Và nhiều người sẽ còn phải sốc hơn nữa nếu biết cái giá để người thân quá cố được nằm ở những nơi như vậy có giá không dưới tiền tỷ!
Những khu đất nền xây mộ có giá tiền tỷ tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình.
"Trốn con" đi xem chỗ ở thế giới bên kia
Trong khi thị trường bất động sản đang có nhiều dấu hiệu chùng xuống thì những lô đất dành cho người âm lại được nhiều gia đình, các đại gia Hà thành săn tìm. Đặc biệt, các dự án nghĩa trang có khuôn viên thân thiện được mời chào với mức giá lên đến tiền tỷ.
Theo chân ông Nguyễn Văn T, khu đô thị Định Công, Hà Nội lên Nghĩa trang Lạc Hồng Viên, Hòa Bình đặt chỗ yên nghỉ cho hai ông bà lúc "hai năm mươi", chúng tôi không khỏi "sốc" trước giá thành "khủng" của những lô đất nền xây mộ đặt trước. Con đường dẫn vào thế giới của "người thiên cổ" được thiết kế như một công viên thơ mộng với những chiếc xích đu, chiếc ghế nghỉ được đặt trong khuôn viên mộ... Tất cả điều đó làm xóa đi cảm giác sợ sệt của khách hàng đến thăm nghĩa trang. Ông T. tâm sự: "Cả tôi và vợ đều đã ngoài 70 tuổi, dù không muốn nhắc đến sự ra đi lúc tuổi già nhưng có sinh có tử - đó là quy luật. Tuy nhiên, các con tôi lại không thích bố mẹ đi xem hay tìm mộ trước. Vợ chồng tôi phải tranh thủ lúc các con đi công tác để đi tham quan các dự án nghĩa trang".
Theo tìm hiểu của PV Nguoiduatin.vn, các phần mộ tại nghĩa trang này được thiết kế đa dạng từ mộ đơn, mộ đôi cho đến phần mộ gia tộc được bố trí trên 6 đồi: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ và Tượng Phật. Đồi Tượng Phật cao nhất, có địa thế đẹp nhất, được bán với giá 8-9 triệu đồng/m2 (mộ lẻ). Hiện nay, những khu vực đã hoàn thiện hạ tầng đưa vào chia lô đều đã được đặt chỗ khá nhiều. Như những lô có diện tích 100m2 trên đồi Kim rộng 30 ha cũng đã được khách hàng đặt mua đến 90%. Theo "bật mí" của nhân viên kinh doanh của Công ty cổ phần thương mại Toàn Cầu, chủ dự án Lạc Hồng Viên thì một đại gia có tiếng trong giới kinh doanh vàng bạc đá quý ở Hà Nội đã đặt mua 6 lô cho gia tộc với diện tích 600m2, giá gần 3 tỷ đồng, chưa kể tiền xây dựng lăng mộ.
Không chỉ dự án nghĩa trang tại Hòa Bình mà rất nhiều doanh nghiệp cũng mở rộng các dự án "công viên" cho người âm. Công viên Vĩnh Hằng (xã Tân Lập, huyện Ba Vì, Hà Nội) cũng là nơi được nhiều người đặt chỗ trước từ khi còn sống. Gia tộc họ Đ. ở Hà Nội đã chi khoảng 10 tỷ để đặt mua và xây dựng khu mộ "Tiên cảnh ngàn du". Khu mộ này có diện tích khoảng 200m2. Đây được coi là ngôi mộ đắt nhất ở Công viên Vĩnh Hằng.
Theo chia sẻ của nhân viên kinh doanh của Lạc Hồng Viên, Hòa Bình, các lô đất chia thành khuôn viên mộ tùy thuộc vào vị trí và túi tiền của khách hàng. Khu mộ đơn 4,5m2, mộ gia đình 30m2- 92m2, mộ dòng họ từ 100m2- 300m2. Giá cả tùy thuộc vào từng vị trí. Tuy nhiên mức thấp nhất mà gia chủ muốn sở hữu một phần mộ cũng phải cần 30 triệu đồng trở lên. Các khuôn viên mộ được thiết kế và xây dựng theo quy hoạch chung của chủ dự án.
