Bộ tộc 'săn đầu người với khuôn mặt hình xăm'

Bộ tộc 'săn đầu người với khuôn mặt hình xăm'

Thứ 2, 11/03/2013 20:10

Nagaland được biết đến như một vùng đất đầy màu sắc chết chóc và ghê rợn, bởi cuộc chiến giữa các bộ tộc đi "săn đầu người với khuôn mặt hình xăm" chưa có hồi kết.

Hủ tục xa xưa

Thế giới không ngừng đổi thay và phát triển, cuộc sống văn minh, hiện đại dường như đã bao trùm lên khắp mọi nơi trên trái đất. Nhưng đâu đó, một số vùng, miền vẫn còn những phong tục, lối ăn mặc kỳ quái, đầy màu sắc huyền bí như: Bộ lạc Himba sống ở miền Bắc Namibia cho rằng, thế giới văn minh bị bệnh ngoài da nên phải mặc quần áo; Tộc người Zulu da đen ở Nam Phi kiểm tra trinh tiết của nam giới thông qua việc đi tiểu tiện; Bộ tộc Korowai ở đất nước vạn đảo Indonesia không sống ở dưới mặt đất mà làm những ngôi nhà cao chót vót trên cây; Bộ tộc Surma ở Ethiopia có cách trang điểm rất quái dị, căng môi bằng những chiếc đĩa to kềnh; Vẻ đẹp dựng tóc gáy của phụ nữ  bộ tộc Apatani trên cao nguyên Apatani (Ấn Độ) với chiếc mũi bị đục ra rồi nhét một chiếc nút như đồng xu vào.

Bên cạnh đó khi nhắc đến những bộ tộc săn đầu người ở vùng đất Nagaland khiến nhiều người hoảng hồn.

Lạ & Cười - Bộ tộc 'săn đầu người với khuôn mặt hình xăm'

Bộ tộc vùng Nagaland ăn mừng lễ hội sau mùa thu hoạch.

Vùng đất Nagaland là một vùng núi xa xôi, nằm khuất sâu về phía đông bắc Ấn Độ. Chưa nơi nào lại tập trung nhiều bộ tộc như ở đây, có đến 16 bộ tộc cùng sinh sống. Bởi vậy mà Nagaland là sự hỗn hợp về văn hóa, phương ngữ và những lễ hội đầy bản sắc dân tộc.

Thổ dân Nagaland có nguồn gốc từ Tây Tạng và Miến Điện, bởi vậy mà ngôn ngữ của họ cũng ảnh hưởng ít nhiều. Giống như nhiều bộ tộc khác, đặc điểm nổi bật của những thổ dân vùng Nagaland là có gò má cao, nước da màu đồng khỏe mạnh, đôi mắt hình hạnh nhân, hàm răng sáng lấp lánh, đàn ông đeo khuyên tai bằng những chiếc sừng động vật rất to và dài. Mỗi bộ lạc có một kiểu cách, màu sắc trang phục riêng.

Một số bộ tộc chính và lớn mạnh nơi đây phải kể đến như Nagaland, Angami, Ao, Chakhesang, Chang, Dimasa Kachari, Khiamniungan, Konyak, Lotha, Phom, Pochury, Rengma, Sangtam, Sumi, Yimchunger, Kuki và Zeliang... Trong số đó có bộ tộc Konyak là hiếu chiến và gan lỳ nhất.

Theo những báo cáo gần đây, những bộ tộc vùng Nagaland cách đây không lâu tồn tại tục săn đầu người. Dù hiện nay nhà chức trách đã nghiêm cấm nhưng đâu đó vẫn còn tục lệ kinh khủng này. Sở dĩ, thổ dân các bộ tộc vùng Nagaland cần hộp sọ người bởi họ tin rằng, chỉ có hộp sọ mới có thể mang lại sự sống cho con người và các loài vật khác.

Họ cũng cho rằng, chặt đầu kẻ thù là một hành động sẽ mang lại mùa màng bội thu cho bộ tộc. Chỉ có những chiến binh có chiến công khi săn được đầu người và mang "chiến lợi phẩm" về mới được phép xăm lên mặt và cơ thể bằng một loại mực đặc biệt rất bền, hình xoáy giống như những chiếc sừng kì quái.

Bên cạnh đó, những bộ tộc ở đây cũng tin rằng, tục săn đầu người còn xuất phát từ lòng tin, họ tin rằng, linh hồn con người ẩn nấp sau gáy và khi bị xử trảm linh hồn sẽ siêu thoát bay ra và giải thoát con người. Tất cả các "chiến lợi phẩm" sẽ được tập hợp và để ở trong một ngôi nhà thiêng Morung của bộ tộc mình. Ngôi nhà này cũng là nơi các thanh niên đến tuổi trưởng thành chưa lập gia đình phải ở tập trung tại đây đến khi có thành tích "săn đầu người" mới được trở về nhà. 

