Liệu có cách tân quá đà?
Bộ trang phục nặng 44kg mà nhà thiết kế Lê Long Dũng thiết kế cho người đẹp Dương Nguyễn Khả Trang mang đi dự Hoa hậu Siêu quốc gia 2016 mới đây đang khiến dư luận choáng váng vì độ cầu kì của nó.
Theo các thông tin được chia sẻ mấy ngày qua thì bộ trang phục này được thực hiện trong 3 tháng với đuôi áo dài hơn 3,5m, sải cánh 2m. Phần váy và yếm của bộ trang phục được cách điệu từ cảm hứng văn hóa Đông Sơn với dải băng chéo vai trang trí hoa văn sóng nước và đá pha lê. Thổ cẩm trang trí được trải dài từ mũ nón đến chân và đuôi váy. Phần đội đầu là điểm nhấn với chiếc nón cao gần 2m với lông chim trĩ điểm xuyến với hoa tai bản to.
Mặc dù được kì vọng sẽ giúp người đẹp Việt thăng hoa tại cuộc thi nhưng ngay sau khi bộ trang phục được công bố, mạng xã hội đã xuất hiện nhiều ý kiến chê bai lối thiết kế này. Đa phần ý kiến cho rằng bộ trang phục quá nặng nề, rườm rà, lòe loẹt, không mang dấu ấn văn hóa Việt mà có hơi hướng của văn hóa Thái Lan.
Nhà thiết kế Lê Long Dũng sau đó có phân trần với báo giới là: “Không ai phủ nhận áo dài, áo tứ thân, yếm đào… là trang phục phổ biến của nhiều thí sinh trong nước ở các cuộc thi nhan sắc. Nhưng chúng ta không vì thế mà phải luôn bó buộc mình với những loại trang phục đó. Trong dòng chảy lịch sử, ở mỗi thời đại lại có những loại trang phục đặc trưng, chứa đựng nhiều yếu tố văn hoá. Bộ trang phục tôi thực hiện cho Khả Trang được lấy cảm hứng từ trang phục cổ cách đây khoảng 3000 năm chứ không phải bắt chước ai cả”.
Nhà thiết kế này cũng cho rằng, bộ trang phục là sự kết hợp giữa sự mạnh mẽ của cha Lạc Long Quân và mềm mại, thanh thoát của mẹ Âu Cơ, đồng thời anh cũng cho biết đây là bộ quốc phục đặc biệt so với những thiết kế của chính mình trước đây.
Tuy nhiên nhiều ý kiến bình luận trên mạng xã hội lại không đồng tình như vậy. Họ cho rằng dù bộ trang phục được thiết kế cầu kì và ấn tượng nhưng để một thí sinh mặc đại diện cho trang phục Việt đi dự thi là không phù hợp. Đó là chưa kể tới chuyện nó được gắn mác là “quốc phục Việt Nam” thì càng không ổn.
“Tôi đã xem đi xem lại bộ trang phục này nhưng không thấy yếu tố Việt ở đâu. Nhìn qua tôi thấy nó hao hao với những thiết kế trang phục của nhân vật trong các tựa game. Còn cách trình diễn và tạo dáng của thí sinh Khả Trang với bộ trang phục thì lại na ná với phong cách trang phục Thái Lan. Có thể đây là một sản phẩm sáng tạo của nhà thiết kế nhưng tự nhận nó là quốc phục rồi đem ra quảng bá với bạn bè quốc tế thì không nên chút nào. Tôi nghĩ nó không đại diện cho tinh thần Việt và có thể khiến cho quốc tế hiểu nhầm về quốc phục của chúng ta”, độc giả Nguyễn Sơn viết trên facebook.
Không thể gọi là quốc phục
Chia sẻ với PV báo Người đưa tin về vấn đề nêu trên, nhà thiết kế (NTK) Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết: “Theo tôi nếu một bộ trang phục mang ý nghĩa đại diện cho quốc gia thì NTK phải chú ý tới môi trường, không gian bộ trang phục đó xuất hiện. Ví dụ bộ trang phục xuất hiện trong một cuộc gặp gỡ chính trị thì ngoài mục đích quảng bá văn hóa nó còn đại diện cho đất nước. Trong khi trang phục xuất hiện trong lĩnh vực giải trí hay cuộc thi sắc đẹp thì nhà thiết kế lại đề cao tính sáng tạo. Vì thế yêu cầu thiết kế cần dựa theo tiêu chí cụ thể”.
Phát biểu ý kiến về bộ trang phục đang gây tranh cãi ở trên, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam cho biết: “Bộ trang phục đó về mặt kĩ thuật thực sự rất kì công và không phải ai cũng có thể tạo ra được. Nó cho thấy NTK đã bỏ ra nhiều tâm huyết và thời gian. Tuy nhiên bộ trang phục đó có phù hợp hay không, theo tôi chúng ta cần chú ý đến mục đích sử dụng.
Nếu sự kiện mang tính biểu diễn hay là một show thời trang thì nó quá phù hợp. Còn nếu nói bộ trang phục đó đại diện Việt Nam, hay gọi nó bằng cái tên quốc phục thì hoàn toàn không phù hợp. Bộ trang phục đó cách tân quá nhiều. Bộ trang phục nào cũng vậy, muốn thành công thì chúng phải được đặt đúng không gian, thời gian, hoàn cảnh … phù hợp”.
Trong khi đó, tiến sĩ mỹ học Nguyễn Thế Hùng thì khẳng định: “Một bộ trang phục được coi là quốc phục khi mang tinh thần dân tộc, biểu đạt đặc trưng của dân tộc đó. Tôi cũng đã xem hình ảnh bộ trang phục đó và thấy rằng, nếu gọi nó là quốc phục thì không thể được. Bởi bộ trang phục chưa nói lên được cái gọi là bản sắc dân tộc.
Mặc dù nhìn tổng thể, chiếc váy đã chọn gam màu tốt, màu đỏ tượng trương cho sức mạnh, sức sống. Màu vàng tượng trương cho quyền lực, màu của vua chúa. Bộ trang phục thể hiện rõ sự kỳ công, công phu, đầu tư của NTK nhưng từng chi tiết cụ thể lại không toát lên được tinh thần Việt”.
TS. Nguyễn Thế Hùng cũng phân tích: “Theo tôi nghĩ, chiếc váy này sẽ đẹp hơn rất nhiều, tỏa sáng hơn nhiều nếu NTK tiết chế những chi tiết rườm rà, chiếc váy cần đơn giản, gọn gàng hơn. Bởi nhìn vào chúng, ta chỉ thấy nó mang hơi hướng của các công nương hiện đại, chứ không thể hiện rõ bản sắc Việt Nam. Với các NTK việc sáng tạo là cốt lõi tạo nên những bộ trang phục nhưng trong trường hợp này phải dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc. Những sáng tạo đem lại giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ đích thực chỉ khi nào chúng phù hợp với nhận thức thẩm mỹ của công chúng”.
Xem thêm >>> Thomas Anders tiết lộ sự thật về cái tên Modern Talking với fan Việt
Phương Anh - Phạm Thiệu