Sòng phẳng trong tình cảm là chẳng hiểu gì về tình cảm
Luôn tự nhận mình là người nhà quê, vậy văn hóa của một người nhà quê liệu có cảm thấy lạc lõng nơi thành thị?
Cái nhà quê của tôi cũng chỉ cách Hà Nội 30 cây số thôi. Văn hoá là cái không dễ gì học được, nó phải chắt lọc từ cuộc sống. Tôi chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng hay tự ti với nếp văn hóa nhà quê của mình.
Còn văn hóa trong âm nhạc của chúng ta hiện nay, nó như thế nào?
Âm nhạc Việt Nam hiện nay cũng giống như bóng đá và giao thông Việt Nam vậy. Những thứ rẻ tiền lại bắt được đắt tiền. Tôi nghĩ chính điều này mới đẻ ra những ông hoàng, bà hoàng nào đó. Họ khoe áo hàng hiệu để làm gì, nhẫn kim cương, hay nhà này, phố kia làm gì? Nếu thích khoe, xin hãy sang Hollywood. Nhưng đừng dại mà đi đánh đu với người Mỹ. Vì sao ở Mỹ người ta có riêng một khu biệt lập Los Angeles dành cho nhà giàu? Vì người ta đã có một đẳng cấp khác mình, văn hoá khác mình. Và nói thật nhé, ở đó người ta chẳng ai đi khoe nhẫn hay quần áo gì đâu, vì biết khoe với ai.
Còn ở Việt Nam, trước lúc anh muốn trưng ra những thứ lấp lánh trên người, hãy nhìn những bệnh viện còn ẩm thấp, thiếu thốn, lạc hậu, hãy nhìn những đứa trẻ mũi xanh thò lò trên rẻo cao, chưa bao giờ biết đủ no và đủ ấm trong những ngày mùa đông. Bởi vậy, tôi ghê sợ những thứ hàng hiệu ấy. Nhìn lại mà xem, thường thì những kẻ thích hàng hiệu, thích khoe khoang đều có sự tương thích về xuất thân của họ. Mang tiếng là ông hoàng đấy, cát xê cao vời vợi đấy nhưng một nốt nhạc bẻ đôi chắc gì đã biết.
> Nghi án lộ kết quả của 'Gương mặt thân quen'
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn.
Một người được mệnh danh là quái kiệt khi biết phát hiện ra những tài năng như anh, vì sao lại có cái nhìn bi quan như thế? Phải chăng, dòng sông nào rồi cũng phải trôi đi?
Tùng Dương, Ngọc Khuê hay Hà Linh, Khánh Linh hay Thanh Lam, Hoàng Quyên đều là một sự may mắn của tôi. Họ có tài thực sự nhưng để thành công trên con đường ca hát, nếu chỉ dựa vào thực tài thôi chưa đủ. Điều quan trọng nhất với người trẻ là phải biết bắt tay thực hiện ngay khát vọng nghệ thuật. Làm được điều đó, ở Việt Nam, tôi chỉ mới biết đến Tùng Dương. Bỏ qua những cái ngoài âm nhạc như ngoại hình hay sự quái đản thì Tùng Dương là một cá tính đặc biệt. Cậu ấy đã đi là đi và luôn tin vào những thứ nhạy cảm, vào sự mách bảo của con tim.
Anh từng nhấn mạnh sự sòng phẳng trong vật chất, còn trong tình cảm thì sao?
Tình cảm thì không ai nói trước được. Nhưng kẻ điên nào mà có thể sòng phẳng trong tình cảm được nhỉ? Như thế nghĩa là chẳng hiểu gì về tình cảm.
Nghĩa là chúng ta phải nợ nần nhau, dan díu với nhau thì mới đúng nghĩa của yêu đương?
Cái nợ nần, dan díu ấy nằm ở sự tâm linh. Đấy chính là sự tôn trọng nhau. Mà muốn có điều đó thì buộc mình phải sống đẹp. Không phải ai cũng làm được đâu, đặc biệt là ở giữa cuộc sống khủng khiếp như bây giờ, chộp giật về tiền bạc, chộp giật về cảm xúc, chộp giật về mối quan hệ. Người ta chen chúc, xô đẩy nhau, cứ nhìn giao thông của chúng ta thì biết. Trong một đoạn đường bé tí, ai cũng muốn nhô lên, chẳng ai muốn lùi lại. Nó cũng như nền kinh tế Việt Nam. Nó như cái ô tô phóng mãi, văn hóa là cái chân phanh. Chúng ta muốn kìm hãm sự lạm phát nhưng lại bị cuốn theo sự mải miết vận động của cái bánh xe, không làm cách nào mà dừng được. Chưa nói đến việc coi chừng, cái phanh đang có vấn đề thực sự. Tôi nói vậy vì cái cốt lõi nhất trong cuộc sống là văn hóa thì chúng ta lại đang thiếu trầm trọng. Sống hay yêu, ăn hay ngủ, chúng ta đều phải có văn hóa.
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn.
Có mấy ai được xem là văn minh?
Cái trầm trọng trong văn hóa của người Việt như anh nói, cụ thể là như thế nào?
Cách đây không lâu, tôi ngồi trên máy bay, đọc một tờ báo vì lúc đó không có việc gì làm. Có cái gì trước mặt thì giở ra xem thôi. Và một bài báo vô duyên chưa từng thấy bày ra trước mặt mình. Một ông tiến sĩ nào đó phán rằng: Người Việt mình nên bỏ tết Ta để dùng tết Tây cho thuận với xu hướng của thế giới. Vậy xin hỏi ngài tiến sĩ ấy rằng, ông có bao giờ mang những thứ ông thắp hương trên bàn thờ để mang đi bán không? Người Việt mình, từ ông bà, bố mẹ đến mình, đến con cháu mình sau này có bao giờ khấn vái trước bàn thờ tổ tiên bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp không? Ông trả lời cho tôi được những câu hỏi đó thì hãy nói đến chuyện bỏ tết Ta để theo tết Tây.