Từ lâu các chiến binh của bộ tộc Konyak đã có biệt danh là "những kẻ đi săn đầu người với khuôn mặt hình xăm" dũng cảm. Mỗi hình xăm trên cơ thể tương ứng với số thủ cấp mà chiến binh đó đạt được. Như thủ lĩnh, tộc trưởng Angh, một chiến binh Konyak thực thụ, một vị vua cai trị 75 ngôi làng của người Konyak. Nhà của vị tộc trưởng này nằm ở vị trí biên giới giữa hai nước Ấn Độ và Myanmar.

Đặc điểm của những chiến binh của các bộ tộc vùng này rất hiếu chiến và dũng cảm. Bởi vậy mà sau này trong quân đội Ấn Độ có Trung đoàn Naga gồm các chiến binh vùng Nagaland nổi tiếng bởi sự gan lỳ, dũng cảm và không biết sợ hãi.

Lạ & Cười - Bộ tộc 'săn đầu người với khuôn mặt hình xăm' (Hình 2).

Cánh cổng cũ kĩ của nhà một chiến binh săn đầu người thuộc thủ phủ Kohima, Nagaland.

Còn nhiều điều kì lạ và huyền bí

Niềm tin và hủ tục kỳ quái này gần như đã mất đi khi đế quốc Anh vào chiếm đóng và bắt buộc các bộ tộc từ bỏ tục săn đầu người. Ngày nay những chiếc đầu gỗ đã được thay thế, những chàng trai chưa lập gia đình cũng không phải ở nhà Morung như trước kia mà khuyến khích ở với bố mẹ.

Tuy vậy, những nghi thức tế lễ "tục săn đầu người" vẫn được tiến hành. Hiện, chính quyền đã nghiêm cấm tục lệ này và người dân vùng Nagaland đã chuyển sang đạo Thiên Chúa. Tuy vậy,  đến nay nhiều cựu chiến binh săn đầu người vẫn tự hào về thời kỳ hoàng kim của mình như một phần không thể thiếu khi gợi lại quá khứ và dạy bảo con cháu.

Theo thời gian, những khuôn mặt hình xăm dữ dằn và đáng sợ đã dần mờ đi. Điều này có nghĩa những chiến công trong quá khứ của những kẻ săn đầu người mặt hình xăm cũng dần vùi vào quá khứ. Nhưng đặt chân đến vùng đất này nói chuyện với những người có khuôn mặt hình xăm thì câu chuyện về hủ tục săn đầu người lại như mới ngày hôm qua.

Bất cứ ai cũng muốn khoe thành tích đáng nể của mình như: "Tôi đã lấy được 10 cái đầu của kẻ thù", lần đầu tiên săn đầu người dũng cảm thế nào, vui mừng biết bao. Đặc biệt, những chiếc rìu như một vật bất ly thân của các cựu chiến binh săn đầu người, bởi nó như một người bạn đã theo họ từ những ngày còn non nớt "vào nghề". Họ luôn giữ bên mình như một kỉ niệm và cũng là một vũ khí để phòng thân trước kẻ thù.

Các bộ tộc vùng Nagaland chủ yếu cấy trồng các sản phẩm nông nghiệp, nuôi lợn và chăn thả gia xúc. Bên cạnh đó, họ cũng có nghề dệt vải. Khăn choàng là sản phẩm đặc trưng nhất ở đây, nhưng mỗi bộ tộc lại có màu sắc riêng. Bởi vậy, hầu như gia đình nào cũng có một khung cửi trong nhà. Nơi đây cũng được xem là vùng đất có nhiều trầm tích, than đá và trữ  lượng lớn Niken. Ở đây cũng có rất nhiều các loại cây tre, nứa, chính vì vậy mà ngày càng nhiều các nhà máy giấy và ván ép mọc lên đã đem lại một phần thu nhập cho người dân.

Họ sống trong các ngôi nhà dài truyền thống được làm bằng gỗ, tre nứa và lợp mái lá. Trên giường của họ vẫn còn những chiếc sọ người được chạm khắc dùng làm vật trang trí. Trên các mái nhà ở đây đã thấp thoáng các cột thu sóng điện thoại, bởi nhiều người trẻ tuổi đã biết dùng điện thoại kết nối mọi người gần nhau hơn.

Người trẻ tuổi cũng bắt đầu biết ăn vận những bộ quần áo hợp thời trang hiện đại và nhiều cô gái đã biết đi giày cao gót, dù các con đường ở đây không phải dễ đi lại. Một số ít người cũng rời làng đi làm ăn ở những nơi xa, dưới thành phố, chỉ đến khi có lễ hội họ mới trở về nhà.      

Hút khách du lịch mạo hiểm và thích khám phá

Cho đến nay dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, ít nhiều "thế giới văn minh" đã len lỏi vào đời sống của từng bộ tộc, nhưng mảnh đất nơi đây vẫn thu hút nhiều khách du lịch bởi những câu chuyện về hủ tục săn đầu người còn được nhắc lại và những cựu chiến binh với khuôn mặt hình xăm vẫn còn đó. Điều này sẽ rất hấp dẫn và thú vị đối với những du khách ưa mạo hiểm và muốn khám phá. Vùng Nagaland vẫn còn nhiều điều kỳ lạ, đầy huyền bí với bức tranh phong cảnh rất đẹp và thơ mộng.

Thiên Vũ

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.