Khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh
Phát biểu giải trình tại phiên thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch tại nghị trường Quốc hội cuối buổi chiều 9/11, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do đại dịch Covid 19, nhưng 10 tháng qua, sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng 3,3% (cao hơn mức 2,7% của cùng kỳ năm trước), là động lực chính góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Xuất khẩu tiếp tục đạt mức xuất siêu, là điểm sáng với mức tăng rất cao (17,3% so với cùng kỳ); nhập khẩu từng bước giảm, nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu, ngành Công Thương đã cùng các Ngành, địa phương, cơ bản cung ứng kịp thời, khá đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, điện năng phục vụ sản xuất và đời sống người dân, ổn định giá cả hàng hóa; khai thác các hình thức thương mại, các loại thị trường, góp phần tiêu thụ hàng triệu tấn nông sản tới vụ cho nông dân trong hoàn cảnh giãn cách xã hội. Phối hợp các Bộ, ngành, địa phương trong nước và các Bộ, ngành đối tác nước ngoài xử lý kịp thời các vướng mắc trong lưu thông hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất; giải tỏa kịp thời những ách tắc tại các cửa khẩu, bến cảng nhằm duy trì các hoạt động xuất nhập khẩu. Nhờ đó, các doanh nghiệp (DN) có điều kiện khai thác, phát huy lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do, duy trì được thành quả xuất siêu.
Người đứng đầu ngành Công Thương cho hay, ngành đã kịp thời đề xuất Chính phủ 5 lần giảm giá điện sinh hoạt, điện sản xuất và điện cho các đối tượng ưu tiên với số tiền lên đến gần 17 ngàn tỷ đồng.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng chỉ ra ngành Công Thương thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế như Báo cáo của Chính phủ đã nêu.
Về lĩnh vực điện năng, Bộ trưởng Bộ công thương cho hay, thực hiện Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Chính phủ, thời gian qua, Bộ Công Thương tập trung tham mưu cho cấp có thẩm quyền chỉ đạo xây dựng Quy hoạch điện 8 (đến 2030) với những nguyên tắc cơ bản là, cố gắng bảo đảm cân đối: cung cầu; vùng - miền; cơ cấu các nguồn điện; cơ cấu nguồn và truyền tải; huy động được mọi nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển điện. Đặc biệt, chú trọng xây dựng thị trường phát điện và thị trường bán buôn điện cạnh tranh.
Thị trường phát điện cạnh tranh được ngành triển khai từ khá sớm nhờ vậy, đến nay có gần 70% nguồn điện do tư nhân hoặc công ty cổ phần sản xuất. Thị trường bán buôn điện cạnh tranh cũng đã được vận hành từ đầu năm 2019, và đến nay EVN không còn là đơn vị duy nhất mua bán điện mà có thêm 05 Tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua bán điện trên thị trường. Bộ đang tích cực phối hợp các cơ quan hữu quan xây dựng Đề án trình Thủ tướng Chính phủ chuyển Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện hạch toán độc lập trong EVN theo chỉ đạo của Chính phủ.
“Bộ đang khẩn trương xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Trong đó, việc triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa nhà máy điện và khách hàng sử dụng điện chính là bước đầu tiên trong thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh ở nước ta. Hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện cơ chế này từ nay đến năm 2025.
Đồng thời, đã trình Chính phủ và Quốc hội cho sửa 1 điều của Luật Điện lực để tư nhân có thể được đầu tư vào phân khúc truyền tải điện; Trình Chính phủ cơ chế điều hành thực hiện các dự án điện, nhằm siết lại kỷ cương trong tổ chức thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển điện ở nước ta; Trình Chính phủ cho phép triển khai Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021-2025… Sau khi được chấp thuận, Bộ sẽ triển khai thực hiện nghiêm túc”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Kéo dài ưu đãi giá FIT cho điện gió là không hợp lý
Theo Bộ Trưởng Nguyễn Hồng Diên, một số dự án điện gió xin kéo dài thời gian áp dụng giá FIT(Giá FIT là cơ chế giá hỗ trợ của Nhà nước, chỉ được áp dụng trong thời gian nhất định để khuyến khích đầu tư vào những lĩnh vực cần đầu tư). Tuy nhiên, theo ông Diên, việc kéo dài thời gian hưởng chính sách giá FIT là không hợp lý, không đúng với bản chất có thời hạn của chính sách hỗ trợ, gây bất bình đẳng với các dự án khác cùng cơ chế…
“Nếu kéo dài thời gian hưởng chính sách này, có thể sẽ xảy ra hậu quả về pháp lý, gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước và các đối tượng sử dụng điện”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện Bộ đang xây dựng dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định về phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời theo Luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó điểm cốt yếu là cơ chế đấu thầu, đấu giá để lựa chọn nhà đầu tư và xác định giá điện.
Theo đó, các nhà đầu tư sẽ đàm phán giá với EVN trong khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành. Các dự án dở dang sẽ được xem xét giải quyết trong điều khoản chuyển tiếp của Dự thảo Quyết định nêu trên. Đồng thời, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng Khung giá cho điện gió, điện mặt trời làm căn cứ cho nhà đầu tư đàm phán với EVN trong thời gian tới.