Bộ TN&MT: Địa phương phải bãi bỏ thủ tục đất đai gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Bộ TN&MT: Địa phương phải bãi bỏ thủ tục đất đai gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp

Đồng Xuân Thuận

Đồng Xuân Thuận

Thứ 3, 30/08/2022 15:45

Đây là nội dung được nêu tại Công văn 4898/BTNMT-TCQLĐĐ của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai.

Mới đây, Bộ Tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) đã có Công văn 4898/BTNMT-TCQLĐĐ về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Thứ nhất, về tham gia hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai.

Chỉ đạo công tác chuẩn bị xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” để ban hành và tổ chức thực hiện ngay sau khi Nghị quyết của Chính phủ được ban hành.

Tổ chức chỉ đạo việc đóng góp ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi và gửi ý kiến đảm bảo thời hạn; cử lãnh đạo đơn vị, cán bộ, chuyên gia có kiến thức chuyên môn, am hiểu thực tiễn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Rà soát, ban hành đầy đủ văn bản theo thẩm quyền để thực hiện các nội dung tại Luật Đất đai và Nghị định của Chính phủ giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết để triển khai thực hiện ở địa phương theo quy định.

Thứ hai, về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chỉ đạo tổ chức thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 4707/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 15 tháng 8 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc lập kế hoạch sử dụng đất 05 năm (2021-2025) cấp tỉnh, lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Thứ ba, về xây dựng và vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai và thực hiện cung cấp dịch vụ công về đất đai.

Đẩy mạnh và khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tập trung nguồn lực đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến để rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, phát triển Chính quyền điện tử, chuyển đổi số tiến tới Chính phủ số; sẵn sàng kết nối, liên thông cơ sở dữ liệu đất đai địa phương với hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia để đảm bảo vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương cho thực hiện các nội dung nhiệm vụ quản lý đất đai ở địa phương; bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hàng năm cho việc đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và vận hành hệ thống thông tin đất đai, trước mắt ưu tiên bố trí cho các hoạt động quản lý, xây dựng, nâng cấp, duy trì, vận hành hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai.

Thứ tư, về cải cách thủ tục hành chính và công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Chấn chỉnh, tổ chức sắp xếp, bố trí hợp lý công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, không để tình trạng quá tải, kéo dài thời gian tiếp nhận giải quyết hồ sơ làm phát sinh các tiêu cực nhũng nhiễu, gây bức xúc trong nhân dân.

Rà soát, sửa đổi, bãi bỏ các quy định về thủ tục hành chính được ban hành tại địa phương không hợp lý, kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch về đất đai.

Chấn chỉnh công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; rà soát, thống kê đầy đủ các trường hợp còn tồn đọng chưa đăng ký đất đai, chưa cấp Giấy chứng nhận, làm rõ nguyên nhân và có kế hoạch, biện pháp cụ thể để giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn đọng.

Cần quan tâm đến công tác đăng ký đất đai, đặc biệt là công tác đăng ký đất đai đối với người sử dụng đất chưa đăng ký đất đai và đối với đất được giao để quản lý; làm rõ trách nhiệm và xử lý vi phạm đối với cán bộ, người có trách nhiệm đối với các hồ sơ đã tiếp nhận nhưng chậm giải quyết.

Thứ năm, về thực hiện điều tra, đánh giá đất đai.

Khẩn trương thực hiện các hoạt động điều tra, đánh giá đất đai lần đầu, công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai của địa phương; gửi kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp theo quy định tại Điều 33, Luật Đất đai và các quy định tại Thông tư số 35/2014/TT-BTNMT ngày 30 tháng 6 năm 2014 quy định việc điều tra, đánh giá đất đai.

Đối với các địa phương đã thực hiện, hoàn thành và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai cần tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện và công bố kết quả điều tra, đánh giá đất đai lần tiếp theo đảm bảo các quy định pháp luật có liên quan và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thứ sáu, về thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, sử dụng đất.

Tích cực chỉ đạo, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng và xử lý nghiêm các trường hợp san ủi đồi núi, san lấp hồ ao, bờ sông, bờ suối,... để phân lô, bán nền; xây dựng trên đất nông nghiệp trái quy định của pháp luật.

Tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, các dự án chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà ở; các vi phạm đối với việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp, việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, các công trình dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận việc chuyển mục đích; các vi phạm trong việc tách thửa, phân lô, bán nền làm phá vỡ quy hoạch, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, công tác xác định giá đất, công tác thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất tại địa phương.

Tổ chức thanh tra toàn diện đối với diện tích đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường bàn giao về địa phương quản lý còn khó khăn, vướng mắc trong việc giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để làm căn cứ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuệ Minh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.