"Hài lòng" cả người đã khuất?
Mức giá để sở hữu các lô đất tại các nghĩa trang cao cấp này là không hề rẻ. Nhưng theo đại diện của Lạc Hồng Viên thì chủ đầu tư cũng sẽ tạo điều kiện để các cụ cao tuổi có thể trả góp theo nhiều đợt cho mộ phần đặt sẵn. ông Trần Tuấn Anh, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Toàn Cầu cho biết: "Chúng tôi đã từng có chương trình trả góp cho người cao tuổi đăng ký mua suất tại Lạc Hồng Viên. Với nhiều người dân giá đất nền xây mộ là khá cao. Tuy nhiên, người nhà và các cụ khi lên thăm dự án đều khá hài lòng".
Ngoài khung cảnh trong mơ tại các nghĩa trang cao cấp này. Các dịch vụ mà một số nghĩa trang này triển khai cũng làm không ít khách hàng bất ngờ. Những dịch vụ thủy táng, cúng giỗ online, làm lễ cầu siêu, trang điểm cho người đã khuất cũng làm "an tâm" khách hàng bỏ tiền tỷ để mua suất "âm phần" ở nơi đây.
Theo anh Cương, người chịu trách nhiệm thiết kế các mẫu mộ tại nghĩa trang Lạc Hồng Viên, ngoài các mẫu mộ được thiết kế sẵn, các nhân viên thiết kế còn sẵn sàng lắng nghe ý tưởng của các gia đình về "ngôi nhà” của chính họ hoặc người thân của họ. "Chúng tôi đã nhận được yêu cầu đặt hàng của một vị nhạc sỹ là phải thiết kế khuôn viên và phần mộ làm sao mà người thân hay bất cứ ai ghé thăm mộ ông sẽ được nghe những ca khúc mà gắn liền với sự nghiệp của vị này", anh Cương chia sẻ.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết: "Với nhiều người nói đến nghĩa trang, họ nghĩ đó là nơi đáng sợ. Chúng tôi muốn không chỉ làm hài lòng những người đã đặt nhà trước khi sang thế giới bên kia mà con cháu họ cảm thấy an lòng và muốn thường xuyên đến thăm người thân của họ với quang cảnh thân thiện của nghĩa trang. Chúng tôi muốn mọi người thay đổi cái nhìn về nơi yên nghỉ của con người ở thế giới bên kia".
Bác Nguyễn Văn Mạnh, ở Xuân La (Quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: "Sinh lão bệnh tử là quy luật, ai cũng phải trải qua. Trước đây, người Việt thường né tránh nhắc đến chuyện ma chay, hậu sự cho người đang còn sống, nhưng bây giờ, đất nghĩa trang ngày càng co hẹp, việc phòng xa đất mai táng đối với người cao tuổi là chuyện nghiêm túc đối với nhiều gia đình. Bản thân tôi và vợ (đều đã gần 80) cũng đã nhiều lần lên thăm các dự án nghĩa trang quanh khu vực Hà Nội. Thực sự chúng tôi thấy hài lòng với khuôn viên, các dịch vụ ở những nơi đây. Nhưng với mức giá khủng đó thì với nhiều người có lẽ phải thu hẹp nhà lúc sống để "đầu tư" cho "ngôi nhà" ở thế giới bên kia của mình".
Xu hướng mới: Nghĩa trang thân thiện Theo một nhà nghiên cứu văn hóa thì làm nghĩa trang theo xu hướng trở thành công viên là một điều phổ biến ở nước ngoài. ở Việt Nam mới chỉ có một vài doanh nghiệp dám đầu tư vào lĩnh vực này. Nó làm cho mọi người có cái nhìn thân thiện và mới mẻ về nơi yên nghỉ của người thân. Tuy nhiên, mức giá tiền tỷ để sở hữu một nơi yên nghỉ như vậy quả là khó khăn với đa số người dân thậm chí lúc sống còn phải đi thuê nhà. |
Hoàng Mai