Những đặc sản "ăn" cả lương tâm
Qua các đồn thổi không căn cứ về tác dụng chữa bệnh "thần kỳ", chữa bách bệnh hay có thể "cải tử hoàn sinh" từ một số bộ phận của các loài động vật quý hiếm, nhiều đại gia đã tìm bằng được để thưởng thức.
Họ không tiếc tiền bỏ ra hàng chục thậm chí hàng trăm triệu để thưởng thức những loại thịt thú rừng quý hiếm này. Óc khỉ là món ăn mà đại gia rất "kết". Sở dĩ nó khiến không ít người tò mò vì óc khỉ có kiểu "thưởng thức" cực độc.
Con khỉ còn sống, bị trói giật khuỷu tay ra đằng sau cùng với chân, được cho vào một cái kệ gỗ, chỉ nhô cái đầu lên. Rồi nó bị nhà hàng phạt phần trên của đầu, hở ra bộ óc. Đại gia dùng thừa xúc óc để ăn trong khi con khỉ đang chết dần.
Chú khỉ tội nghiệp trở thành món ăn của những đại gia
Ngoài ra, các loại đặc sản từ động vật quý hiếm được đại gia tìm kiếm phải kể đến như: Mắt đại bàng, bào thai rắn, bào thai hoẵng, xúc tu, óc khỉ, mật linh dương… Thú ăn mắt đại bàng và bào thai rắn cũng khiếp đến mức người chứng kiến chắc chắn phát hoảng.
Con chim đại bàng sống được đầu bếp đem lên tận bàn tiệc để cho đại gia nhìn, ngắm, chứng thực. Sau đó là một cú đánh vào đầu đủ để con chim này "biêng biêng" nhưng không chết. Ngay lập tức, "đồ tể" dùng vật nhọn móc mắt đại bàng ra cho thực khách bỏ vào cốc rượu, uống đánh ực một cái. Máu trong mắt đại bàng cũng được nhỏ vào cốc rượu để đại gia nhâm nhi. Còn bào thai rắn xanh thì sao? Cũng được đại gia ăn rất "mọi".
Con rắn được mang lên tận bàn tiệc, được phanh bụng ngay tại chỗ và moi bào thai ra, để lên đĩa. Bào thai vẫn còn ngọ nguậy trong khi các thực khách cho mù tạt, chanh vào trộn lẫn lên, trần qua nước nóng rồi ăn một cách vui vẻ. Người có thần kinh khỏe, chắc chắn chứng kiến cảnh ăn tươi nuốt sống như vậy cũng phát hoảng.
Nhan nhản vi phạm
Theo thống kê của một tổ chức bảo tồn thiên nhiên, mỗi năm có khoảng 1 triệu động vật hoang dã đã đưa vào tiêu thụ tại Việt Nam. Đối tượng phục vụ thường là những thực khách rủng rỉnh tiền bạc và một số cán bộ có chức quyền. Họ tìm đến các loại đặc sản hoang dã, đặc sản thú rừng và bày ra những kiểu ăn uống "cầu kỳ" đến độ tàn ác.
Ở đây, không hẳn, họ đã tin vào khả năng chữa bách bệnh của chúng mà đơn giản vì muốn chứng tỏ đẳng cấp nhiều tiền hơn người. Dù gì đi nữa thì họ cũng đã góp phần hủy diệt động vật quý hiếm và phá vỡ trật tự của thiên nhiên hoang dã.
Gần đây, cư dân mạng được phen dậy sóng khi những bức ảnh đăng tải chi tiết cảnh một nhóm thanh niên giết hại voọc chà vá rất dã man lên một trang thông tin của mạng xã hội.
Họ mổ bụng, xẻ thịt, thui lửa, dùng xương nấu cao...một cách tàn độc trước ánh mắt ngơ ngác và vẻ mặt đáng thương của những con thú vô tội. Ngay lập tức, những ý kiến bày tỏ thái độ căm phẫn, lên án mạnh mẽ những hành động của nhóm thanh niên ở Kon Tum này được đưa ra, buộc cơ quan điều tra phải vào cuộc để xác định danh tính của những kẻ tàn ác.
Vụ việc này như một hồi chuông vang lên, khiến dư luận thảng thốt giật mình về tình trạng săn bẫy và giết thịt các loài động vật quý hiếm đến mức nguy cấp tại Việt Nam hiện nay.
Hiện nay, không quá khó để tìm các quán ăn đặc sản thú rừng mọc lên nhan nhản trên cả nước. Không chỉ giết thịt, người ta còn bày bán công khai, thậm chí người bán không ngần ngại cho số điện thoại để khi thực khách có nhu cầu sẽ phục vụ tận nơi.
Dù đã áp dụng điều luật đối với các hành vi vi phạm như săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết động vật rừng trái pháp luật nhưng điều khiến dư luận rất băn khoăn là tại sao tình trạng đó vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, vấn đề được đưa ra đó chính là tuyên truyền chung chung như thế nhưng cuối cùng đâu lại vào đấy, còn bộ phận đáng bị lên án nhất thì lại vẫn nghiễm nhiên vô can? Thử hỏi trong đại đa số người dân, mấy ai có đủ kinh tế để thưởng thức những sơn hào hải vị siêu khủng đó? Chỉ là một bộ phận rất nhỏ của những kẻ thừa tiền, vô nhân tính khi tiêu khiển bằng cách gián tiếp giết hại động vật hoang dã.
Chính vì thế, để giảm đi việc săn bắt giết hại, trước hết phải ngăn chặn từ nguồn cầu. Nên đề ra mức xử phạt nghiêm thậm chí truy cứu hình sự với kẻ chế biến, bán, tiêu thụ thịt thú rừng sẽ giảm ngay việc săn bắn.
Bảo Hằng