy giờ, "ban hành" bản "Tuyên Ngôn" gồm 5 điểm, yêu cầu chính quyền dừng ngay mọi hành động đàn áp Phật giáo và thi hành chính sách bình đẳng tôn giáo tại miền Nam Việt Nam để gửi tới Ngô Đình Diệm.
Riêng tại Sài Gòn, theo chỉ thị của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, một Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo Việt Nam được nhanh chóng thành lập gồm 11 tập đoàn giáo phái Phật giáo, dưới sự lãnh đạo của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Trong phong trào đấu tranh thời kỳ này, khắp nơi đã tiến hành tổ chức lễ cầu siêu cho các nạn nhân phật tử bị chết tại đài phát thanh Huế và tổ chức tuyệt thực tập thể đòi chính quyền thực thi năm nguyện vọng trên.
Theo hồi ức hoà thượng Thích Đức Nghiệp, một thành viên trong Uỷ ban Liên phái bảo vệ Phật giáo, trong phong trào đấu tranh chống lại chính sách kỳ thị tôn giáo, Hòa thượng Thích Quảng Đức cũng là người tham dự. Trước sự nguy khốn của Phật giáo, ngài có gửi một bức tâm thư xin tự thiêu lên Ủy ban Liên phái, đề ngày 27/5/1963. Hoà thượng này muốn được tự thiêu nhằm phản đối lại chính sách kỳ thị tôn giáo nhưng Ủy ban Liên phái bác bỏ nguyện vọng trên.
Vẫn đinh ninh một ý nguyện tử vì đạo
Mặc dù phong trào đấu tranh mạnh mẽ của giới phật tử ngày một dâng cao, nhưng Ngô Đình Diệm vẫn dùng mọi hành động đàn áp phật tử và thi hành chính sách đối phó độc ác và bất nhân. Ngô Đình Diệm ra lệnh tổ chức bắt bớ, phong tỏa các chùa trên toàn miền Nam, thậm chí còn cho phép lực lượng an ninh, quân đội can thiệp thô bạo vào hoạt động của các nhà sư. Cụ thể là cắt điện nước và tuyệt đường lương thực của các chùa. Trước sự đàn áp ngày một nặng tay của chính quyền gia đình trị họ Ngô, những hoà thượng điều hành phong trào đấu tranh của Phật giáo lúc bấy giờ đã nghĩ đến quyết tâm thư tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức.
Theo hoà thượng Thích Đức Nghiệp, nguời lúc đó biết khá tường tận về sự việc này thì: “Vào khoảng 8 giờ tối ngày 10/6/1963, hai Thượng tọa Tâm Châu và Thiện Hoa có cho xe tới chùa Ấn Quang, mời tôi ra chùa Xá Lợi bàn Phật sự gấp. Thượng tọa Tâm Châu trao đổi với tôi: Ngày mai, buổi sáng chủ nhật, tới phiên tôi rước linh và cầu siêu tại chùa Phật Bửu Tự, do hòa thượng Thích Minh Trực tổ chức, tại đường Cao Thắng, quận 3. Vậy, thầy về hỏi lại ý nguyện tự thiêu của hoa âthượng Quảng Đức, hiện đương tụng kinh Pháp Hoa tại Ấn Quang. Nếu hoà thượng đồng ý, thì ngay sau khóa lễ ở Phật Bửu Tự, trên đường về Xá Lợi, thầy tìm mọi cách có hiệu quả nhất, để Hòa thượng Quảng Đức được tự nguyện tự thiêu, đồng thời để cứu nguy cho Phật giáo hiện nay".
Sau khi nhận được sự chấp thuận của Thượng tọa Tâm Châu và hoà thượng Thích Minh Trực, hoà thượng Thích Đức Nghiệp trở về gặp ngay Hòa thượng Thích Quảng Đức ở chùa Ấn Quang. Về ý định tự thiêu, Hoà thượng Thích Quảng Đức đã mừng rỡ trả lời: Tôi sẵn sàng tự thiêu để cúng dường Tam Bảo và để giác ngộ cho chính quyền mau mau thoả mãn năm nguyện của Phật giáo". Trước ngày tự thiêu, hoà thượng Thích Quảng Đức đã viết lá thư gửi ông Diệm để bày tỏ nguyện vọng của mình.