Dù sao đó cũng là một quan điểm trong xu hướng thích sính ngoại của người Việt?
Với tôi, tiến sĩ học thuật mà tư duy như thế là có vấn đề. Không hiểu tiến sĩ họ học cao, hiểu rộng đến đâu. Tôi tốt nghiệp bằng xuất sắc cử nhân âm nhạc năm 1998. Và cho đến bây giờ, sau gần 15 năm, mình học đi học lại mãi cái bằng đó mà vẫn chưa thấy xong, vẫn còn thấy có qúa nhiều điều phải học. Hay mình là kẻ trì độn, ngu dốt quá ư? Nhưng tôi nghĩ đó là văn hóa. Văn hóa là thứ không học được. Nên nhớ rằng, 98% người Việt Nam là nông dân. Anh đừng lấy số ít để làm thước đo. Nếu thích tết Tây thì anh cứ đi mà ăn, nhưng đừng đưa nó thành một quan điểm to tát, kệch cỡm như thế.
Anh thật là kỳ lạ, sự vô cảm của anh đối với văn hóa phương Tây phải chăng vì anh quá bảo thủ và quê mùa?
Tôi nghĩ chính vì mình được đi, sống và học tập ở Tây rất nhiều nên mình mới có sự nhìn nhận như thế. Tôi không chê bai văn hóa phương Tây. Nó hay như thế làm sao chê được. Nhưng nó hay khi được đặt đúng chỗ, đúng vùng miền. Sang một nơi khác sẽ trở nên lai căng ngay. Đã là văn hóa thì luôn đẹp, luôn đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
Kể cả văn hóa ăn mắm của người Việt nói riêng và châu Á nói chung. Bạn để ý mà xem, tất cả mọi cư dân sống bằng nghề lúa nước đều ăn mắm rất nhiều. Đó là văn hóa. Đừng thấy người phương Tây bịt mũi nói hôi mà chúng ta phủ nhận. Đó là văn hóa của riêng ta và ta có quyền kiêu hãnh và có trách nhiệm bảo vệ.
Nhưng người Việt mình lại đang sính ngoại thái quá?
Bạn có thể là người tiếp xúc với thế giới văn minh rất tốt. Bạn dùng máy điện thoại xịn hơn tôi, đi xe ô tô đắt tiền hơn tôi nhưng bạn cầm cái điện thoại và nói bô bô, gây một cảm giác khó chịu với người bên cạnh. Bạn bước lên ô tô và xả rác ra đường thì bạn chỉ là người tiếp xúc với thế giới văn minh. Vì nền tảng văn hóa của bạn quá thấp. Và mãi mãi bạn chẳng bao giờ trở thành người văn minh được. Tôi dị ứng với câu nói văn minh, rằng một giọng hát văn minh phải thế này thế kia, không có đâu. Một giọng hát văn minh trước tiên phải là của một người có văn hóa. Bạn thử đếm xem, trong hàng nghìn người của showbiz Việt có mấy ai được xem là văn minh? Ca sĩ hát thì nhiều nhưng nghệ sĩ hát thì có bao nhiêu?
BOX Để văn minh trước hết mình phải có nền tảng văn hóa
"Không phải đâu, vì chẳng ai dạy họ cả. Xin lỗi nhé, tôi không hiểu nền giáo dục Việt Nam mình đang dạy cái gì. Một đứa trẻ lớp một, lớp hai, lớp ba, lớp bốn cần một nền tảng khủng khiếp. Nhưng cầm cái bát để ăn không biết phải cầm như thế nào. Cái cách giao tiếp quan trọng nhất là phải nhìn vào mắt người đối diện mà không được phép nhìn chỗ khác cũng chẳng ai dạy chúng. Một cậu bé đạp xe đẹp đi bên cạnh một cô bạn gái, cậu bé đó cũng không biết đường mà đi ra ngoài, ai dạy? Mở miệng ra là nói văn minh nhưng làm gì có văn minh? Để văn minh trước hết mình phải có một nền tảng văn hóa rất tốt, còn nếu không anh chỉ là người tiếp xúc với thế giới văn minh thôi". (Nhạc sĩ Lê Minh Sơn)
Tôi vô cảm với tết Tây "Cái Tết không đơn giản là sự buôn bán, tấp nập ăn uống. Đấy chỉ là những cái mà ai cũng có thể nhìn thấy. Và rõ ràng, đối với nhiều người, Tết là một gánh nặng mệt mỏi nhưng là sự mệt mỏi trong sung sướng. Vì nó còn liên quan đến mồ mả, tổ tiên, liên quan đến một cõi khác nữa chứ không phải là những thứ ta vẫn thường mắt thấy, tai nghe, rõ ràng, trần trụi này. Đó là cõi tâm linh, cho nên không thể chạy đi theo người Tây được. Còn tôi, vì mình là người nhà quê ư? Không biết nữa, nhưng tôi vô cảm trước cái tết Tây, trước những ngày valentine hay 8/3. Mọi sự háo hức tôi để dành hết cho cái Tết cổ truyền dân tộc. Không chỉ là “thịt lợn, dưa hành, câu đối đỏ” mà còn hơn thế. Tôi háo hức từ cái ngày đầu tiên biết cảm nhận về nó, cho đến tận bây giờ". (Nhạc sĩ Lê Minh Sơn) |
> Đọc thêm: Ca sỹ, diễn viên Việt Nam trốn thuế như thế nào?
Đào Bích