Thông tin 39 người chết trong xe tải ở Anh đang nhận được sự quan tâm của đông đảo dư luận. Trả lời tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tối ngày 5/11, về giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng đi lao động ở nước ngoài trái phép, Bộ trưởng bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia buồn với thân nhân của 39 nạn nhân thiệt mạng tại Anh và nhấn mạnh đây là hai vấn đề khác nhau.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: “Tội phạm buôn bán người và di cư bất hợp pháp khác hoàn toàn với việc chúng ta tổ chức cho lao động đi làm việc tại nước ngoài”.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, để đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài đều dựa trên bản ghi nhớ về lao động giữa 2 quốc gia: “Hiện có 5 hình thức đưa người lao động nước ngoài gồm: Đi qua các doanh nghiệp mà bộ LĐ-TB&XH cấp phép; đi cá nhân, ký trực tiếp với tổ chức nước ngoài nhưng đăng ký với sở lao động và cơ quan quản lý hợp tác đào tạo liên kết giữa hai bên; trao đổi công việc giữa các địa phương, quốc gia trong thời gian ngắn hạn.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, hiện có gần 400 doanh nghiệp được cấp phép, đủ tư cách đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài.
“Mỗi năm, chúng ta đưa 100 nghìn người lao động đi lao động ở 4 địa bàn: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia. Riêng khu vực Châu Âu, Việt Nam đã ký hợp tác với Romania và Đức, trong đó chủ yếu đưa điều dưỡng viên đi lao động tại Đức. Đưa người Việt Nam đi lao động nước ngoài đều đảm bảo minh bạch, địa bàn, mức lương, được bảo hộ công dân, có bảo hiểm xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết hiện có 2 hiện tượng là doanh nghiệp không có chức năng nhưng mượn phép, liên doanh liên kết trá hình đưa đi và doanh nghiệp không được phép nhưng cò mồi, làm chui, làm lậu.
“Bộ LĐ-TB&XH cũng khuyến cáo người lao động đi theo con đường hợp pháp, thông qua các cơ quan được cấp phép, không đi theo con đường bất hợp pháp và không đi theo những đơn vị không được cấp phép”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Thanh Lam - Hữu Thắng