Những người ủng hộ phương án xóa bỏ ngày lễ lớn nhất trong năm thường lập luận rằng, kỳ nghỉ Tết kéo dài sẽ làm giảm năng suất làm việc, gián đoạn kinh doanh đối với các công ty nước ngoài, gây thiệt hại kinh tế.
Ngoài ra, nghỉ Tết trở thành cái cớ cho người dân ăn chơi, nhậu nhẹt, phát sinh nhiều vấn đề như tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội… Tựu chung lại, nghỉ Tết ta không chỉ quá tốn kém về thời gian và tiền bạc mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội.
Các ý kiến bỏ Tết so sánh về “tấm gương” của Nhật Bản trong việc chuyển sang ăn Tết lịch dương đã phần nào tạo nên nền tảng cho sự phát triển thần kỳ của quốc gia này trong quá khứ. Cuối cùng kết luận lại là bỏ Tết cổ truyền sẽ giúp Việt Nam tiết kiệm và thúc đẩy kinh tế hơn.
Tuy nhiên, nếu bàn về góc độ kinh tế, cần phải nhìn lại các quốc gia có chung phong tục ăn Tết Nguyên đán như Việt Nam để so sánh. Minh chứng rõ ràng nhất là Trung Quốc.
Người Trung Quốc chưa bao giờ nổ ra cuộc tranh luận về bỏ Tết âm để chuyển sang lịch dương như người phương Tây để phát triển vượt bậc hơn và hiện tại, họ đang là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Như vậy, việc nghỉ Tết cổ truyền quá dài có gây kìm hãm nền kinh tế, tạo ra những tác động tiêu cực đến xã hội hay không? Đối với Trung Quốc, câu trả lời là không.
Trên thực tế, Trung Quốc coi Tết Nguyên đán hay còn gọi là Lễ hội Mùa xuân, là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Khá giống như ở Việt Nam, các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán ở Trung Quốc thường kéo dài từ ngày 1/1 âm lịch đến ngày 15/1.
Người lao động Trung Quốc cũng sẽ được nghỉ 7 ngày trong dịp Tết. Đây là khoảng thời gian mọi người về đoàn tụ gia đình, thăm người thân và bạn bè, cũng như đi du lịch.
Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán còn được gọi là kỳ nghỉ Tuần lễ vàng (Golden Week), được khởi xướng vào năm 1999, với mục đích là mở rộng thị trường du lịch và kích thích tiêu dùng trong nước.
Do đó, có thể thấy rằng, Tết Nguyên đán ở Trung Quốc không phải là những ngày lễ chỉ có ăn chơi, nhậu nhẹt, vô vị - mà thực tế nó còn là dịp quan trọng để kích cầu nền kinh tế.
Ngoài ra, nếu như không có chuỗi ngày nghỉ kéo dài như vậy, đó sẽ là cơn ác mộng đối với hàng trăm triệu người lao động Trung Quốc đi làm xa nhà, không thể dành ra bất cứ ngày nào để trở về thăm gia đình.
Nếu như một người lao động Việt Nam đi làm ăn xa có thể trở về nhà chỉ bằng một chuyến xe khách vài tiếng đồng hồ hay một chuyến tàu chiều hôm trước, sáng hôm sau đã có mặt ở quê hương, thì với người dân Trung Quốc, đó là một hành trình dài đằng đẵng.
Trung Quốc ước tính trong Lễ hội Mùa xuân năm nay, có hàng trăm triệu người sẽ đổ về quê ăn Tết, với khoảng 3 tỷ lượt di chuyển trong vòng 40 ngày tới. Trong đó, những người may mắn sẽ mua được vé tàu trở về nhà, nhưng có những người ít điều kiện hơn, đó sẽ là một quãng đường hàng nghìn km trên xe máy dưới cái rét lạnh căm căm.
Cần phải thừa nhận rằng, xã hội ngày càng hiện đại, sự háo hức đối với Tết Nguyên đán trong mỗi người cũng không còn sâu sắc như trước đây khi chủ nghĩa tiêu dùng đã từ từ làm thay đổi bộ mặt xã hội.
Tết Nguyên đán trong tương lai có thể sẽ nhàm chán hơn, nhưng với tính liên kết văn hóa mạnh mẽ, ngày lễ này không nên bị xóa bỏ. Thay vào đó, đi cùng với sự phát triển kinh tế, Tết nên được điều chỉnh theo cách phù hợp.
Một trong những nhà nghiên cứu Trung Quốc đã từng nói rằng, lý do tại sao con người khác với động vật đó là vì con người có công nghệ và xã hội. Và yếu tố quan trọng nhất của một xã hội là văn hóa. Trong đó đặc trưng nổi bật nhất của một nền văn hóa là ngày lễ. Đó là cách mà cộng đồng người cảm thấy mình thuộc về tập thể.
Thật dễ để tưởng tượng điều này được thừa hưởng từ các xã hội cổ đại khi những người trong cùng một cộng đồng sẽ có một số niềm tin chung và nghi thức tương ứng để gắn kết họ lại với nhau.
Vì vậy, chúng ta ăn mừng Tết Nguyên đán là bởi mọi nền văn minh đều có những ngày lễ của riêng mình. Không có những ngày lễ này, các nền văn minh không còn là những nền văn minh nữa.
Đối với những người cho rằng nghỉ Tết Nguyên đán là lãng phí tiền bạc và thời gian, thì đó không phải là lý do chính xác. Con người không phải là máy móc và mọi người cần nghỉ lễ để nghỉ ngơi, thăm người thân, bạn bè để giữ gìn mối quan hệ và có thời gian tận hưởng giây phút gia đình bên nhau.
Đặc biệt đối với những người làm việc xa quê hương, đó là một dịp quan trọng để họ có thể đoàn tụ với gia đình hàng năm. Mặt khác, những ngày lễ như vậy dẫn đến nhu cầu mua sắm, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.
Nếu mọi người người không tiêu tiền, mọi người không mua đồ, các nhà máy sẽ phá sản và thương mại sẽ chấm dứt, mọi công nhân sẽ mất việc và chính điều đó mới không tốt cho xã hội.
Cũng giống như 2,4 tỷ tín hữu Kitô giáo trong số 7 tỷ người trên thế giới, Trung Quốc, Việt Nam và nhiều quốc gia khác cần Tết Nguyên đán giống như họ cần lễ Giáng sinh hoặc ngày lễ Tạ ơn.
Đó không phải là một sự lãng phí thời gian hay tiền bạc, đó là văn hóa dân tộc và đó mới đích thực là cuộc sống.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Vu Lan