Cũng theo hoà thượng Thích Đức Nghiệp, mọi việc chuẩn bị cho việc tự thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức diễn ra bí mật, việc mua xăng, vải đã gần như hoàn thành và kế hoạch để hoà thượng Thích Quảng Đức tự thiêu vì sự tồn vong của Phật giáo ở miền Nam Việt Nam đã được chuẩn bị chu đáo.
Lửa bốc cháy ngùn ngụt vẫn thản nhiên ngồi tọa thiền
Theo hoà Thượng Thích Đức Nghiệp, để công việc tiến hành được như ý định của hoà thượng Thích Quảng Đức, nhiều người được phân công trách nhiệm hỗ trợ. Trong đó, thầy Chân Ngữ có trách nhiệm đổ hết xăng từ đầu tới chân hòa thượng Quảng Đức khi cùng ngồi trên xe Austin để đi tới ngã tư đường Phan Đình Phùng và Lê Văn Duyệt trước tòa Đại sứ Cao Miên (ngay ngã tư đường Nguyễn Đình Chiểu và Cách mạng tháng Tám). Thầy Trí Minh phải ngồi cùng hàng ghế trước để bảo anh lái xe phải dừng lại ở ngã tư đường nói trên, rồi làm bộ chữa xe để hoà thượng bước xuống đường và ngồi tự thiêu. Thầy Hồng Huệ giữ trật tự, Tăng Ni đi thành hai hàng và xe của hoà thượng từ từ đi ở giữa. Bản thân hoà thượng Thích Đức Nghiệp là người trao tay hòa thượng Thích Quảng Đức bao diêm để hòa thượng tự bật lửa thiêu.
Mọi việc tiến hành theo đúng ý nguyện của hoà thượng Thích Quảng Đức, ngọn lửa bùng cháy! Ngọn lửa ngất trời! Không thể nào tả xiết nỗi bàng hoàng của tất cả các tăng ni và những người đứng xung quanh. Nhiều tiếng kêu khóc vang lên, lệ rơi. Sau 30 phút ngọn lửa mới vụt tắt, thi hài của hòa thượng Thích Quảng Đức được rước về chùa Xá Lợi trên một lá cờ Phật giáo. Cũng liên quan đến vụ hoả thiêu của hoà thượng Thích Quảng Đức, nhiều người đã cho rằng, sau đám hỏa táng thi hài của hòa thượng Quảng Đức tại An Dưỡng Địa (nhà hoả táng) lại có một hiện tượng phi thường, đó là trái tim bất tử của ngài không cháy và vẫn tồn tại như một hình thể Bông Sen.
Sức chịu đựng khó thể lý giải tường tận Một điều khiến những người chứng kiến đặt câu hỏi, tại sao ngọn lửa ngùn ngụt bốc cháy nhưng hoà thượng Thích Quảng Đức vẫn thản nhiên ngồi toạ thiền, cho đến khi thân thể bị cháy trụi thì lúc đó mới đổ xuống. Một sức chịu đựng vượt xa với người thường, nó xảy ra trước sự chứng kiến của nhiều phóng viên báo chí phương Tây. Đến mức, để ngụy biện và từ chối trách nhiệm, khi đăng đàn trả lời báo chí bà Trần Lệ Xuân, vợ của Ngô Đình Nhu đã mượn cớ cho rằng "hoà thượng Thích Quảng Đức bị các hoà thượng trẻ chích thuốc mê rồi tẩm xăng đốt cháy". Tuy nhiên, lời ngụy biện này đều không có giá trị vì sự việc xảy ra trước sự chứng kiến của hàng ngàn người. |
Trinh Phúc - Dương Thu
Kỳ tới: Từ huyền tích đến hiện thực về "trái tim bất tử" của vị bồ tát xả thân vì đạo