Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc vụ giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam

Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc vụ giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Chủ nhật, 16/08/2020 12:36

Hơn 1 tháng kể từ khi báo chí, mạng xã hội đăng tải thông tin về “lệnh” giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam của hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, bộ Thông tin và Truyền thông (bộ TT&TT) đã có văn bản chỉ đạo, yêu cầu hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chuyển đổi hình thức của pháp nhân Thời báo Kinh tế Việt Nam thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam đúng theo quy hoạch báo chí.

Yêu cầu chuyển đổi Thời báo Kinh tế Việt Nam theo đúng quy hoạch

Bộ TT&TT đã chính thức có văn bản chỉ đạo và yêu cầu hội Khoa học Kinh tế Việt Nam làm đúng với chủ trương của Đảng và quy định của Nhà nước về quy hoạch báo chí, ngăn chặn việc “hiểu nhầm, hiểu sai” trong tư tưởng và cách thức tổ chức triển khai quy hoạch Thời báo Kinh tế Việt Nam của Hội trong thời gian qua.

Cụ thể, tại công văn số 3087/BTTT-CBC của bộ TT&TT do Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo ký ngày 13/08/2020 gửi hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Việt Nam, Công đoàn Thời báo Kinh tế Việt Nam nêu rõ: Theo quy hoạch quản lý báo chí đến năm 2025, phương án sắp xếp đối với báo, tạp chí điện tử tương tự như đối với báo, tạp chí in. Các báo điện tử hiện có cơ quan chủ quản là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước thì thực hiện chuyển đổi cơ quan chủ quản hoặc chuyển thành tạp chí.

Chính sách - Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc vụ giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam

Bộ TT&TT đề nghị hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chuyển đổi hình thức của pháp nhân Thời báo Kinh tế Việt Nam thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam.

Bộ TT&TT đề nghị cũng hội Khoa học Kinh tế Việt Nam thực hiện đúng nội dung quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 362/ QĐ-TTg ngày 3/4/2019.

Theo đó, hội Khoa học Kinh tế Việt Nam phải chuyển đổi hình thức của pháp nhân Thời báo Kinh tế Việt Nam thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam; chỉ đạo tạp chí xây dựng phương án, lộ trình cụ thể, phù hợp về cơ cấu tổ chức, vị trí việc làm của tạp chí, tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí cống hiến và phát triển.

Tạp chí Kinh tế Việt Nam sớm xuất bản sản phẩm báo chí theo Giấy phép hoạt động báo chí đã được cấp. Quá thời hạn 3 tháng, kể từ ngày Giấy phép có hiệu lực, Tạp chí Kinh tế Việt Nam không có sản phẩm báo chí xuất bản, bộ TT&TT sẽ ra quyết định thu hồi Giấy phép. 

Ý kiến chính thức của bộ TT&TT đối với việc thực hiện quy hoạch báo chí của Thời báo Kinh tế Việt Nam được công bố ngay sau cuộc họp ngày 3/8/2020 giữa cục Báo chí (bộ TT&TT), vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Ban Kiểm tra (hội Nhà báo Việt Nam) với đại diện lãnh đạo hội Khoa học kinh tế Việt Nam, tập thể người lao động Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Chính sách - Bộ Thông tin và Truyền thông vào cuộc vụ giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam (Hình 2).

Một trong những ấn phẩm của Thời báo Kinh tế Việt Nam.

Thông qua cuộc họp này, cục Báo chí và các cơ quan liên quan đã trực tiếp lắng nghe, trao đổi về các nội dung liên quan việc chuyển đổi Thời báo Kinh tế Việt Nam thành Tạp chí Kinh tế Việt Nam, nhằm tăng cường công tác quản lý và tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm công tác báo chí cống hiến và phát triển.

Được biết, trước đó, ngày 1/7/2020, hội Khoa học Kinh tế Việt Nam ban hành Quyết định về việc chấm dứt hoạt động báo chí và giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, tập thể người lao động Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có đơn gửi các cấp lãnh đạo bày tỏ bất bình và không đồng ý đối với quyết định trên.

“Quyết định giải thể Thời báo Kinh tế Việt Nam là tước đoạt toàn bộ tài sản 30 năm hoạt động của Thời báo, đẩy 180 lao động từ chỗ có việc thành mất việc làm. Quyết định này gây nên sự bất công đối với người lao động, làm mất lòng tin vào chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước cũng như ảnh hưởng đến công tác quản lý Hội của bộ Nội vụ”, đại diện công đoàn của Thời báo Kinh tế Việt Nam bức xúc.

Tính chính danh của hội Kinh tế Việt Nam ra sao?

Cũng liên quan việc giải quyết lùm xùm tại hội Kinh tế Việt Nam, cùng ngày, bộ TT&TT cũng có Công văn số 3088/BTTT-CBC gửi bộ Nội vụ xem xét và giải quyết theo quy định pháp luật về “tính chính danh” của hội Khoa học Kinh tế Việt Nam với tư cách là cơ quan chủ quản.

Công văn nêu ra ý kiến của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên Thời báo Kinh tế Việt Nam về nhân sự lãnh đạo hội hoa học Kinh tế Việt Nam tuổi đã quá cao. Trong đó, Chủ tịch 94 tuổi, 2 Phó Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký đều trên 80 tuổi; 2 Phó Tổng Thư ký trên 70 tuổi. Đặc biệt, Ban thường vụ Trung ương Hội được bầu từ năm 2006, hoạt động cho tới nay chưa tổ chức đại hội. 

"Vấn đề này, nếu thực sự đúng như phản ánh, sẽ đặt ra câu hỏi về "tính chính danh' của Hội KHKTVN với tư cách là cơ quan chủ quản báo chí", công văn nêu rõ.

Thời báo Kinh tế Việt Nam là cơ quan trực thuộc hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, ra đời năm 1991. Thời báo Kinh tế Việt Nam có các ấn phẩm, gồm: nhật báo Thời báo Kinh tế Việt Nam (tiếng Việt); báo điện tử VnEconomy tiếng Việt; ấn phẩm Vietnam Economic Times (VET) tiếng Anh, xuất bản tháng 1 kỳ; chuyên trang điện tử tiếng Anh VET Online; ấn phẩm The Guide tiếng Anh, xuất bản tháng 1 kỳ; ấn phẩm Tư vấn Tiêu & Dùng tiếng Việt, xuất bản tháng 1 kỳ.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.